Di tích lịch sử cách mạng Nhà lưu niệm đồng chí Lê Chủ, xã Thiệu Vũ, Thiệu Hóa.
Con đường liên xã chạy dọc qua những cánh đồng lúa xanh mướt đưa chúng tôi đến với làng cách mạng Yên Lộ trên quê hương Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) trong một ngày tháng tám chan hòa sắc nắng. Nơi đây từng là địa phương hoạt động cách mạng sôi nổi, ghi dấu ấn đậm nét về cuộc đời và sự nghiệp của những bậc lão thành cách mạng tiêu biểu. Người xưa đã khuất bóng nhưng những di tích nơi đây vẫn hiện hữu, nhắc nhở các thế hệ cháu con về truyền thống đáng trân trọng, tự hào của cha ông.
Di tích lịch sử cách mạng nhà lưu niệm đồng chí Lê Chủ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trong những năm 1934, 1936, 1939, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, được xây dựng trên mảnh đất trước đây là nơi gia đình ông sinh sống. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Chủ gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương. Là người có học vấn, đồng chí Lê Chủ đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng tiến bộ đầu thế kỷ XX, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1928, sau đó tiếp tục được giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Kể từ sau khi Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời (29-7-1930), quân địch ra sức khủng bố, đánh phá các cơ sở cách mạng, bắt nhiều đảng viên của Thiệu Hóa. Vượt qua nhiều gian khó, thách thức, đồng chí Lê Chủ và một số đảng viên khác vẫn kiên cường bám trụ, tiếp tục củng cố và gây dựng, liên lạc với các cơ sở...
Sau nhiều nỗ lực, kiên trì hoạt động, bắt liên lạc với nhau, tháng 2-1932, các đảng viên của 7 cơ sở đảng trong tỉnh đã mở một hội nghị ngay tại nhà đồng chí Lê Chủ. Hội nghị đã nhận định tình hình cách mạng trong tỉnh, đề ra chủ trương tiếp tục mở rộng cơ sở Nông hội đỏ, xúc tiến liên hệ với cấp trên, củng cố cơ sở đảng. Ngày 17-3-1934, Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời được tổ chức và tín nhiệm bầu đồng chí Lê Chủ làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Ngày 28-3-1934, đồng chí Lê Chủ cùng Nguyễn Tạo thành lập Chi bộ đảng Yên Lộ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lâm thời trực tiếp làm Bí thư Chi bộ đảng Yên Lộ. Từng có thời gian bị giam cầm nhưng ngay khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, đồng chí Lê Chủ tiếp tục hoạt động cách mạng, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Thiệu Hóa. Ngày 20-6-1939, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Lộ, đồng chí Lê Chủ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Cuối năm 1939, đồng chí Lê Chủ bị địch bắt, kết án 5 năm tù đày tại Lao Bảo. Tháng 4-1944, đồng chí vượt ngục; tháng 11-1944, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư, phụ trách phong trào cách mạng ở Yên Định, Thọ Xuân, chuẩn bị cao trào tiền khởi nghĩa và trực tiếp chỉ huy giành chính quyền tại Yên Định tháng 8-1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Lê Chủ được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Tháng 12-1945, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa khóa I, sau đó đảm nhận nhiều trọng trách khác ở Trung ương như: Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi thú y, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông - Lâm)...
Ngôi nhà lưu niệm đồng chí Lê Chủ được xây dựng từ năm 2011, cấu trúc hình chữ đinh, gồm ba gian tiền đường và một gian hậu cung trong khuôn viên xanh bóng mát, thoáng đãng. Cây lộc vừng già vẫn buông những dải hoa đỏ nơi góc sân tưởng nhớ người xưa.
Cùng với Nhà lưu niệm đồng chí Lê Chủ, trên mảnh đất Yên Lộ còn có nhiều di tích như: Cụm di tích lịch sử cách mạng Yên Lộ (đình, nghè, chùa Yên Lộ), di tích lịch sử cách mạng Nhà ông Hoàng Văn Cài... tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người nơi đây.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), huyện Hoằng Hóa là một trong những “cái nôi” cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Những con người, địa danh như: Cự Đà (xã Hoằng Đức), cồn Mã Nhón, Đằng Trung (xã Hoằng Đạo), cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng), Liên Châu (xã Hoằng Châu),... là minh chứng sinh động cho lịch sử hào hùng của vùng quê cách mạng Hoằng Hóa.
Ngôi đình nhỏ 5 gian, 2 chái nằm trong lòng thôn Liên Châu, xã Hoằng Châu vẫn là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Hoằng Hóa những ngày sục sôi khí thế cách mạng, cùng với các cơ sở khác trên địa bàn huyện, Liên Châu - Hóa Lộc luôn phải đối mặt với sự càn quét, khủng bố của quân địch. Cuối tháng 7-1945, Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (xã Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu). Đêm ngày 23-7, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, tự vệ huyện đã triển khai kế hoạch tác chiến. Tại Đằng Trung, một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo). Tại Liên Châu - Hóa Lộc, tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long và các làng lân cận thuộc tổng Bái Trạch đã bố trí lực lượng chiến đấu tại các ngã ba đường, Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần sẵn sàng chiến đấu nên sáng ngày 24-7-1945, ngay từ khi quân địch còn đang củng cố đội hình nhằm tiến công vào Liên Châu - Hóa Lộc đã bị tự vệ của ta đánh giáp lá cà, phải tháo chạy.
Ngày 27-7-1945, đình Liên Châu là nơi tuyên bố thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng tổng và các thôn trong tổng, hủy bỏ chế độ thuế khoán của Pháp - Nhật. Đặc biệt, từ ngày 1 đến ngày 10-8-1945, Nhật đã ba lần kéo quân về đóng tại đình Liên Châu để đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng nơi đây. Nhưng cả ba lần đều thất bại trước tinh thần, ý chí chiến đấu, kế sách linh hoạt, sáng tạo của quân và dân Hoằng Hóa. Từ ngọn lửa phong trào cách mạng đang lan rộng, bừng bừng khí thế, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức đảng và Việt Minh ở Hoằng Hóa chớp thời cơ tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. “Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần sớm nhất trong cả tỉnh giành được thắng lợi một cách nhanh chóng, có tác dụng cổ vũ, khích lệ rất lớn đối với cao trào chuẩn bị khởi nghĩa trên phạm vi toàn tỉnh, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vận dụng, phát huy trong cuộc tổng khởi nghĩa trên địa bàn cả tỉnh, nhất là bài học về chớp thời cơ, phát động khởi nghĩa, tổ chức lực lượng chống khủng bố và bảo vệ thành quả cách mạng” (“90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020): Những dấu ấn và thành tựu nổi bật”, NXB Thanh Hóa, 2020).
Qua khắp nẻo đường quê Thanh, nơi nào cũng ghi đậm dấu ấn cách mạng. Hành trình 77 năm đã đi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với khát vọng lớn lao: “Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Di tích lịch sử cách mạng tỉnh Thanh Hóa”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2019.
Theo Thảo Linh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/nghe-di-tich-ke-chuyen-xu-thanh-lam-cach-mang/166019.htm