Ảnh minh họa.
Ai cũng khen bà Nếp khéo nuôi dạy con cái, tuy mất bố từ sớm nhưng hai người con đều thành đạt, sống có nghĩa tình với làng trên xóm dưới. Nhất là Cục Đất, từ đứa trẻ nhút nhát nhất làng, giờ đã trở thành tiến sĩ, một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực phát triển công nghệ phần mềm xe tự hành. Quay trở lại Nhật Bản lần này, như Cục Đất chia sẻ, cậu sẽ thiết lập một dự án hỗ trợ các nghiên cứu sinh Việt Nam triển khai các nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất xe hơi.
Bà Nếp thì bảo có dạy con cái được chữ nào đâu, chỉ biết động viên và tin tưởng. Nhớ con, bà đem chuyện Cục Đất ra kể. “Nhà có 2 chị em, con chị thông minh, sắc xảo bao nhiêu thì thằng em... rõ là cục đất bấy nhiêu. Thế mà năm cuối THPT, lần đầu tiên nó cãi lời mẹ, nhất quyết không thi đại học. Tôi giận lắm. Lúc đấy chỉ nghĩ, đời bố mẹ chúng nó vất vả cũng là để con cái học hành bằng người, kiểu gì cũng phải có trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học. Chưa kể, chị nó học đại học xong, cũng tự lo được cho mình một công việc ổn định ở thành phố, thế mà nó không theo gương chị”.
“Phải thôi bà ạ, làng mình nhà nào cũng có con cái đỗ đạt. Ai cũng xem việc học đại học là nghĩa vụ mà con cháu phải thực hiện, là con đường tiến thân duy nhất của chúng nó” - có người thêm vào mạch chuyện.
“Thằng Cục Đất nhà tôi khi ấy nó... lý luận với tôi rằng học lực của nó không đủ để thi đậu vào các trường đại học tốp đầu. Mà nếu chỉ học ở các trường đại học tốp dưới thì cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường là rất khó. Lại nữa, nếu lúc nào cũng nghĩ học đại học để làm cán bộ Nhà nước lại càng không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình”.
“Đúng đấy bà ạ, thi đậu công chức không dễ, rồi đâu phải ai cũng có các mối quan hệ để mà xin cho con cháu vào làm ở các cơ quan...” - có người đồng tình với bà Nếp.
“Vâng. Thế rồi cháu nó xin tôi cho nộp hồ sơ đi học trường nghề trên tỉnh, bên ngành mà chuyên về công nghệ ô tô. Nó nói học nghề sẽ sớm ra trường hơn học đại học, lại đỡ biết bao chi phí nào học phí, tiền thuê nhà, tiền ăn tiêu hàng tháng... Chẳng phải tôi nề hà vất vả đâu các bác ạ, thấy con có quyết tâm, có suy nghĩ rõ ràng cho tương lai nên mình đồng ý”.
“Thế là cháu nó suy nghĩ lớn hơn tuổi đấy bà ạ!”.
“Cũng có thể là do cái gen đam mê với máy móc, cơ khí nữa các bác ạ. Học được 2 năm thì cháu cùng với một số bạn được nhà trường chọn cử đi thực tập ở một doanh nghiệp tại Nhật Bản theo chương trình liên kết đào tạo. Hết thời gian thực tập thì cháu được doanh nghiệp giữ lại để làm việc và tiếp tục đào tạo chuyên sâu”.
“Thế là cháu từ công nhân đã trở thành tiến sĩ, thành chuyên gia đấy bà nhỉ?!. Đúng là mỗi người sẽ có một con đường riêng để phát triển sự nghiệp. Miễn là các cháu tu chí học tập, rèn luyện” - có người nêu nhận xét.
“Từ chuyện của Cục Đất nhà tôi, tôi mới hiểu được phần nào câu các cụ nói “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Mỗi thời mỗi khác, không thể mang suy nghĩ của mình áp đặt lên cuộc đời của con trẻ mà nên trao quyền chủ động, tự quyết cho chúng nó” - bà Nếp kết lại câu chuyện.
Theo Nguyên Phong/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trao-quyen-tu-quyet-cho-con-tre/165940.htm