(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Biết bạn từ lâu, vì thế cũng biết bạn rất thích ăn uống những món thuộc nhóm tươi sống như tiết canh, gỏi và rượu tiết. Sau nhiều lần bị tôi từ chối bạn không mời nữa, nhưng vẫn đều đặn ăn với những người khác. Thói quen ăn uống của bạn đã giúp thúc đẩy sự ra đi nhanh hơn của nhiều gia cầm, thủy cầm. Thói quen ăn uống ấy ở góc độ nào đó đã bị dư luận phản đối, không hẳn chỉ vì mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn đem đến một cảm giác sát sinh. Vậy mà bây giờ bạn lại trở thành chủ lễ của một đàn tràng có nhiều con vật được phóng sinh. Thực sự bạn có muốn giải thoát cho những sinh vật nhỏ bé kia không, hay chỉ vì sự phán truyền của thầy cúng!?
Tôi kiên nhẫn chờ đợi đến cuối buổi lễ. Khi mà những con vật được chủ nhà và thầy cúng giải thoát về thế giới tự nhiên cũng là lúc mà tôi thấy không còn cầm được lòng nữa. Những con chim sau quá trình nhốt, và cả vì bị ảnh hưởng của mùi khói hương, lửa nến làm phép của thầy cúng đã trở nên rũ rượi, yếu đuối, không còn đủ sức để tự về với thiên nhiên. Có thể chúng sẽ sống, nhưng trước khi về với thế giới của mình, chúng đã bị hành xác bởi một quan niệm phóng sinh khiên cưỡng. Còn một số con cua, con cá trong mâm lễ, có lẽ chúng không có sự may mắn để hưởng đặc ân phóng sinh, bởi nhiều con đã chết từ trước đó. Chủ nhà chỉ biết đi mua mà không cần biết những loại thủy sinh ấy đang ở trạng thái nào. Sự qua loa cho phải phép trong cách ứng xử đang phơi bày một sự thật là có những người làm việc gọi là giải thoát và tích đức theo phong trào, nặng tính hình thức. Sự giải thoát lớn nhất và cũng tích đức nhiều nhất ở mỗi người có lẽ là làm điều gì đó để hạn chế thấp nhất sự sát sinh, nhất là sự sát sinh đem đến cảm giác “ăn tươi, nuốt sống” con vật.
Phật giáo thường khuyên, cốt lõi của hành động phóng sinh chính là kiêng sát sinh để gieo lòng nhân ái, nhưng đã không có nhiều người thiện tâm với điều đó. Họ thường phóng sinh theo yêu cầu, chứ ít thấy ai tự nguyện bỏ tiền mua chim, thú để thả về rừng cả. Đó cũng là lý do khiến nhiều loại chim, thú, thủy sinh quý đang ngày càng trở nên đắt đỏ và bị tận diệt.
Một vị bác sĩ từng đưa ra quan điểm phóng sinh rằng, giải phóng cuộc sống trên thực tế có nghĩa là trân trọng sự sống của những sinh linh khác. Nhưng khi quan sát chúng ta sẽ thấy rằng nhiều người không quan tâm con vật được phóng sinh sống hay chết sau khi thả. Dường như mục đích phóng sinh như vậy chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm lý của bản thân là chính hoặc mượn sự tích đức để đổi lấy vận may. Về bản chất, đó chỉ là một sự thành tâm theo cảm tính!
Theo Hạnh Nhiên/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thanh-tam-cam-tinh/166587.htm