Đông đảo phật tử và người dân đến chùa Thanh Hà để tụng kinh vào dịp Vu lan báo hiếu.
Theo truyền thuyết xưa kể lại thì ngày lễ Vu lan xuất phát từ tích vị đại hiếu tử Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mẹ của Mục Kiền Liên vì kiếp trước gây nhiều tội lỗi, nên khi chết xuống âm phủ chịu lắm hình phạt nặng nề. Mục Kiền Liên nhờ tu luyện được nhiều phép thần thông, nên đã nhìn thấy mẹ chịu nhục hình. Ông mới đích thân đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ, nhưng khi cơm đưa vào miệng mẹ thì đều hóa thành lửa đỏ. Sau đó, Mục Kiền Liên mới trở về thỉnh ý Phật để tìm cách cứu mẹ. Phật dạy rằng, phải có sự khấn vái thành tâm của dân chúng thập phương mới cứu được mẹ và ngày rằm tháng 7 là ngày thích hợp nhất. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật và quả thật mẹ của ông đã được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Xuất phát từ điển tích này, lễ Vu lan báo hiếu là dịp để con, cháu thể hiện lòng biết ơn, hiếu kính với tổ tiên. Đây cũng là biểu hiện của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đáng trân quý của dân tộc Việt Nam.
Khi nói về những giá trị tinh thần cao đẹp của mùa Vu lan báo hiếu, thầy Thích Bản Hoài, quản tự chùa Thanh Hà (TP Thanh Hóa), đã nhấn mạnh rằng: Vu lan báo hiếu là một trong những ngày lễ truyền thống được xem trọng nhất của Phật giáo. Ngoài ý nghĩa tôn giáo, còn nhắc nhở các thế hệ con cháu người Việt tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, đặc biệt là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến quê hương, đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, mùa Vu lan báo hiếu luôn có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt. Để tưởng nhớ công ơn với bậc sinh thành vào dịp này có nhiều cách được người dân thực hiện như: chuẩn bị mâm cơm chay cúng ông bà tổ tiên, tặng quà cho cha mẹ, cài bông hồng lên ngực áo, hay ăn chay... Tuy nhiên, hoạt động thường thấy nhất vẫn là đến chùa thắp hương, cầu nguyện. Bởi vậy, bắt đầu từ mùng 1-7 (âm lịch), phật tử và người dân ở khắp các vùng miền trong, ngoài tỉnh đã tìm về với chùa Thanh Hà để làm lễ cầu siêu, khấn nguyện, cầu bình an cho ông bà, cha mẹ. Vào mùa Vu lan năm nay, ngoài việc tổ chức lễ cầu siêu từ mùng 1 đến rằm tháng Bảy, nhà chùa còn tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu vào ngày rằm và nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” tặng quà cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách...
Cũng theo quan sát của chúng tôi tại chùa Thanh Hà những ngày tháng 7 có rất đông phật tử, người dân đến đây chiêm bái, lễ phật. Trong số hàng nghìn người đến đây chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Trịnh Thị Lan (Đông Sơn), theo bà: Hàng năm, vào dịp tháng 7 (âm lịch) bà cùng các con cháu đến chùa Thanh Hà để lễ phật cầu an, cầu siêu, báo hiếu cho ông bà tổ tiên và cầu cho những điều tốt đẹp đến với mọi người. Đồng thời, cũng là để giáo dục con cháu về đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Cùng với việc đi chùa lễ phật vào dịp tháng 7, nhất là ngày rằm theo tục lệ, hầu hết các gia đình người Việt đều chuẩn bị một mâm cỗ cúng trang trọng với mong muốn cầu cho người đã khuất được an yên nơi chín suối và phù hộ độ trì cho con cháu được an cư lạc nghiệp. Nói về việc làm này, bà Trịnh Thị Phi, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), bộc bạch: Hàng năm, vào ngày rằm tháng Bảy, con cháu trong gia đình tôi dù ở xa, hay ở gần, dù bận rộn thì cũng đều sắp xếp công việc, thời gian về nhà cùng với bố mẹ chuẩn bị chu đáo những món ăn chay để bày tỏ tấm lòng thơm thảo dâng lên tổ tiên, ông bà, cầu nguyện những điều may mắn, an lành đến với mọi người. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng tôi răn dạy con cháu đạo làm con, hiếu kính với cha mẹ, ông bà, biết kính trên nhường dưới, sống tốt với mọi người xung quanh.
Bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực, mùa Vu lan báo hiếu hàng năm đã thực sự trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt. Tuy nhiên, trong thực tế có thể có người chưa hiểu đúng về mùa Vu lan nên vẫn còn không ít những việc làm không đúng với thuần phong mỹ tục như tham gia lễ bái, đốt vàng mã quá nhiều vẫn diễn ra khá phổ biến và dường như còn trở thành một “trào lưu”. Bởi, có không ít người vẫn cho rằng “trần sao, âm vậy” mà không biết rằng việc làm này cần hạn chế bởi vừa ảnh hưởng tới kinh tế, lại gây ô nhiễm môi trường, thậm chí không ít vụ hỏa hoạn thương tâm đã xảy ra do bất cẩn trong việc hóa vàng mã. Xuất phát từ những việc làm đó nên những năm qua nhiều ngôi chùa trên địa bàn tỉnh đã triển khai hoạt động cấm đốt vàng mã đối với các phật tử đến lễ. Sau mỗi buổi tụng kinh thuyết pháp, các nhà sư đều chia sẻ, giảng giải vấn đề về cách thờ cúng gia tiên sao cho đúng với tinh thần từ bi, hướng thiện, bài trừ mê tín dị đoan trong đời sống tâm linh... Cũng theo nhiều tăng ni, phật tử thì để mùa Vu lan thực sự trở thành nét đẹp văn hóa tâm tinh, nối tiếp dòng chảy hiếu hạnh tự bao đời thì mỗi nhà, mỗi người cần nhận thức đúng, đầy đủ về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu lan báo hiếu, đồng thời cần hướng mọi người đến những việc làm tốt đẹp. Đó mới là chân lý và giá trị đích thực của mùa Vu lan báo hiếu.
Theo Bài và ảnh: Nguyễn Đạt/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/thang-7-mua-vu-lan-bao-hieu/165482.htm