Với hơn 800 cơ quan báo chí và gần 76 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. (Trong ảnh là Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trả lời phỏng vấn. Ảnh vtv)
Tầm quan trọng của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới
Có thể thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng với tư cách là một thiết chế xã hội giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội: cung cấp thông tin, giải trí và góp phần định hình các giá trị xã hội… Ở nước ta, báo chí là các phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân. Trong môi trường số, báo chí có một vị trí đặc biệt bởi đây được xem như thông tin nguồn đáng tin cậy đối với truyền thông, mạng xã hội.
Đặc biệt, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và bình đẳng giới. Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông là những biện pháp hàng đầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời nếu truyền thông không tốt thì sẽ tạo nên khuôn mẫu giới và bất bình đẳng giới trong xã hội.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cũng đã khẳng định rằng, trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông được đẩy mạnh trong thời gian qua. Hình ảnh người phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định mình trong công việc xuất hiện ngày càng nhiều, bên cạnh là hình ảnh người nam giới chia sẻ công việc gia đình. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa và tiếp cận thông tin ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài, các hình ảnh tiêu cực mang định kiến giới đối với phụ nữ. Trong một số chương trình phát sóng trên truyền hình, tần suất nam giới được chọn làm khách mời nhiều hơn nữ giới. Ở những chương trình quảng cáo, nam giới vẫn luôn được nhìn nhận ở đặc tính nhanh nhẹn, mạnh mẽ và được đánh giá cao ở khả năng sáng tạo hơn khả năng chăm sóc con cái; được gắn với không gian lao động trí tuệ, giải trí có thu nhập cao hơn là không gian gia đình... Có những chương trình phụ nữ xuất hiện với tần suất lớn nhưng luôn ở những vị trí “tề gia nội trợ”, gắn với “bếp núc”, quẩn quanh trong không gian hẹp từ nhà ra chợ, siêu thị....
Xét về góc độ giới thì chính nó lại như ngầm “định vị” chỗ đứng, trách nhiệm của người phụ nữ là gia đình, là chăm lo cơm áo, tề gia nội trợ. Một số hoạt động còn nhấn mạnh thêm các khuôn mẫu về vai trò giới truyền thống của phụ nữ…
Theo Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 của UN Women, một nghiên cứu dựa trên phân tích 3.429 nguồn truyền thông về lãnh đạo trong năm 2015, nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm lãnh đạo ít được mô tả trong đưa tin, bài (thậm chí ít hơn so với tỷ lệ làm lãnh đạo của họ). Các nhà lãnh đạo chính phủ là nữ xuất hiện trong 9,1% các bài báo, so với 90,2% về nam.
Những nhận xét, bình luận về ngoại hình và sự quan tâm của họ đến gia đình là chủ đề phổ biến trong các câu chuyện về các nhà lãnh đạo nữ, trong khi nam giới được thể hiện là người quyết đoán và có quyền ra quyết định. Các cuộc phỏng vấn với các nhà báo cho thấy thêm rằng họ tìm kiếm các nhà lãnh đạo nam để cho ý kiến về các vấn đề, vì nam giới được coi là có thẩm quyền và trình độ cao hơn, trong khi phụ nữ thường tỏ ra “cảm tính” trong các câu trả lời.
Còn một phân tích về bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện trên 100 bài báo từ bốn tờ báo điện tử về chủ đề bạo lực trên cơ sở giới, nhằm bộc lộ quan điểm tiềm thức và đưa ra thông điệp về bạo lực. Phân tích đã xác nhận mức độ phổ biến của việc đổ lỗi cho nạn nhân, với các bài báo tập trung vào các trường hợp giật gân và mô tả hành vi của nạn nhân là khiêu khích (ví dụ như ăn mặc hở hang, không cho chồng uống rượu hoặc ngược đãi con cái).
Những dẫn chứng trên cho thấy tầm quan trọng của các cơ quan truyền thông trong việc thúc đẩy việc đăng tải cân bằng về nam và nữ, đồng thời đưa ra những cách đưa tin, bài mới thu hút độc giả mà không cần phải giật gân hay rập khuôn. Với sự gia tăng phổ biến của mạng xã hội tại Việt Nam và ước tính đến tháng 1 năm 2021 có hơn 70 triệu người dùng Facebook, truyền thông trong môi trường số càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tới công chúng.
Tăng cường chất và lượng của tin bài về bình đẳng giới trên báo chí
Để báo chí truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới tốt hơn trong môi trường số, nhà báo Phí Quốc Thuyên - Phó Tổng Biên Tập Báo Phụ Nữ Việt Nam cho rằng, sản phẩm báo chí tuy thuộc về một tập thể nhưng trong từng tác phẩm lại mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Để chuyển tải những thông điệp bình đẳng giới và hạn chế tối đa những thông điệp ngầm vô hình trung tạo nên định kiến giới, khuôn mẫu giới, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đóng vai trò quan trọng. Khi các nhà báo được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, có nhạy cảm giới thì trong mỗi tác phẩm báo chí, vấn đề “sạn” giới sẽ được kiểm soát và “nhặt” từ khi hình thành tác phẩm. Không chỉ vậy, thái độ, quan điểm của phóng viên, biên tập viên còn góp phần định hướng đối với truyền thông tới công chúng về bình đẳng giới.
Theo nhà báo Phí Quốc Thuyên, báo chí bên cạnh thông tin, phản ánh thì còn có vai trò dẫn dắt và định hướng. Trong môi trường số, mỗi tin, bài từ các trang báo thường được nhân bản lên hàng trăm, hàng ngàn tin bài trên các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Vì vậy, trong từng tòa soạn, khi bản thân các phóng viên, biên tập viên có kiến thức về BĐG thì nội dung chuyển tải trên các phương tiện truyền thông cũng sẽ từng bước bớt định kiến và tăng bình đẳng giới hơn.
Qua đó, các hoạt động truyền thông của cơ quan báo chí sẽ có cơ hội lan tỏa rộng rãi trong môi trường số, qua đó tác động đến quan điểm, thái độ của cộng đồng dẫn đến kết quả làm thay đổi hành vi và thái độ về bình đẳng giới. Các khuôn mẫu giới về những công việc “phù hợp” đối với trẻ em trai hay trẻ em gái; phù hợp với nữ giới hay nam giới sẽ giảm đi.
Sự xuất hiện hình ảnh, chuyển tải thông điệp giữa nam và nữ trong các lĩnh vực sẽ trở nên cân bằng hơn. Ví dụ như tần suất xuất hiện trong các bài báo và bản tin giữa nữ giới và nam giới trên cương vị lãnh đạo sẽ cân bằng hơn không chỉ về số lượng mà còn trên cả các lĩnh vực nhân vật đề cập. Hình ảnh của những nữ lãnh đạo không nhất thiết cứ phải hoàn thành được vai trò kép là trách nhiệm trong gia đình của người phụ nữ truyền thống và công việc lãnh đạo của một phụ nữ hiện đại mới là những phụ nữ lý tưởng. Tương tự như vậy, hình ảnh, vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa giáo dục… cũng trở nên hài hòa hơn.
"Khi thông tin cân bằng thì sẽ tác động đến nhận thức của công chúng và dần hình thành những chuẩn mực mới trong xã hội. Có những vấn đề thuộc về suy nghĩ, quan điểm thì phải thay đổi từ nhận thức chứ không phải ở những quy định bắt buộc", Phó Tổng Biên Tập Báo Phụ Nữ Việt Nam nhận định.
Theo Phan Hoài Giang/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/binh-dang-gioi-tren-bao-chi-truyen-thong-can-duoc-lan-toa-manh-me-post219701.html