Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Việt Nam đã khẳng định vị thế, nỗ lực thúc đẩy quyền con người (12/10/2022-14:50)
    Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền, đây là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người đồng thời cũng là một trong những nội dung, chương trình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới.

 Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)

Việt Nam là đại diện duy nhất được nhóm ASEAN nhất trí đề xuất ra tranh cử

Ngày 11/10, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York - Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền cho thấy đánh giá tốt của bạn bè quốc tế về những đóng góp của Việt Nam trong các công việc chung, quan trọng của Liên Hợp Quốc, qua đó cũng thể hiện sự tin tưởng và cả kỳ vọng đối với Việt Nam.

Cuộc bầu cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc lần này có rất nhiều khó khăn, trong đó nhóm châu Á - Thái Bình Dương có tới 7 nước tham gia tranh cử cho 4 ghế tại Hội đồng. Đây là khu vực có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất. Ví như khu vực Đông Âu, Nam Phi và Tây Âu, không có sự cạnh tranh nào vì số nước tranh cử vừa đủ với số ghế trong Hội đồng. Sự cạnh tranh cao cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ phải phân tán số phiếu bầu.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam là đại diện duy nhất được nhóm ASEAN nhất trí đề xuất ra tranh cử và cả hai lần đều trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Hội đồng Nhân quyền là một trong những cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc với 47 thành viên đan xen giữa các nhiệm kỳ. Cơ quan này có vai trò thúc đẩy và bảo vệ việc thực hiện quyền con người tại tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế

Ngay sau khi Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chia sẻ, Việt Nam được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa hết sức to lớn. Đây là sự khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua.

Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đồng thời cũng là một trong những nội dung, chương trình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  mà Việt Nam đang hướng tới. Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Việt Nam với việc lần thứ 2 tham gia Hội đồng Nhân quyền sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

 

viet nam da khang dinh vi the no luc thuc day quyen con nguoi hinh 2

Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc).

 

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, đến nay Việt Nam đã tham gia vào nhiều trụ cột lớn của Liên Hợp Quốc, từ chính trị, phát triển cho đến thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Việt Nam khi tham gia Liên Hợp Quốc nói riêng và tham gia thúc đẩy, nâng tầm vị thế của ngoại giao đa phương nói chung, thực hiện Chỉ thị 25 về nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời gian tới.

Việc Việt Nam đạt được những kết quả này có sự chỉ đạo hết sức sát sao của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong việc ứng cử, vận động thành công để Việt Nam tham gia vào một trong các cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc là Hội đồng Nhân quyền. Ngoài ra, cũng có sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan truyền thông và Bộ Ngoại giao để có những kế hoạch, chiến lược hết sức phù hợp và nhờ đó đạt được kết quả ngày hôm nay.

Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật 

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 2/6/2005, của Bộ Chính trị, “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” cho thấy, đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thì quyền con người, quyền công dân đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.

Trong đó, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Từ năm 2019 đến tháng 1/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính…

Với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người (Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế-xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người); phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

 

Theo Thành Nhân/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/viet-nam-da-khang-dinh-vi-the-no-luc-thuc-day-quyen-con-nguoi-post217539.html

 

 

Các tin khác:
  • Thanh Hóa cấp Bằng chứng nhận 10 sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu năm 2022 (11/10/2022-14:09)
  • Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ (11/10/2022-14:07)
  • Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam (06/10/2022-11:30)
  • Sớm xem xét thực hiện cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (06/10/2022-11:08)
  • Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm (06/10/2022-8:17)
  • Sẽ tổ chức triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa (05/10/2022-9:25)
  • Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' cho phát triển việc làm (04/10/2022-9:38)
  • Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (04/10/2022-8:20)
  • Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (03/10/2022-8:33)
  • Thanh Hóa: Sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10 -10 (01/10/2022-15:32)