Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhìn từ công tác giáo dục di sản (20/09/2022-9:28)
    Giáo dục di sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa sâu sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, nội dung giáo dục như thế nào? Cách thức thực hiện và hiệu quả ra sao? Đó chính là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi của Báo Thanh Hóa với Tiến sĩ Lê Thị Thảo, Trưởng Khoa Văn hóa - Xã hội, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).

 Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đi thực tế tại Thái miếu nhà Hậu Lê. (TP Thanh Hóa).

Phóng viên: Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 xác định:... Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Ở đó, giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường là thành tố quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Vậy, giáo dục di sản trong nhà trường cần được hiểu như thế nào cho đúng với chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Thị Thảo: Chân lý đã chứng minh, bất kể ai muốn bước vào tương lai một cách vững chắc đều phải ngoái nhìn quá khứ, quá khứ chính là bệ đỡ cho con đường hướng tới tương lai. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cha ông ta để lại cho con cháu, đó là những sản phẩm vật chất, tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta hiện nay còn rất mơ hồ về di sản văn hóa. Các giá trị độc đáo đầy tính biểu tượng được kết tinh trong các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tồn tại dưới dạng các “mật mã”, chỉ có thể phát huy giá trị đối với hiện tại khi được “giải mã” và được hiểu một cách rõ ràng, đầy đủ. Những đình, đền, chùa... không chỉ là công trình kiến trúc khô cứng với gạch, ngói, gỗ, đá...; những lễ hội, diễn xướng dân gian... không chỉ là các nghi lễ, trò chơi, động tác uyển chuyển, khéo léo..., mà ẩn chứa trong đó là trí tuệ và tâm hồn của dân tộc. Vì lẽ đó, giáo dục di sản văn hóa đã được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Việc giáo dục di sản văn hóa ở tất cả các cấp học sẽ tác động tích cực đến người học, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng, tình cảm, thông qua đó, người học sẽ nhận thức được giá trị to lớn của những di sản xung quanh, từ đó có thái độ, hành vi đúng đắn, có ý thức gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa một cách tích cực.

Phóng viên: Xây dựng và phát triển trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có chiều sâu văn hóa - lịch sử, bề dày truyền thống, bức tranh di sản đa sắc, đa thanh, độc đáo, tại Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, công tác giáo dục di sản được nhận thức, triển khai thực hiện gắn với từng mục tiêu cụ thể như thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Thảo: Nằm trên mảnh đất chứa đựng kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, quý giá ấy, trong niềm vinh dự, tự hào lớn lao, xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Trường Đại học VH,TT&DL đã xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực văn hóa là một nội dung quan trọng trong sứ mạng, tầm nhìn và nhiệm vụ của nhà trường. Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học VH,TT&DL xác định: Văn hóa là một trong ba lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học trụ cột (văn hóa, thể thao, du lịch). Mục đích của việc giáo dục di sản là để giúp người học hiểu biết về giá trị của các di sản, qua đó giáo dục ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản, đồng thời góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, hướng tới việc phát triển toàn diện cho người học.

Công tác giáo dục di sản trong trường học nói chung có thể thực hiện với nhiều hình thức như: lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học phù hợp; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản văn hóa; tham quan thực tế di sản văn hóa; tổ chức chăm sóc di tích, dạy học tại di tích… Đối với trường đại học, giáo dục di sản còn gắn với sứ mệnh đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước, ngoài hoạt động giảng dạy còn có hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo ra tri thức, sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế...

Văn hóa là một trong ba trụ cột chính trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, vì vậy, trong chương trình đào tạo các ngành đã xây dựng nhiều học phần giúp người học nhận rõ giá trị của di sản văn hóa như: Quản lý di sản văn hóa, Di tích và danh thắng Việt Nam, Văn hóa dân gian Việt Nam, Cơ sở văn hóa Việt Nam,...

Đáng lưu ý là, cho đến nay, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của tỉnh Thanh Hóa và là một trong số rất ít cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đào tạo chuyên ngành quản lý di sản văn hóa. Từ năm 2007 đến nay, nhà trường đã thực hiện 3 dự án bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở, trong đó có nội dung bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa ở địa phương. Hầu hết các đề tài khoa học cấp tỉnh, hội thảo... của nhà trường đều xoay quanh lĩnh vực di sản văn hóa. Các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng viên, người học có nhiều bài viết về di sản văn hóa xứ Thanh đăng tải trên tạp chí khoa học của nhà trường. Có thể nói, công tác giáo dục di sản văn hóa luôn được nhà trường đặt ra với tư cách là yếu tố quan trọng để thực hiện được mục tiêu đào tạo của mình và đã góp phần tạo nên thương hiệu, bản sắc của nhà trường.

Phóng viên: Có một số ý kiến cho rằng công tác giáo dục di sản trong nhà trường hiện nay nói chung chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, chất lượng chưa được tốt, có phần tẻ nhạt, không hấp dẫn được học sinh, sinh viên. Thực tiễn ấy đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế đối với công tác giáo dục di sản trong trường như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Thị Thảo: Tôi cho rằng nhận định này xuất phát từ thực tế giáo dục di sản ở các cấp học hiện nay. Hầu hết các trường phổ thông đã chú ý đến thực hiện việc đưa di sản văn hóa vào dạy học, chủ yếu dưới hình thức sử dụng/lồng ghép/tích hợp với các môn học phù hợp như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc..., đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế tại bảo tàng hoặc nơi có di sản. Thông qua các hoạt động này, giáo viên đã giúp học sinh hiểu được thế nào là di sản, các loại hình di sản, ý nghĩa, vai trò của di sản, khơi dậy trong các em lòng tự hào và tình cảm yêu mến, ý thức muốn giữ gìn, bảo vệ di sản.

Thời gian qua, công tác giáo dục di sản trong trường học nhận được sự quan tâm, đồng thuận, nhận thức rất cao từ Trung ương đến địa phương và hệ thống trường học các cấp. Đặc biệt, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nội dung giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp tình hình từng địa phương, vùng miền. Đây là một điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chương trình mở, giúp các địa phương chủ động lựa chọn nội dung giảng dạy thích hợp, thiết thực với điều kiện thực tế. Hầu hết các nhà trường, phụ huynh và học sinh đều có ý thức tìm hiểu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Giáo viên nhiều trường học đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra những cách thức giáo dục di sản hấp dẫn, hiệu quả hơn đối với học sinh.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc biên soạn các bộ tài liệu để giáo dục di sản chưa được các địa phương quan tâm, đầu tư, chưa hình thành được những tài liệu đạt chất lượng, hiệu quả, phù hợp với đặc trưng địa phương, hình thức tài liệu nếu có chủ yếu mới ở dưới dạng sách, tư liệu giấy, chưa xây dựng được nhiều video sinh động, hấp dẫn học sinh. Quỹ thời gian đào tạo, kinh phí cho các hoạt động giáo dục di sản còn hạn chế. Khả năng tiếp cận với bảo tàng hay các di sản điển hình của tỉnh đối với nhiều vùng còn khó khăn, như các trường ở miền núi, nông thôn Ở nhiều nơi, giáo dục di sản chưa trở thành một hoạt động thường xuyên; hình thức trải nghiệm, tổ chức tham quan di sản hầu như mới chỉ mang hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”. Hạ tầng khu di sản hầu hết chưa đáp ứng đón tiếp số lượng học sinh quá đông, đến cùng thời điểm. Giữa nhà trường và các địa phương có di tích, các đơn vị văn hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ và thường xuyên, dẫn đến tình trạng các di tích thì loay hoay tìm cách phát huy giá trị, còn các nhà trường thì lúng túng trong việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục di sản... Bên cạnh đó, tầm quan trọng, sức hấp dẫn của ngành học chưa được nhìn nhận, đánh giá xứng tầm, thiếu sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Phóng viên: Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục di sản trong trường học cần có phương hướng, giải pháp như thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Thảo: Tôi nghĩ rằng, giáo dục di sản không nên chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, mà cần có sự nhận thức đúng đắn, đồng thuận, chung tay, góp sức của tất cả các lực lượng xã hội; thêm vào đó cần tìm ra cách làm, xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đặc trưng của di sản. Gia đình là nơi con người hình thành, bảo lưu và sáng tạo những giá trị văn hóa truyền thống căn cốt nhất. Ngôn ngữ, tập quán xã hội, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống... là những di sản văn hóa quan trọng được truyền dạy trong môi trường gia đình là chủ yếu, mở rộng ra là cộng đồng cư dân địa phương. Nếu mỗi người được đắm mình trong không gian di sản, được tiếp nối những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại thông qua các sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội, diễn xướng dân gian... thì công tác giáo dục di sản sẽ trở nên hiệu quả và thiết thực.

Đối với nhà trường, cần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục di sản, bên cạnh việc lồng ghép di sản vào nội dung một số môn dạy phù hợp cần tăng cường đưa học sinh trải nghiệm thực tế tại các điểm có di sản, cần đi theo nhóm số lượng vừa phải, các trường bố trí đan xen theo thời điểm khác nhau trong năm học, tránh quá đông, quá ồ ạt gây quá tải cho điểm đến và làm giảm hiệu quả tìm tòi, nhận thức của học sinh. Chủ đề di sản văn hóa có thể được lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vừa gây hứng thú, vừa tạo tác động giáo dục thường xuyên cho học sinh. Một số hình thức đã được các trường tổ chức khá hiệu quả như thi vẽ lại hiện vật, in hoa văn cổ trên giấy dó, tổ chức trò chơi dân gian, thử làm nhà khảo cổ, tọa đàm với chuyên gia, nhà sử học, nghệ nhân dân gian... Cách “chạm” vào quá khứ như thế, giúp những bài học về di sản trở nên “mềm mại”, dễ thấm hơn.

Đối với từng điểm di tích, các đơn vị văn hóa cần xây dựng được các mô hình trải nghiệm, giáo dục di sản hấp dẫn, thường xuyên sáng tạo, đổi mới để tránh nhàm chán, khơi dậy tình yêu di sản trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Một số mô hình ở Việt Nam đã thực hiện khá hiệu quả, có thể là sự tham khảo tốt cho Thanh Hóa như: Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản” ở Hoàng Thành Thăng Long... Bảo tàng Thanh Hóa và những di sản văn hóa tiêu biểu của xứ Thanh như: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu... hoàn toàn có thể xây dựng được các chương trình hấp dẫn, biến giáo dục di sản trở thành sản phẩm du lịch học đường có chất lượng. Đồng thời, các điểm di sản cũng cần hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ đối tượng học sinh tốt hơn; dành nhiều khu vực sân chơi tự do với các trò chơi truyền thống.

Để công tác giáo dục di sản đi đúng hướng, đạt hiệu quả, một giải pháp khá quan trọng nữa là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, làm rõ hơn giá trị nổi bật của di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý cần hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa giáo dục di sản vào chương trình ngoại khóa; đồng thời kết nối, mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn.

Theo Hương Thảo/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-nhin-tu-cong-tac-giao-duc-di-san/168506.htm

 

Các tin khác:
  • Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Những giá trị trường tồn (Bài cuối): Mối liên hệ đặc biệt (16/09/2022-8:47)
  • Về miền di sản Lam Kinh (15/09/2022-16:02)
  • Cô gái xứ Thanh lọt vào vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2022 (15/09/2022-8:48)
  • Việt Nam được nhiều lần 'gọi tên' trong Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (08/09/2022-8:44)
  • Miễn phí vào sân trận tứ kết Cúp Quốc gia giữa Đông Á Thanh Hóa và Bà Rịa - Vũng Tàu (06/09/2022-9:16)
  • Năm học mới - niềm tin và khí thế mới (05/09/2022-12:56)
  • 9 địa danh đẹp nhất Việt Nam được chuyên trang du lịch The Culture Trip bình chọn (29/08/2022-15:56)
  • Thăm miền di sản Thọ Xuân (27/08/2022-14:47)
  • Thanh Hóa có HCV đầu tiên tại Giải vô địch Điền kinh trẻ quốc gia năm 2022 (26/08/2022-16:02)
  • Đội FC Báo chí Thanh Hóa xuất quân tham dự Giải bóng đá các Cơ quan Báo chí toàn quốc – Press Cup 2022 (25/08/2022-18:14)