Cơ quan chức năng đang tiến hành các bước để xử phạt người đăng tin sai sự thật về hộp cơm chỉ có thịt chuột của học sinh vùng cao huyện Nam Giang-Quảng Nam theo quy định.
Từ bắt bệnh...
Mới đây mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh và thông tin ghi lại hộp cơm chỉ vỏn vẹn cơm trắng và món “chuột” chế biến sơ sài được các em học sinh tranh thủ ăn vội lúc ở trường, khiến nhiều người nhói lòng, gây bức xúc trong dư luận. Hay vào vài ngày trước, liên quan đến thông tin tiêu cực tại ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), cơ quan Công an đã xác định được đối tượng sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an khiến người dân đổ xô đi rút tiền gửi tại ngân hàng này, gây tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Trên đây chỉ là hai trường hợp mới nhất của vấn nạn tin giả, tin bịa đặt đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ ở nước ta.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội vào loại cao trên thế giới, với thời gian dành cho smartphone, mạng xã hội vào khoảng 2,5-3 tiếng một ngày và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Trong đó bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nguồn tin”, trở thành “anh hùng bàn phím”.
Với các nền tảng có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay như Facebook, Youtube, Tiktok... có tin giả thì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn lượt chia sẻ, với hàng triệu lượt xem. Thông tin giả, tin sai sự thật phát tán và lan truyền với tốc độ chóng mặt một phần cũng do mạng xã hội có những tính năng như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp…
Nhiều người cho rằng tin giả tràn lan thời gian gần đây là do Việt Nam thiếu pháp luật và các quy định cụ thể, chế tài xử lý. Song, thực tế cho thấy, Việt Nam có đủ công cụ pháp luật lẫn quy tắc đạo đức cho cuộc chiến với tin giả. Tháng 6/2018, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng 2018, gồm 7 chương với 43 điều luật quy định chặt chẽ các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm đảm bảo sự an toàn và trật tự của toàn xã hội trên không gian mạng.
Chính phủ cũng đã ra Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo Nghị định 15, hành vi phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc bị phạt tới 50-70 triệu đồng. Tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” nhằm giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử trên môi trường Internet.
Thời gian qua, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đã yêu cầu 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok, Apple xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều thông tin vi phạm. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC, trực thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử) đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu, độc.
Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã thiết lập được hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương để tăng cường phối hợp xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng.
Tuy nhiên, tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Uy tín, danh dự của một con người bị bôi xấu, bị bào mòn mà không có cơ hội để giải thích, thanh minh bởi những thông tin thất thiệt. Tin giả làm xói mòn niềm tin xã hội, tạo ra những nghi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được.
... đến trị bệnh từ virus tin giả
Về các giải pháp mang tính cấp bách trong vấn đề này, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ để phòng chống tin giả, cụ thể như: rà soát và hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thông tin, truyền thông trên các nền tảng số, đặc biệt là trên mạng xã hội, tìm kiếm và thực thi công nghệ truy xuất thông tin, định danh người dùng trên mạng xã hội, có chế tài xử phạt nghiêm minh, đúng người, đúng tội; và đặc biệt là chú trọng biện pháp giáo dục ý thức, kiến thức và kỹ năng của người dùng mạng xã hội.
Thông qua nhà trường và các phương tiện truyền thông đại chúng, cần trang bị cho công chúng, nhất là công chúng trẻ kiến thức về pháp lý khi tham gia mạng xã hội, giúp nâng cao ý thức cộng đồng về quyền - trách nhiệm, nắm được chuẩn mực văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức, từ đó điều chỉnh hành vi trên môi trường truyền thông xã hội, trong không gian số. Có nghĩa là, việc nghiên cứu, xây dựng và thực thi chuẩn mực văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức nói riêng và cộng đồng nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp để xây dựng "Cẩm nang nhận diện phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận với người sử dụng. Đây được coi là một hành động thể hiện sự quyết liệt của Bộ trong công tác ngăn chặn những thông tin xấu, độc.
Vai trò của cẩm nang là giúp người tiếp cận thông tin nhận diện được nguồn của tin giả, chủ thể tạo tin giả và chủ thể lan truyền, phát tán tin giả.
Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng được kỳ vọng sẽ cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật lan tràn trên không gian mạng hiện nay.
Có thể thấy, Nhà nước đang tích cực “điều trị” bệnh này, mỗi cá nhân cũng cần tự mình có trách nhiệm sàng lọc, tiếp nhận thông tin trung thực, phủ nhận thông tin xuyên tạc, giả mạo để làm sạch cuộc sống.
Theo Phan Hoài Gian/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/can-tich-cuc-dieu-tri-benh-tu-virus-tin-gia-post217405.html