Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Thăm miền di sản Thọ Xuân (27/08/2022-14:47)
    Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt, Thọ Xuân hiện đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh.

 Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh - nơi thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng lãm. Ảnh: Vân Anh

Thọ Xuân được gọi là vùng đất “hai vua” bởi đây là nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê. Đây cũng là nơi ra đời Chi bộ Yên Trường - 1 trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh và là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 55 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia, 48 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số các di tích được xếp hạng, có 4 di tích lịch sử cách mạng (2 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh). Các di tích không những làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Nổi bật nhất trong hệ thống di tích ở Thọ Xuân là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Lam Kinh là quê hương đất tổ nhà Lê – nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV, nơi tụ họp những anh hùng hào kiệt khắp bốn phương chung sức đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô lớn tại đây. Với diện tích trải dài trên 140 ha, thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa là bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh được bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu... Lam Kinh được coi là “kinh đô thứ 2” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô – Hà Nội, khu di tích mang nhiều giá trị văn hóa thiêng liêng không chỉ của Nhân dân Thanh Hóa mà của cả dân tộc. Với ý nghĩa đó, năm 1962, Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia. Năm 1994, di tích này được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo, trở thành điểm tham quan đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.

Di tích quốc gia đặc biệt thứ 2 ở Thọ Xuân là Đền thờ Lê Hoàn. Khi Lê Đại hành hoàng đế mất, người dân làng Trung Lập (xã Xuân Lập) đã lập đền thờ tại đây. Ngôi đền có kiến trúc hình chữ Công với hệ vì kèo đặc trưng như giá chiêng, chồng rường, con nhị, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc, cùng với những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa xưa. Bên trong ngôi đền vẫn còn giữ được khá nhiều hiện vật giá trị của các đời vua như: đỉnh đồng, bình sứ, chén bạc, bức họa chân dung vua Lê Đại Hành, bức tượng của các vị tướng, thái hậu Dương Vân Nga... Trong số những hiện vật quý giá phải kể đến hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời vua Lê Trung Hưng.

Bên cạnh sự “đồ sộ” về di tích, Thọ Xuân là quê hương của nhiều lễ hội, trò diễn dân gian độc đáo và đặc sắc, trong đó trò Xuân Phả là một trong những di sản nổi bật, được xem là “độc nhất vô nhị”, là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trò được phát tích từ làng Xuân Phả, gồm 5 điệu múa Hoa Lang, Tú Huần, Chiêm Thành, Ngô Quốc và Ai Lao. Mỗi điệu múa đều có những đặc trưng riêng về nội dung, cách thức diễn và lời ca. Như điệu Hoa Lang với những động tác là đặc trưng của người dân sinh sống bằng con đường sông nước; điệu Tú Huần thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình nhiều thế hệ, mang ý nghĩa răn dạy con cháu sống đoàn kết, hòa thuận, kính trên nhường dưới; điệu Chiêm Thành là việc sứ đoàn Champa tới chúc mừng, diễn viên sử dụng mặt nạ gỗ nhảy những điệu múa giống tư thế trong các tượng cổ Champa... Các điệu múa ở trò Xuân Phả là sự kết hợp hài hòa của hai tính chất tưởng chừng trái ngược, đó là sự thô mộc, chất phác mà cởi mở, phóng khoáng của ca từ cùng những động tác và sự uyển chuyển, hàm xúc, nhiều lớp lang của lối diễn, tích trò. Đặc biệt, di sản này có sự ăn khớp khéo léo, nhuần nhụy giữa hai yếu tố dân gian và cung đình để trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần mang trình độ nghệ thuật cao. Trong 5 điệu múa, chỉ 3 điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần có mặt nạ - những chiếc mặt nạ bằng gỗ che nửa mặt từ đỉnh mũi trở xuống, hai mắt cắm lông công. Hiện, trò được tổ chức vào ngày 9, 10-2 âm lịch hàng năm, trở thành lễ hội đặc sắc không chỉ của người Thọ Xuân mà cả xứ Thanh. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, người dành cả cuộc đời gắn bó với việc bảo tồn phát huy trò Xuân Phả, chia sẻ: “Trò diễn Xuân Phả có từ rất lâu đời, gắn với việc thần hoàng làng Xuân Phả có công giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Để tỏ lòng biết ơn thần hoàng làng, đức vua đã cho tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ trong làng và ban cho Nhân dân 5 điệu múa, với ý nghĩa mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ đến chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa”. Hiện, đội múa Xuân Phả của làng cũng thường xuyên tham gia các chương trình, lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh.

Cùng với trò diễn Xuân Phả, trên địa bàn huyện Thọ Xuân còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống. Các lễ hội đều gắn với các nhân vật lịch sử được thờ tại các di tích, như: Lễ hội Lam Kinh (diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-8 âm lịch), lễ hội Lê Hoàn (7 và 8-3 âm lịch)... Đây cũng là những thời điểm du khách đến với Thọ Xuân đông nhất trong năm. Bên cạnh đó, Thọ Xuân còn nổi tiếng với nhiều sản vật đặc trưng gắn liền với các làng nghề như bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên), bánh lá răng bừa (xã Xuân Lập), kẹo lạc (xã Xuân Yên), nem chua (xã Xuân Bái), nem nướng (thị trấn Thọ Xuân), làm nón lá (xã Thọ Lộc)... Những đặc trưng riêng về văn hóa, lịch sử khiến Thọ Xuân trở thành vùng đất di sản đặc sắc bậc nhất ở xứ Thanh.

Theo Vân Anh/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tham-mien-di-san-tho-xuan/166554.htm

 

Các tin khác:
  • Thanh Hóa có HCV đầu tiên tại Giải vô địch Điền kinh trẻ quốc gia năm 2022 (26/08/2022-16:02)
  • Đội FC Báo chí Thanh Hóa xuất quân tham dự Giải bóng đá các Cơ quan Báo chí toàn quốc – Press Cup 2022 (25/08/2022-18:14)
  • Du lịch Việt Nam để lại dấu ấn lớn với truyền thông quốc tế (25/08/2022-18:09)
  • “Văn hóa ẩm thực Thanh Hóa” - “Bữa tiệc” của tri thức, giác quan (24/08/2022-9:44)
  • Khuyến khích hay “ép buộc” lái xe sử dụng dịch vụ ETC? (23/08/2022-14:32)
  • Cần có hướng dẫn về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng (23/08/2022-10:41)
  • Sầm Sơn - Điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn (22/08/2022-11:24)
  • Bộ GD-ĐT khẳng định không bắt buộc kiểm tra trắc nghiệm môn Ngữ văn (18/08/2022-15:56)
  • Đồng hành bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội (15/08/2022-9:14)
  • Tháng 7 - mùa Vu lan báo hiếu (15/08/2022-9:10)