Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Mạnh tay xử lý vấn nạn giấy tờ giả (02/09/2022-16:29)
    Lợi dụng giấy tờ giả để lừa đảo - đó là nỗi lo của nhiều người khi loại hình tội phạm này ngày càng tinh vi. Dựa vào những “lỗ hổng” trong giao dịch và khó khăn trong việc xác minh thông tin, loại hình tội phạm này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 Mỗi người dân cần cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch, kiểm tra tính thật - giả của các giấy tờ để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Văn phòng công chứng Hoàng Trung Thành (TP Sầm Sơn) (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Dán ảnh thẻ vào chứng minh Nhân dân (CMND) giả để lừa đảo lập tài khoản, rút tiền ngân hàng - đó là tình tiết trong một vụ án vừa bị phát hiện và bắt giữ. Cụ thể, ngày 7-8-2022, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Thị Lan Anh (32 tuổi, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) để điều tra về hành vi sử dụng CMND giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an tỉnh tiếp nhận tin trình báo của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) về việc, một khách hàng làm hồ sơ mở thẻ tín dụng của ngân hàng và đã giao dịch rút hơn 76 triệu đồng từ tháng 8-2021, tuy nhiên không thanh toán đúng hẹn. Ngân hàng đã tiến hành xác minh, song không liên lạc được với số điện thoại và địa chỉ ghi trên hồ sơ. Sau khi nhận được trình báo, Công an tỉnh đã xác định Phạm Thị Lan Anh chính là đối tượng đã đánh cắp thông tin như họ tên, địa chỉ, số CMND của người khác để làm hồ sơ vay tín dụng. Tại cơ quan điều tra, Lan Anh khai nhận đã làm hồ sơ mở thẻ tín dụng bằng hình thức online qua app và sử dụng thông tin của người khác, sau đó trực tiếp đến ngân hàng để lấy thẻ tín dụng, giao dịch tại các quầy POS (quầy thanh toán) và rút thành công hơn 76 triệu đồng.

Sử dụng giấy tờ xe giả để đem xe đi bán hoặc thế chấp ngân hàng cũng là một chiêu trò tinh vi mà các đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án mà Công an TP Thanh Hóa khởi tố ngày 24-5-2022. Theo đó, 2 đối tượng trong vụ án là Phùng Bá Hiền (SN 1973) và Bùi Thị Thơm (SN 1972), trú tại thôn Chén, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) bị bắt giữ về hành vi lừa đảo và làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng. Công an TP Thanh Hóa đã điều tra, xác minh và tiến hành thu giữ 8 ô tô cùng nhiều tài liệu, giấy tờ giả liên quan tới hành vi của 2 đối tượng nêu trên. Theo kết quả điều tra ban đầu, tính từ tháng 3-2022 đến khi bị bắt, cả hai đã thực hiện 11 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện các “phi vụ” lừa đảo, hai vợ chồng này đã cùng nhau tìm mua các loại xe ô tô không có giấy, không rõ nguồn gốc, hoặc thuê xe ô tô tại các cửa hàng cho thuê xe tự lái, sau đó làm giả giấy tờ xe mang tên mình để đem đi bán hoặc cầm cố ngân hàng lấy tiền tiêu xài.

Cũng liên quan đến tài sản có giá trị là xe ô tô trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Hà Nội, trong các ngày 23 và 24-8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Phạm Văn Hảo (SN 1988, ở quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Thị Phương Nga (SN 1998, ở Bắc Giang) cùng 9 đồng phạm về 2 tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”... Theo cáo trạng, Hảo là đối tượng kinh doanh ô tô vận tải hành khách và có quen biết Nguyễn Thị Phương Nga. Khoảng đầu năm 2019, do làm ăn thua lỗ, cần tiền chi tiêu, Hảo bàn với Nga thực hiện các phi vụ lừa đảo. Theo phân công, Nga có trách nhiệm tìm và thuê người ở lứa tuổi 20-25 hoặc nhờ người thân quen, yêu cầu họ cung cấp ảnh thẻ. Hảo lên mạng facebook liên hệ với đối tượng không rõ lai lịch làm giả giấy tờ gồm CMND, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng mua ô tô. Khi đã được giải ngân và nhận lại ô tô, các bị cáo tiếp tục làm giả đăng ký xe ô tô để thế chấp vào ngân hàng khác hoặc các cá nhân để vay tiền rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn trên, từ tháng 3-2017 đến tháng 4-2020, đường dây do Hảo cầm đầu đã chiếm đoạt hơn 16,5 tỷ đồng của các ngân hàng và 5 cá nhân... Xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Văn Hảo 25 năm tù, Nguyễn Thị Phương Nga 21 năm tù theo đúng tội danh truy tố. Các bị cáo liên quan cũng lần lượt bị áp dụng từ 8 năm 6 tháng tù đến 15 năm tù.

Thận trọng khi thực hiện các giao dịch

Tình trạng các đối tượng có hành vi làm giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không còn là câu chuyện hiếm gặp. Giấy tờ giả cũng thường xuất hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng - nơi chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự.

Ông Phạm Anh Tiến, một trong những công chứng viên tại Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Trung Thành (TP Sầm Sơn), cho biết: Mỗi ngày, VPCC tiếp nhận thực hiện công chứng, chứng thực rất nhiều giao dịch liên quan tới đủ các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ và các loại giấy tờ gắn với các tài sản có giá trị như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đăng ký xe... Trong thực tiễn hành nghề, để nhận biết giấy tờ giả là vô cùng khó khăn bởi các loại giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, việc phát hiện giấy tờ giả trong các giao dịch tại VPCC chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm của công chứng viên, mà kinh nghiệm thì tùy vào khả năng của từng người. Có những loại giấy tờ giả phải qua kiểm tra, giám định khoa học - kỹ thuật hình sự mới có thể khẳng định. Bằng kinh nghiệm của công chứng viên thì rõ ràng không thể chắc chắn 100%. Cái khó cho các công chứng viên là hiện nay chưa có công cụ hỗ trợ trong việc kiểm tra, xử lý các loại giấy tờ giả cũng như chưa có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các ngành liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, từ đó dễ dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn.

Việc các loại giấy tờ giả được người dân mang đến yêu cầu công chứng, chứng thực vẫn còn xảy ra. Năm 2021, ở thời điểm sôi động trong giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh, văn phòng đã phát hiện, nghi ngờ 3 trường hợp giấy tờ giả, trong đó có 2 trường hợp là GCNQSDĐ và 1 trường hợp là giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Một trường hợp đó là khi khách hàng đến yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng GCNQSDĐ. Qua kiểm tra hồ sơ, công chứng viên nghi ngờ giấy tờ tùy thân (CMND, đăng ký kết hôn) của cả 2 vợ chồng bên chuyển nhượng có địa chỉ tại huyện Quảng Xương đều là giả... Một trường hợp khác liên quan đến GCNQSDĐ ở một xã thuộc huyện Thọ Xuân do một người dân mang đến VPCC đề nghị giao dịch. Bên chuyển nhượng không có mặt mà chỉ có bên nhận chuyển nhượng mang hồ sơ tới trước để đề nghị kiểm tra, soạn thảo. Theo trao đổi của bên nhận chuyển nhượng, các bên đã tiến hành thanh toán tiền trước khi đề nghị hoàn thiện việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi kiểm tra giấy tờ thì công chứng viên phát hiện GCNQSDĐ là giả nên đã thông báo, khuyến cáo cho bên nhận chuyển nhượng báo cáo cơ quan công an để có biện pháp xử lý. Vài ngày sau đó, bên chuyển nhượng tiếp tục giao cho bên nhận chuyển nhượng 1 GCNQSDĐ khác và nói đây mới là bản chính, có thật. Song, sau khi kiểm tra thì công chứng viên nghi vấn đó vẫn là GCNQSDĐ giả. Như vậy, cùng một thửa đất đã có tới 2 GCNQSDĐ xuất trình tại VPCC đều bị nghi ngờ là giả... Từ những vụ việc như vậy, VPCC cũng thường xuyên tư vấn, cảnh báo đến khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch, đề phòng kẻ xấu dùng GCNQSDĐ giả để giao dịch đất đai nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Trần Đại Xuân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian gầy đây, trên địa bàn một số địa phương đã xảy ra tình trạng các đối tượng có hành vi làm giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức. Lợi dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong công tác in ấn, chuyển khoản (tiền) qua các tài khoản của ngân hàng... các đối tượng thực hiện hành vi nêu trên càng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình truy vết hành vi phạm tội của các đối tượng. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi từ CMND sang thẻ căn cước công dân, các đối tượng thường có thủ đoạn thu mua lại CMND mà người dân đang có và đang còn thời hạn sử dụng. Các đối tượng phạm tội còn đánh cắp thông tin cá nhân của công dân bằng rất nhiều các hình thức như cá nhân thay đổi số thuê bao điện thoại, sơ hở trong quá trình chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, thông tin cá nhân qua các trang mạng zalo, facebook... Sau khi có các thông tin trên, các đối tượng phạm tội thường sử dụng nhiều chiêu trò, cách thức khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Ngoài ra, các đối tượng phạm tội cũng làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức sử dụng vào mục đích ký kết các hợp đồng để lừa đảo trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là lĩnh vực bất động sản - một trong những lĩnh vực thu lời với mức tài sản lớn.

Giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Để ngăn chặn vấn nạn này cũng như hành vi sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin cảnh báo về phương thức thủ đoạn của các đối tượng tội phạm thuộc nhóm tội phạm này trên các phương tiện truyền thông để người dân cùng nâng cao cảnh giác. Tập trung đấu tranh triệt phá, bóc gỡ, xử lý nghiêm đường dây làm giấy tờ giả. Mỗi người dân cần cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch, kiểm tra kỹ các loại giấy tờ hoặc xác minh thông tin, tính thật - giả của các giấy tờ tại các cơ quan có thẩm quyền để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Trần Đại Xuân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa

Theo Bài và ảnh: Việt Hương/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/phap-luat/manh-tay-xu-ly-van-nan-giay-to-gia/167014.htm

 

Các tin khác:
  • Xử lý ngay lập tức các cây xăng đóng cửa, “găm hàng” (30/08/2022-14:36)
  • Thành tâm cảm tính! (28/08/2022-15:32)
  • Thanh Hóa tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông (24/08/2022-16:41)
  • Trao quyền tự quyết cho con trẻ (22/08/2022-11:18)
  • Bộ GDĐT lùi lịch thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển (22/08/2022-11:14)
  • Học phí Đại học: Vẫn là câu chuyện hài hòa! (18/08/2022-15:341)
  • Quyết liệt xử lý tình trạng xe dù, bến cóc (16/08/2022-17:53)
  • Sử dụng thuốc giảm cân cấp tốc, cẩn thận kẻo tiền mất tật mang (15/08/2022-9:02)
  • Số ca mắc COVID-19 mới gia tăng trở lại, người dân không được lơ là, mất cảnh giác (12/08/2022-12:30)
  • Bổ sung kháng thể bằng tiêm vaccine COVID-19 để sống an toàn trong dịch (10/08/2022-18:11)