Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Sớm xem xét thực hiện cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (06/10/2022-11:08)
    Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, có nhiều nguyên nhân khiến cho lao động dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, trong đó có vấn đề tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

 Công chức nghỉ việc. Ảnh minh họa.

Những ngày qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri quan tâm về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang làm việc trong khối tư nhân, đặc biệt là tình trạng bác sĩ ngành y bỏ việc, chuyển sang làm tại các cơ sở y tế tư nhân, tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên; về cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức…

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, để ghi nhận quan điểm, ý kiến đóng góp.

+ Thưa Phó Giáo sư, trước thực trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân, khiến dư luận băn khoăn. Là người từng có kinh nghiệm lâu năm trong công tác quản lý cán bộ, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Phải nói như thế này, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư không phải là vấn đề mới, mà nó đã diễn ra nhiều năm nay, có vào và có ra.

Vấn đề này, chúng ta cần nhìn nhận dưới góc độ “động” và rất đổi mới. Có người “xin nghỉ việc” ở khu vực công thì chúng ta lại tổ chức “tuyển người” vào làm việc. Quan trọng là phải làm sao để những người đang công tác phải có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cống hiến cho công việc, vì mục đích phụng sự nhân dân được tốt. Đồng thời, phải có cơ chế để sàng lọc những người kém năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc chung của cơ quan thì phải tự “đào thải” khỏi bộ máy Nhà nước, để nhường chỗ cho những người đủ điều kiện vào công tác.

Với góc nhìn đổi mới thì đây là hiện tượng phù hợp với quy luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người lao động có quyền được lựa chọn nơi làm việc có thu nhập cao hơn, cho dù là khu vực công hay tư thì đều đáng quý, đáng trân trọng.

+ Một số ý kiến cho rằng, việc cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc hàng loạt cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta đẩy mạnh thực hiện cải cách công vụ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trước kia, nhiều người quan niệm là vào cơ quan Nhà nước để “ổn định” cuộc sống; thế nhưng hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân rất phát triển, cạnh tranh với khu vực công, quy luật cung cầu, giá cả sẽ điều tiết mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực. Vì thế, tư duy nhận thức về lao động đã thay đổi, không còn phân biệt làm việc ở khu vực công hay khu vực tư nữa, nơi nào người lao động cảm thấy phù hợp với nguyện vọng của mình hơn thì họ sẽ làm việc, cống hiến.

Cũng bởi vậy, khu vực công cần phải được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện cải cách để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong tình hình hiện nay. Nhà nước cần nghiên cứu để sớm đổi mới thể chế, chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, năng động, tích cực, tạo động lực cho công chức, viên chức làm việc… nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, tính hấp dẫn so với khu vực tư, để thu hút, trọng dụng người tài vào làm việc.

+ Theo như một số ý kiến phân tích thì nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nhiều người từ bỏ khu vực công là do chế độ tiền lương quá thấp, không đủ sống. Vậy, dưới góc nhìn của mình, ông nhận định như thế nào?

- Trước thực trạng này, chúng ta cần tìm ra đúng các nguyên nhân khiến một số công chức, viên chức xin thôi việc. Tôi nghĩ rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho lao động dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, trong đó có vấn đề tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Ngoài ra còn có thể do áp lực công việc, không còn chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hoặc do có sự cạnh tranh lao động giữa khu vực công – khu vực tư, có những nơi “sức hút” hơn thì công chức, viên chức sẽ xin nghỉ việc, “đầu quân” cho khu vực tư.

Hơn nữa, cũng phải nói thêm, công chức, viên chức thì cũng là người lao động, cũng phải lo cho cuộc sống của mình và gia đình, cho nên tiền lương với họ cũng rất quan trọng. Họ cũng cần mức lương phù hợp với mức độ làm việc, cống hiến, phục vụ, phù hợp với giá cả thị trường để làm việc, cống hiến và nuôi sống gia đình.

Vì vậy, để giữ chân người lao động, tuyển dụng được người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt vào làm việc khu vực công thì việc cải cách tiền lương theo vị trí việc làm cũng là điều cần sớm thực hiện. Đồng thời, phải quan tâm thêm những yếu tố khác như tâm tư, nguyện vọng, tạo được môi trường làm việc bình đẳng, có động lực…

 

som xem xet thuc hien cai cach tien luong tai ky hop thu 4 cua quoc hoi hinh 2

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều.

 

+ Vậy, theo Phó Giáo sư, chúng ta cần những giải pháp căn cơ nào để giải bài toán lao động, việc làm và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức?

- Chúng ta cần phải đổi mới đồng bộ, toàn diện. Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao sức cạnh tranh của khu vực công, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Có chế độ đãi ngộ phù hợp với những cống hiến của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ. Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Theo Nguyễn Hường (Thực hiện)/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/som-xem-xet-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-tai-ky-hop-thu-4-cua-quoc-hoi-post216690.html

 
 

 

Các tin khác:
  • Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm (06/10/2022-8:17)
  • Sẽ tổ chức triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa (05/10/2022-9:25)
  • Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' cho phát triển việc làm (04/10/2022-9:38)
  • Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (04/10/2022-8:20)
  • Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (03/10/2022-8:33)
  • Thanh Hóa: Sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10 -10 (01/10/2022-15:32)
  • Quan hệ Việt Nam-Cuba không ngừng được vun đắp và phát triển toàn diện (30/09/2022-9:38)
  • Vụ công an đánh 2 thiếu niên ở Sóc Trăng: Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm cá nhân vi phạm (30/09/2022-9*:30)
  • Thanh Hóa chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4 (28/09/2022-10:47)
  • Nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 10/2022 (27/09/2022-20:23)