Nghệ sĩ Vũ Huyến: “Làm việc là một cách nghỉ ngơi tốt nhất (08/09/2022-8:49)
Hơn 50 năm làm nghề: Viết báo, chụp ảnh báo chí, nghiên cứu lý luận phê bình văn nghệ, biên tập sách và tham gia quản lý nhiếp ảnh, nhà báo Vũ Huyến đã để lại nhiều sản phẩm nổi bật. Ông còn là một cây hài, tạo tiếng cười cho mọi người từ những câu chuyện nhỏ thú vị đời thường.
Vũ Huyến - Nhà báo, nhà giáo, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lí luận phê bình. Với những đóng góp to lớn của mình trong lĩnh vực báo chí, văn nghệ ông đã nhận được Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Làm việc liên tục
Những ngày giãn cách vào năm ngoái, Vũ Huyến tranh thủ viết một cuốn sách hơn 500 trang với cái tên chẳng giống ai là “ Nhìn và Thấy”. Ông giải thích: "Sống là để nhìn, để trải nghiệm nhưng nhìn chưa chắc đã thấy. Đặc biệt là nghề làm báo, nghề chụp ảnh phải chọn lọc để tìm, phản ánh cái gì quan trọng nhất. Để thấy thì phải học quan sát, phải suy ngẫm".
Cuốn sách vừa in xong chưa đến tay mọi người thì ông lại loay hoay cho cuốn sách ảnh mới “Cuộc sống muôn màu” ghi lại những gì bình dị thân thương nhất trong cuộc sống ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Vài năm trước một cuốn sách với nội dung cũng gần như thế đã ra mắt công chúng với tên gọi “Những người sống bên tôi”. Sách cỡ vừa không quá dày, không chi phí lớn nhưng thu hút độc giả với lối chụp không giống ai.
Vũ Huyến là người chụp không sắp đặt, không hư cấu hầu như không dùng đến phần mềm nào. Dưới mỗi ảnh có những dòng chữ, những câu chuyện ngắn ngắn thú vị.
"Với nghề báo và văn nghệ quan trọng nhất vẫn là cách nhìn về cuộc sống, về con người, quy luật phát triển của xã hội, về văn hoá kinh tế đặc biệt phải có trách nhiệm, có tình yêu với cuộc đời, ý thức trong từng câu từng chữ trong từng tác phẩm của mình", Vũ Huyến tâm niệm.
Ông thu dọn phòng làm việc như một bảo tàng nho nhỏ lưu giữ những tài liệu về nghề, những cuốn sách yêu thích. Mỗi sáng ông dậy sớm đạp xe hàng chục cây số rồi về làm việc, buổi chiều đọc và viết. "Tôi có một vườn rau đủ các loại rau tươi, những lúc viết nhìn cây trái lớn lên hàng ngày là mình sướng vô cùng. Đó là những ngày thực sự có ích của một người đã hơn 70 tuổi", ông nói.
Vũ Huyến là người sống bình dị, hết mình về công việc, say mê với công việc. Từ những năm 2000 ông đặt ra cho mình chỉ tiêu ra nước ngoài thì cứ một ngày một bài viết, còn ở trong nước thì tuỳ tình hình.
"Tôi thường viết tại chỗ, viết ngay để giữ những cảm xúc. Còn nhớ chuyến thăm Lào mà tôi làm Trưởng Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam, tôi vừa chụp vừa viết ngay tại hiện trường, tranh thủ lúc nghỉ trưa, buổi tối để viết. Sáng hôm sau, ngồi trên xe với anh em tôi đã đọc cho mọi người nghe xem có chi tiết nào đã bỏ quên hoặc chưa đúng để sửa ngay và cũng là để tạo men say cho những người xung quanh", Vũ Huyến chia sẻ
Trải nghiệm về nghề
Với Vũ Huyến, việc chuyển nơi làm việc, tiếp xúc với nhiều người, nhiều nhiệm vụ khác nhau là điều kiện tốt để một nhà báo có thể hoàn thiện mình. Ông viết đủ mọi thể loại, viết về tuyên truyền đối ngoại, bút ký văn học, bình luận và nghiên cứu lý luận
Là bình luận viên cho một số Đài truyền hình, cộng tác viên cho Hội đồng lý luận Văn nghệ TW, giảng dạy báo chí tại trường Tuyên giáo TW từ năm 1978, là người sáng lập Khoa Nhiếp ảnh Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội, giáo viên thỉnh giảng cho Khoa Báo chí trường Đại học KHXH&NV, Đại học Văn hoá là những điều kiện để ông được học hỏi và suy ngẫm.
Ông là hội viên lâu năm trong đó có hơn 20 năm là người lãnh đạo chủ chốt nhất của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Vũ Huyến là nhà báo nhà nghiên cứu miệng nói tay làm, rất thực tiễn và có cách giới thiệu, trình bày những vấn đề chuyên môn hết sức phức tạp và trừu tượng trở thành dễ hiểu.
Các tham luận, bình luận ý kiến đóng góp của ông luôn luôn gây được sự chú ý với tất cả mọi người. Đằng sau sự phát biểu của ông là tâm huyết, chân thành và có sáng taọ khoa học. “Thực trạng là gì lý do vì sao, khắc phục và phát huy như nào, ai sẽ thực hiện, lộ trình ra sao là những câu tôi thường đặt ra trong các hội thảo, các cuộc diễn giả, các bài giảng của mình”, Vũ Huyến nói.
Ngoài viết báo, chụp ảnh báo chí, ông còn tham gia vào công tác đào tạo nghề báo, truyền lửa nghề cho các lớp thế hệ. Với ông đứng trên bục giảng là một điều kiện tốt để ông tiếp tục học hỏi. Ông luôn coi những người trong giảng đường đều có thể trở thành thầy của mình.
Sáng tạo liên tục
Luôn suy nghĩ và tìm ra những cách làm mới, khắc phục và cải tạo hoàn cảnh để tiếp tục hướng tới là nguyên tắc làm việc, cách sống của nhà báo Vũ Huyến.
"Tôi luôn đặt cho mình trước những trở ngại, ngày ngày dù bận rộn với các chuyến đi nhưng khi ở nhà tôi vẫn thường đi lại lên tầng 5 để làm việc, đọc sách và nghe tin qua một chiếc đài nhỏ. Phải ở trên cao mình mới có lý do để ngày ngày leo trèo”, ông vui và hết sức dí dỏm.
Sử dụng và phát huy mảng tích cực của mạng xã hội, chơi facebook, Vũ Huyến qua ảnh của mình chụp, đồng nghiệp chụp cùng với các bài viết, ông phát biểu chính kiến một cách rõ ràng quan điểm nghệ thuật những điều ông quan tâm với sự phát triển của nhiếp ảnh, qua đó ông học được nhiều cái hay của nhiều người. Sự chân thành, thẳng thắn và kiến thức rộng và sâu của ông đã khiến nhiều người chú ý và thường xuyên theo dõi facebook của ông.
Với ông đâu là tác phẩm tâm đắc nhất? “Bộ ảnh tôi cảm thấy tâm đắc nhất là bộ ảnh tôi chưa chụp. Bài viết tôi cảm thấy tốt nhất là bài viết mà tôi chưa có. Cuộc đời này buộc tôi phải học và khám phá liên tục. Tôi như anh học sinh đang học lớp vỡ lòng”.
Vậy đấy, “anh thanh niên lâu năm” và “người không có tuổi” như nhiều người đặt cho Vũ Huyến vẫn đang chuẩn bị cho những chuyến đi dài ngắn với những dự án làm sách và những bộ ảnh chuyên đề.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com