Phát triển kỹ năng đồ họa cho tác phẩm báo chí: Cần tư duy mới, tầm nhìn mới (29/08/2022-9:16)
Sử dụng phần mềm cho thiết kế tác phẩm báo chí, phân tích dữ liệu để đưa vào infographic, cách phối màu, sắp xếp thông tin… tất cả đã được một số cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên để duy trì, phát huy được thế mạnh của đồ họa báo chí rất cần có sự quyết tâm cao của cả tập thể.
Tác phẩm báo chí dùng infographic nói về bẫy tin giả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp của Báo Đà Nẵng.
Tạo khả năng diễn đạt thông tin chi tiết, hấp dẫn
Đồ họa được sử dụng trên các báo điện tử hiện nay như một phương tiện truyền tải thông tin có hiệu quả và cần thiết. Nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện hình thức này cho các tác phẩm báo chí của mình, điều này làm đa dạng loại hình và tạo thêm món ăn tinh thần mới mẻ, thu hút bạn đọc nhiều hơn.
Việc làm đồ họa được thực hiện ở cả thể loại báo in, báo điện tử và truyền hình. Việc sử dụng đồ họa kèm theo hình ảnh minh họa đã truyền đạt thông điệp nhất định, có điểm nhấn, tạo sự thích thú và đưa thông tin một cách dễ hiểu nhất đến người xem.
Hình ảnh đồ họa có thể thay thế cho một văn bản hay một thông điệp dài dòng, phức tạp. Nó có khả năng diễn đạt thông tin chi tiết, trong một bố cục hài hòa có ý đồ rõ ràng về nội dung và hình thức. Trong thời đại số nhiều tờ báo lớn, tập đoàn truyền thông đã và đang phát triển nhân lực cho nội dung này, kết hợp với làm báo chí dữ liệu. Họ là có những chuyên viên về đồ họa để bù đắp và làm phong phú hình thức thể hiện thay vì chỉ có nội dung dạng text đơn thuần.
Rõ ràng để có sự phát triển mau lẹ, xây dựng được thương hiệu riêng, thu hút thêm đối tượng độc giả thì việc phát triển đồ họa sẽ là một lựa chọn của nhiều cơ quan báo chí, thể hiện tinh thần dám đổi mới, bài bản, bắt kịp xu hướng và có chiến lược lâu dài.
Có thể hiểu đơn giản, sử dụng đồ họa là hình hóa được vấn đề, nội dung câu chuyện nêu lên được rất nhiều vấn đề về thông tin. Quan trọng hơn cả là độc giả, khán giả nhận ra thông tin, so sánh, logic định lượng nắm bắt rất nhanh vấn đề. Đây cũng chính là những thế mạnh của đồ họa.
Trong thời gian qua, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp về kỹ năng trình bày đồ họa cho các tác phẩm báo chí gồm cả báo in và báo điện tử, truyền hình giúp các học viên thích thú với phương pháp học tập mới.
Phóng viên Phạm Cường - Báo Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ: Trước đây tôi không hề biết chút gì về đồ họa, tuy nhiên qua học hỏi từ đồng nghiệp và các lớp học của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí này tôi đã dễ dàng làm được. Tôi thấy thiết kế đồ họa thông tin giúp cách thể hiện các tác phẩm báo chí thêm đa dạng, độc đáo và thu hút hơn, ngoài ra nó cũng góp phần tạo ra tác phẩm báo chí chất lượng để tham gia các giải báo chí lớn.
Thực tế việc kết hợp nội dung và đồ họa trong tác phẩm báo chí đã thể hiện đội ngũ người làm báo trong nước không chỉ nỗ lực nâng cao nội dung viết bài mà cần “làm mới” nội dung. Sử dụng khai thác hiệu quả hình ảnh, thiết kế đồ họa, ứng dụng các phầm mềm để đáp ứng kỹ năng tác nghiệp báo chí thời công nghệ 4.0.
Thay đổi thói quen tác nghiệp cũ
Thực tế ở trong nước, đã có một số cơ quan báo chí triển khai rất tốt và duy trì được những tác phẩm báo chí có đồ họa chất lượng. Như Báo Nhân dân, TTXVN, VnExpress, Thanh Niên… một số báo địa phương, ở đây người đứng đầu các cơ quan báo chí này đã có nhiều cố gắng để đa dạng hình thức thể hiện. Họ đã áp dụng được nhiều kỹ thuật mới, biểu đồ tương tác, có các tầng thông tin, dùng core mang tính lạ mắt, sáng tạo trên phiên bản điện tử. Việc này đã cải thiện cả bộ máy, tạo nên uy tín và cải thiện được năng lực truyền thông rất mạnh.
Một số cơ quan báo chí có lực lượng phóng viên bóc tách được dữ liệu tạo ra những sản phẩm báo chí có nhiều thông tin dữ liệu, cùng với đồ họa được xây dựng đồng bộ, khoa học.
Tuy nhiên các cơ quan chí hiện giờ mới chỉ làm được biểu đồ theo kiểu tăng trưởng, lên xuống và làm về giới thiệu tiểu sử của lãnh đạo, thời gian công tác. Các cơ quan báo chí thể hiện dạng trình bày đồ họa có bề dày, có câu chuyện rất ít, vì mất thời gian đầu tư công phu. Đa phần vẫn không duy trì được lâu, họ thiểu hẳn mảng đào tạo bồi dưỡng nhân lực để mở rộng.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan báo chí chú trọng quá nhiều đến việc chạy theo nội dung, tin tức thời sự hàng ngày, ít có tờ báo quan tâm làm kỹ năng đồ họa. Rõ ràng để thay đổi, người đứng đầu cơ quan báo chí đó phải quyết tâm coi đây là một phần việc quan trọng và tạo cơ hội cho người làm ra sản phẩm có thiết kế đẹp đó bằng sự ưu đãi chế độ nhuận bút rõ ràng. Đồng thời cũng tạo áp lực để bắt buộc phải được diễn ra, chẳng hạn như giao khoán, thưởng phạt...
Ông Phạm Hoài Thanh – Họa sĩ thiết kế và trình bày, nhiếp ảnh gia độc lập, giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết: Thông thường phóng viên sẽ làm việc theo mô típ cũ, sử dụng cách tác nghiệp dễ nhất. Cách làm theo thói quen, vốn kỹ năng đã có mà không để ý xem độc giả, khán giả cần gì. Bị rơi vào vòng luẩn quẩn giữa không nâng cao được chất lượng dẫn đến không có khách hàng.
Ông Phạm Hoài Thanh gợi ý: "với một cơ quan báo chí việc đầu tiên là trong bài viết bắt buộc phải có những câu nhấn về số liệu. Mỗi bài viết phải có số liệu đưa lên, thậm chí là rút lên làm tít. Nhất là những bài viết về kinh tế, xã hội, tổng kết… tạo thói quen này. Đưa ra dạng biểu đồ so sánh số liệu, sự tăng trưởng hay giảm sút… mọi người thường nghĩ và sợ mình không làm được, không phải là họa sỹ, không biết vẽ, nhưng thực tế công nghệ giờ rất dễ để làm trên môi trường mạng, tất cả đều miễn phí".
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com