Cụ Mai Đức Tịch, khu phố 1, phường Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn) kể với phóng viên về thời khắc của ngày độc lập đầu tiên.
Chúng tôi có dịp đến thăm cụ Mai Đức Tịch, khu phố 1, phường Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Năm nay cụ Tịch đã 96 tuổi, trí nhớ và sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng hằn sâu trong ký ức của cụ là những hình ảnh về ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc; về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ khắp ngõ ngách xóm làng, cùng niềm hạnh phúc vô bờ khi chính quyền về tay Nhân dân thì vẫn vẹn nguyên. Khi đó, cụ đang là Bí thư thanh niên cứu quốc thôn Ngụ Kiên, xã Nga Thiện (Nga Sơn). Đã từng chứng kiến những mất mát, đau thương do giai cấp phong kiến, phát xít Nhật và thực dân Pháp gây ra cho người dân, cụ thấu hiểu giá trị của “Độc lập - tự do - hạnh phúc”. Bên ấm trà mới pha, cụ kể cho chúng tôi nghe về không khí chào đón ngày Quốc khánh đầu tiên: “Lúc ấy, người dân quê tôi còn nghèo, không có radio để được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Người dân tập trung ra đình, trong rừng cờ, rừng hoa để nghe cán bộ thông tin về việc ở Hà Nội, Bác Hồ đang đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người dân ai ai cũng phấn khởi, reo hò và hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Sau ngày 2-9, đất nước ta bước sang trang sử mới, mọi người dân đều được hưởng các quyền tất yếu như trong bản Tuyên ngôn được bố cáo tới toàn dân: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Chính những lời trong tuyên ngôn đã khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ cuộc đời mỗi người, thay đổi vận mệnh dân tộc, trong đó có cụ Tịch và những người dân quê cụ. Cụ Tịch nhớ lại: “Từ một người dân nô lệ, chỉ biết đến sưu cao thuế nặng, đến lý trưởng, cụ hương, giờ đây người dân đã được tham gia bàn bạc việc làng, việc nước nên ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Mỗi khi ra đường, ai ai cũng hồ hởi “chào đồng bào”. Khó có thể nói hết niềm vui sướng trong tôi khi ấy. Giờ đây, cứ mỗi dịp Quốc khánh, lòng tôi lại rạo rực, cảm xúc ngày độc lập đầu tiên ấy vẫn vẹn nguyên, không thể diễn tả thành lời”.
Trước khi chia tay chúng tôi, cụ Mai Đức Tịch còn gửi tặng bài thơ: “Người Việt Nam” mà cụ mới sáng tác vào tháng 8-2022, trong đó có đoạn:
“Trải qua nô lệ cuộc đời
Thấu tình Đảng, Bác tuyệt vời vô song
Cách mạng Tháng Tám thành công
Nước nhà độc lập, cộng đồng tự do
Nhân dân nay đã ấm no
Trái cây, thóc gạo... đầy kho, đầy nhà
...
Việt Nam rất đỗi tự hào
Có Đảng, có Bác “sáng sao”
dẫn đường
Toàn dân đoàn kết, kiên cường
Theo Đảng xây dựng “thiên đường trần gian”.
Năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa nổ ra đầu tiên trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Ngày 24-7-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo chi bộ Đảng và Ban Cán sự Việt Minh huyện lãnh đạo quần chúng vùng dậy đấu tranh, bắt sống lính bảo an và tri phủ Phạm Trung Bảo, chiếm phủ đường. Sau khi giành thắng lợi, Việt Minh huyện tổ chức mít tinh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, kêu gọi đồng bào tích cực ủng hộ và tham gia Việt Minh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Theo chân cán bộ văn hóa xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa), chúng tôi đến gặp cụ Mai Hồng Chinh (thôn Đằng Xá). Năm nay cụ đã 95 tuổi nhưng kỷ niệm về Cách mạng Tháng Tám, về lịch sử hào hùng của 77 năm về trước trên mảnh đất quê hương mình cụ nhớ đến từng chi tiết. Thời điểm ấy, cụ là Tiểu đội trưởng chủ công, phục kích cùng đội bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo cùng quân lính. Nhớ lại thời điểm sục sôi khí thế cách mạng, cụ Mai Hồng Chinh bồi hồi kể: “Sáng ngày 24-7-1945, khi toán quân 12 tên và tri phủ Phạm Trung Bảo lọt vào trận địa mai phục, tự vệ của ta mang đòn xóc, đòn càn như vừa làm đồng về đi ngược chiều với quân địch, với ý kế là người đi đầu của ta bắt tên đi cuối của địch, còn người đi cuối của ta bắt tên đi đầu của địch. Tên tri phủ Phạm Trung Bảo khả nghi sửng sốt quát tháo, một hồi còi lệnh nổi lên, lập tức quân ta đồng loạt quật ngã bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên địch ngay tại Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo. Lực lượng tự vệ và Nhân dân ta đã áp giải quân địch và tri phủ Phạm Trung Bảo về tạm giữ tại đình Đằng Trung chờ xét xử. Buổi trưa hôm đó, chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng. Trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược và chính quyền tay sai...”.
Cụ Mai Hồng Chinh, thôn Đằng Xá, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) tự hào kể lại lịch sử cách mạng của quê hương và ký ức về ngày độc lập đầu tiên của dân tộc.
Năm 1945, cụ Mai Hồng Chinh mới 18 tuổi, nhưng đã vô cùng thấm thía niềm hạnh phúc, tự hào của người dân được làm chủ đất nước, làm chủ tương lai, vận mệnh của chính mình. “Ngày mùng 2-9-1945, người dân dậy rất sớm, cờ đỏ sao vàng rợp trời, mọi người hát vang bài ca Diệt phát xít và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm, độc lập, tự do muôn năm, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!”. Khó có thể diễn tả hết được niềm vui sướng của tôi cũng như tất cả người dân khi nước ta giành được độc lập. Từ một người dân bị đô hộ, đàn áp trở thành công dân của một đất nước độc lập, thật khó có thể diễn tả được cảm xúc lúc bấy giờ. Mặc dù sau khi độc lập, cuộc sống của người dân vẫn hết sức khó khăn, nhưng ai ai cũng thấy hạnh phúc...” - cụ Chinh giãi bày.
77 năm đã qua - một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay nhưng giá trị của độc lập, tự do thì vẫn còn vẹn nguyên. Với chúng tôi, được trực tiếp gặp gỡ những chứng nhân lịch sử, được nghe kể về lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước càng cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Qua mỗi câu chuyện lại thêm một lần nhắc nhở chúng tôi, những thế hệ hôm nay và mai sau tự hào và quý trọng giá trị nền độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Theo Bài và ảnh: Hoài Anh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/ven-nguyen-ky-uc-ve-ngay-doc-lap-dau-tien/167009.htm