Tác phẩm "Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử”: Đề cao gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lịch sử của dân tộc (11/10/2022-14:38)
Đó cũng chính là thông điệp và là điều tâm đắc nhất của nhà báo Đỗ Trần Quân cùng nhóm tác giả báo An ninh thủ đô khi tham gia Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhà báo Đỗ Trần Quân (thứ 2 từ trái qua) cùng nhóm tác giả báo An ninh thủ đô nhận giải A tại Lễ trao giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. (Ảnh báo ANTD)
Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã bước sang mùa thứ 5. Nếu theo dõi từ lần thứ nhất được tổ chức đến nay, sẽ thấy được ý nghĩa, mục đích, sự lan tỏa và “tầm vóc” của một giải báo chí “vượt tầm Thủ đô”.
Bởi, nó được rất nhiều các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia với số lượng và chất lượng tác phẩm tăng đều theo từng năm, khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của giải trước các vấn đề phát triển văn hóa của Hà Nội. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm báo chí phong phú về đề tài, cầu kỳ về nội dung thể hiện lẫn thiết kế trình này.
Một tác phẩm giải A được coi là điểm sáng trong Lễ trao giải năm nay là Loạt bài "Số hoá để di sản hồi sinh và khơi nguồn lịch sử" của Thiếu tá Đỗ Trần Quân cùng nhóm tác giả báo An ninh Thủ đô. Đó là niềm tự hào của báo An ninh Thủ đô, của nhóm tác giả khi góp sức, dẫu là nhỏ bé vào công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Một đề tài rộng và khó
Từ mùa Thu năm Canh Tuất (1010) đến thời điểm này, Thăng Long - Hà Nội đã 1012 năm tuổi. Trong suốt chiều dài đó, Thủ đô là mảnh đất “lắng hồn núi sông ngàn năm”, là thành phố vì hòa bình, Thủ đô sáng tạo - Trái tim của cả nước - xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại… Hơn bao giờ hết, Hà Nội mang một khát vọng “RỒNG BAY” từ nền tảng văn hiến nghìn đời, quyết tâm xây dựng tâm thế, dáng vóc mới của một Thủ đô lịch sử, văn hóa, văn minh, giàu đẹp, ngang tầm khu vực. Đó là nền tảng cho loạt bài 5 kỳ “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” ra đời.
Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiện đại từ các công trình, quy mô dân số, diện tích, đến những sắc thái đô thị, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa - kinh tế - khoa học - giáo dục, một trung tâm du lịch và giao thương quốc tế có tầm vóc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô sẽ là nơi có môi trường sống bền vững nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Tất cả các nội hàm trên không thể thiếu vắng văn hóa, giá trị văn hóa. Loạt bài “Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử” khẳng định văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Qua đó, cho bạn đọc hiểu rõ về tầm quan trọng của văn hóa đối với quốc gia, dân tộc và đặc biệt đối với Thủ đô của một đất nước.
Đây là một đề tài rộng, khó, chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 mang tầm quốc gia cần sự vào cuộc của rất nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ.
Nhà báo Đỗ Trần Quân cùng nhóm tác giả đã cùng nhau suy nghĩ về đề tài với rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm gì bây giờ? Đề tài nào triển khai tiếp theo không trùng với tác giả, nhóm tác giả khác? Phương cách thể hiện thế nào để không đi vào lối mòn?...Từ đó, đề tài, đề cương chi tiết được xây dựng, lên tổng thể nội dung tổ chức sản xuất, phân công nhiệm vụ cho từng tác giả trong nhóm…
"Chúng tôi phải tìm đọc, lần giở tài liệu, gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch; Sở Văn hóa - Thể thao; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Hoàng thành Thăng Long; các cá nhân vì tình yêu Hà Nội, niềm đam mê văn hóa đã dày công số hóa di sản từ nhiều năm nay để có góc nhìn tương đối bao quát về công cuộc số hóa di sản.
Mỗi một nhân vật được tiếp cận, thú thật chúng tôi càng thêm “hoang mang” vì biên độ mở của đề tài quá rộng, làm cách nào để “gói ghém” qua từng câu chữ, từng kỳ báo để truyền tải hết được mục đích và tính cấp thiết cần phải số hóa di sản. Từ câu chuyện ở Hà Nội, mở rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất phục vụ mục tiêu chung nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc", nhà báo Đỗ Trần Quân chia sẻ.
Giải mã câu chuyện "số hoá"
Trong thời đại chuyển đổi số bùng nổ, cụm từ “số hóa” được sử dụng rộng rãi, đâu đâu, ai ai, vấn đề gì cũng dễ dàng được đề cập đến câu chuyện số hóa. Nhưng số hóa để làm gì và số hóa như thế nào thì không phải ai cũng tỏ tường.
Về vấn đề "số hoá di sản" nội dung này lại càng khó khai thác và thể hiện. Việc “tư liệu hóa” và “số hóa” cũng chưa được phân biệt rạch ròi, nhiều người đang làm công việc “tư liệu hóa” mà cứ nghĩ rằng mình đang làm công việc “số hóa”. Còn hiểu một cách nôm na thì đó là phương thức mới là phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị theo công nghệ hiện đại mà ta quen gọi là “số hóa”.
Nhưng từ hiểu đến bắt tay vào công việc số hóa di sản là một khối lượng công việc khổng lồ, thách thức từ thời gian, vật lực đến cả con người, từ cơ quan chức năng đến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hay người được giao nhiệm vụ.
Nhà báo Đỗ Trần Quân cùng nhóm tác giả đã tiến hành giải mã khái niệm, khái quát mục tiêu, làm rõ tính tất yếu, đến cả việc muốn số hóa được thì phải học để hiểu nguồn tư liệu “câm”, chú trọng khai thác “nguyên liệu đầu vào”, số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những thử nghiệm mang tính mở đường, đặt ra mục tiêu chính để điều chỉnh mức độ ưu tiên, đầu tàu trong câu chuyện số hóa, những rủi ro sẽ phải đối mặt, giữ di sản theo cách khoa học nhất cho thế hệ mai sau, trách nhiệm không chỉ của riêng ai, cơ hội định danh đưa cổ vật trở về, mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di sản số…
"Cuối cùng, chúng tôi kể câu chuyện của bảo tàng, của một người, của một ngành, của thế giới và câu chuyện của chúng ta về số hóa di sản. Đó là tất cả “khối lượng công việc” chúng tôi tiệm cận, đặt ra câu hỏi và đi tìm lời giải sao cho chính xác nhất, khoa học nhất cho công cuộc số hóa di sản ở nước ta hiện nay", Thiếu tá Đỗ Trần Quân cho biết.
Với một đề tài được ấp ủ từ rất sớm, và dồn sức cho tác phẩm vào những giai đoạn nước rút, Thiếu tá Đỗ Trần Quân và nhóm tác giả báo An ninh Thủ đô chỉ có một mong muốn - đó là được đóng góp cho Hà Nội, có tiếng nói trách nhiệm với lãnh đạo thành phố, với cơ quan chức năng liên quan và với người dân Hà Nội để cùng xây dựng và phát triển Thủ đô lịch sử, văn hóa một cách bền vững, ngày càng đẹp hơn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com