Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Ngộ độc nặng do uống nhầm rượu chứa methanol
Đầu tháng 8-2022, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu tập thể do sử dụng rượu chứa methanol (cồn công nghiệp). Vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra vào ngày 3-8 tại một nhà hàng ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Theo đó, một nhóm gồm 8 sinh viên tổ chức ăn uống trong khuôn viên nhà hàng sau khi hết giờ làm thêm. Cả nhóm đã uống hết 5 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ để sẵn trong kho của quán từ trước đó. Do rượu có vị khó uống nên các bạn đã pha cùng nước ngọt để uống. Kết quả, sau đó cả 8 người đều bị ngộ độc, khiến 2 người tử vong, 6 người phải cấp cứu điều trị.
Ngày 7-8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận 5 nam bệnh nhân ngộ độc do uống rượu pha nhầm methanol. Cả 5 người nhập viện với các biểu hiện như mệt, nôn ói nhiều, mắt mờ. 5 bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức - tích cực chống độc với chẩn đoán ngộ độc methanol ngày thứ 3. Cả 5 đều được lọc máu, bù dịch, điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế.
Trước đó, vụ việc 3 phụ nữ ở tỉnh Cà Mau tử vong hồi cuối tháng 7-2022 cũng do nguyên nhân ngộ độc chất methanol có trong rượu. 3 phụ nữ tổ chức ăn uống tại nhà tối ngày 20-7. Đến trưa ngày hôm sau, những người này tiếp tục tổ chức ăn uống. Đến tối ngày 22-7, 3 người có triệu chứng nôn ói, khó thở nên được người nhà đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, 1 người tử vong trên đường đi cấp cứu, ngày hôm sau 2 người còn lại cũng không qua khỏi.
Các vụ việc ngộ độc nặng xảy ra ở các tỉnh thành phía Nam với nguyên nhân là do sử dụng rượu có chứa methanol. Các loại rượu nấu từ gạo, nếp, mì là rượu ethanol có giá cao hơn. Còn rượu công nghiệp chứa methanol có giá bán rẻ hơn rất nhiều. Để hạ giá thành sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất đã pha methanol vào rượu để bán cho người tiêu dùng.
Trên địa bàn tỉnh, các vụ ngộ độc rượu cũng thường xảy ra, các bệnh nhân thường ở các huyện miền núi, vùng nông thôn, nguyên nhân do lạm dụng rượu bia. Đơn cử như ông T.T.B., quê ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương vừa mới nhập viện vào cuối tháng 8-2022 do bị ngộ độc rượu. Ông B. cho biết, theo thói quen hằng ngày ông vẫn uống vài chén rượu. Song, hôm đó cả nhà liên hoan, anh em con cháu ngồi quây quần đông vui nên ông uống thêm vài chén. Uống xong, cảm giác say nên ông nằm ngủ luôn trên nền nhà, đến lúc thấy trong người khó chịu thì người nhà chở thẳng lên bệnh viện, đến nơi thì ông đã bất tỉnh. Các bác sĩ kết luận ông bị ngộ độc rượu nặng. Cũng may được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên ông qua được cơn nguy kịch...
Không lạm dụng rượu, bia
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Rượu có 2 loại, một loại thông thường có chứa ethanol (C2H5OH) dùng trong thực phẩm, được chế biến từ ngũ cốc, hoa quả lên men; tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người khi lạm dụng.
Một dạng khác của rượu có chứa methanol (CH3OH), một sản phẩm là dung môi pha chế trong công nghiệp, tuyệt đối không sử dụng để uống. Methanol là một chất có độc tính cao, chỉ cần 1 lượng nhỏ cũng có thể gây mù mắt, nếu nhiều có thể gây tử vong.
Với những trường hợp ngộ độc do uống nhầm methanol, triệu chứng thường gặp đó là người bệnh có cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, dấu hiệu điển hình của ngộ độc metanol là mắt bị mờ... Đối với những trường hợp ngộ độc nặng, không được điều trị kịp thời có thể có những biến chứng, thậm chí là nguy cơ tử vong cao, nếu qua khỏi được cũng sẽ dễ để lại di chứng, đặc biệt là tổn thương não.
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc rượu vào viện, nhất là vào dịp lễ, tết. Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận 5 trường hợp bị ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca ngộ độc ethanol, 2 ca ngộ độc do uống nhầm methanol, có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê. Về mặt chẩn đoán, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ xác định các yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với rượu, các triệu chứng lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm định lượng nồng độ rượu trong máu, trong hơi thở, các xét nghiệm khác biến loạn, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa. Về mặt điều trị, bệnh nhân được hỗ trợ mọi mặt, ổn định về tình trạng cấp cứu, lọc máu, hỗ trợ dịch điện giải, chỉ định dùng thuốc giải độc đặc hiệu...
Bác sĩ nguyễn Văn Dũng khuyến cáo, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol; uống các loại rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng...). Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, run, rối loạn tinh thần... Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu gây ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về rượu và cách sử dụng, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị hoặc không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của rượu. Những người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai tuyệt đối không lạm dụng rượu bia.
Theo Bài và ảnh: Việt Hương/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/canh-bao-tinh-trang-ngo-doc-ruou/167543.htm