Nghị định 71 - Chiến lược phát triển nào cho truyền hình trả tiền trong nước? (17/10/2022-10:41)
Ngay sau khi Nghị định 71 được ban hành, đại diện các doanh nghiệp nền tảng OTT trong nước đều khẳng định rằng, đây sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nội và ngoại. Đồng thời, các nền tảng nội sẽ chủ động có chiến lược mới nhằm tăng sức cạnh tranh với nền tảng ngoại trên sân nhà.
Nghị định 71 có hiệu lực ngày 01/01/2023. Ảnh: minh họa
Cơ hội của sự cạnh tranh sòng phẳng
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: "Các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung sẽ đưa các doanh nghiệp về một mặt bằng chung để quản lý, tránh tình trạng "bảo hộ ngược", chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước mà buông lỏng doanh nghiệp xuyên biên giới”.
Trên thực tế, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam hình thành đã được 20 năm nhưng khoảng 4-5 năm trở lại đây, diện mạo của nó đã thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi này diễn ra khi bắt đầu xuất hiện các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Apple TV, Iflix. Với những ưu thế mạnh mẽ về công nghệ và kho nội dung, các dịch vụ này nhanh chóng chiếm thế chủ động, giành phần lớn thị trường.
Trong khi đó, Việt Nam hiện có 38 doanh nghiệp với 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet. Lâu nay, các đơn vị này bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định như: Giấy phép hoạt động, phân bố tỷ lệ kênh có nội dung tiếng Việt và kênh nước ngoài, kiểm duyệt nội dung, đóng thuế… trong khi Netflix hay AppleTV thì chưa phải chịu các quy định này. Vì thế, bức tranh truyền hình trả tiền tại Việt Nam 5 năm qua chứng kiến sự thiên lệch ngày càng rõ ràng.
Điều đáng quan tâm nữa là, những khoảng trống pháp lý trong quản lý loại hình này ngày càng bộc lộ rõ nét, cả về nội dung, kỹ thuật và thuế. Với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động truyền hình. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trước thực tế đó, sau khi Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình mới được chính phủ ban hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch OTT TV trong nước sẽ có cơ hội được cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới. Cụ thể, nghị định này yêu cầu các OTT ngoại sẽ phải tuân thủ việc xin cấp phép và kiểm duyệt nội dung, quảng cáo tương tự như các doanh nghiệp nội.
Như ông Trần Văn Úy - Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết: "Nghị định mới của Chính phủ sửa đổi Nghị định 06 để điều tiết kỹ hơn truyền hình xuyên biên giới. Khi truyền hình xuyên biên giới vào phải tuân thủ đầy đủ các pháp luật của Việt Nam như luật điện ảnh, luật báo chí… Khi đã vào Việt Nam là phải tiền kiểm kết hợp hậu kiểm theo Luật Điện ảnh”.
Trường hợp không tuân thủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ có các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để ngăn chặn cũng như sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để chế tài xử phạt cụ thể.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Nghị định 71 đã cung cấp một hành lang pháp lý cụ thể, chi tiết để giải quyết bất cập lớn nhất lâu nay của thị trường OTT - đó là việc nhiều nền tảng xuyên biên giới hoạt động, bán nội dung cho khán giả trong nước, thu tiền quảng cáo nhưng chưa tuân thủ pháp luật, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, hành chính như doanh nghiệp nội.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp nội đang kỳ vọng các chiến lược nội dung mới sẽ giúp họ có thể giành được thêm ưu thế trên sân nhà. Thậm chí, các doanh nghiệp nội và nền tảng xuyên biên giới có chung một mặt bằng cạnh tranh và kỳ vọng sẽ mang lại những sản phẩm nội dung chất lượng cao hơn và nhiều lợi ích mới cho người dùng.
Chúng tôi hiểu khách hàng hơn…
Đó là khẳng định của ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom. Ông cho rằng: "Chúng tôi hiểu khách hàng hơn các OTT nước ngoài và biết chính xác ở Việt Nam người ta đang nói đến câu chuyện gì, người ta đang quan tâm gì, từng lứa tuổi gì và đặc biệt là giới trẻ quan tâm điều gì để làm sao chúng tôi có nội dung phù hợp".
Còn ông Lê Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam thì nhận định: "Việc phát triển các nội dung thuần Việt là một lợi thế lớn cho Việt Nam. Thay vì chúng ta bỏ hàng triệu đô để làm phim bom tấn thì hãy tập trung cho thế mạnh này". Cũng theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền, Nghị định 71 tạo ra một sân chơi công bằng sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đầu tư vào các gói nội dung mới, các nội dung bản địa thuần Việt và nâng cao được sức cạnh tranh.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nội đã nắm bắt tâm lý và xu hướng thị hiếu của người Việt rất nhanh nhờ “sự thấu hiểu” thị trường sân nhà. Nhận thấy các chương trình như Rap Việt hay các bộ phim dài tập như: Gạo nếp, gạo tẻ; Cây táo nở hoa… thu hút hàng tỷ lượt xem nhờ vào chiến lược “tập trung vào một mục tiêu để cạnh tranh đó là Việt hóa nội dung các chương trình”, nên ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VieON định hướng thời gian tới: "Nếu chúng tôi tiếp tục mua những nội dung ở nước ngoài thì khó cạnh tranh được với các ông lớn ở nước ngoài vì họ có sự đầu tư khá lớn. Chính vì vậy chúng tôi tập trung vào xây dựng nội dung giá trị Việt, thuần Việt và mang đến cho khán giả Việt Nam, những sản phẩm thuần Việt, đúng bản sắc dân tộc Việt hơn".
Là nền tảng với thế mạnh là thể thao, đặc biệt là các giải thế thao quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, K+ đã phát triển thêm nhiều nội dung liên quan đến phim Việt Nam. Và từ đây, lượng khán giả của doanh nghiệp cũng tăng cao hơn trước.
Ông Thomas Jayet, Tổng Giám đốc Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh K+ cho hay: "Năm ngoái chúng tôi có chiến lược phát triển phim Việt, người Việt Nam rất yêu thích phim Việt do người Việt sản xuất, cụ thể năm ngoái chúng tôi trình chiếu hai bộ phim truyền hình thì thấy nội dung phim được yêu thích số lượng view tăng từ 8-10 lần… Điều quan trọng nhất ở đây theo tôi là phải kiến tạo một sân chơi công bằng. Khi chúng ta có các quy định chặt chẽ, bảo vệ tốt hơn cho doanh nghiệp, xử lý tốt hơn vấn đề bản quyền thì doanh nghiệp trong nước tự tin đầu tư vào thế mạnh bản địa của mình, vào nội dung thuần Việt hấp dẫn và chắc chắn sẽ chinh phục được khán giả”.
Có thể thấy, Việt Nam có một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Số người dùng truyền hình trả tiền trên Internet chiếm gần 1/4 tổng số người dùng OTT TV của cả khu vực Đông Nam Á - một thị trường hấp dẫn và còn nhiều dư địa để phát triển. Dự báo cuộc đua sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới. Nghị định 71 với hành lang pháp lý chặt chẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đầu tư đúng đắn để cạnh tranh với các nhà cung cấp xuyên biên giới vốn giàu tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị. Với tốc độ tăng trưởng 300%, dự báo đạt 54 tỷ USD vào năm 2026 việc quản lý hiệu quả chắc chắn không chỉ giúp tìm kiếm thị trường lành mạnh cho các OTT mà dự báo sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com