Người làm báo vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc trường tồn mãi mãi (31/10/2022-8:03)
Giải báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc vinh danh sự đóng góp của người làm báo trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Để hiểu rõ hơn về các tác phẩm, thông điệp muốn truyền tải, báo Nhà báo và Công luận có cuộc trò chuyện với một số tác giả được trao giải năm nay.
Đại diện nhóm tác giả Vũ Hải Đăng, Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng - VOV1 với tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” nhận giải A. Ảnh: NVCC
Nhà báo Vũ Hải Đăng, tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” (đại diện nhóm tác giả gồm: Vũ Hải Đăng; Vũ Duy, Thu Hòa, Quang Dũng) kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, giải A:
Trong khó khăn tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam càng được lan tỏa
Tôi vinh dự và tự hào khi tác phẩm của mình và đồng nghiệp tại VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam đoạt giải A tại Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022. Để có tác phẩm “Vượt qua cơn binh lửa” hấp dẫn thính giả nhất chúng tôi đã cố gắng ghi lại những âm thanh chân thực nhất về những khó khăn của bà con người Việt với hành trình trở về quê hương khi đang sinh sống và làm việc tại Ukraine.
Ghi lại những nỗ lực hỗ trợ người Việt ở Ukraine di tản, tất cả thể hiện tình đồng hương, tình đoàn kết dân tộc. Đồng thời khẳng định từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và triển khai hiệu quả công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định đây là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình tác nghiệp tại nước ngoài, tôi nhớ khi đặt chân đến đất nước Rumani tối ngày 4/3/2022, khi đó xung đột đã nổ ra rất mạnh. Tôi đến nhà ga Donut một trong những điểm tiếp nhận người Việt di tản lớn nhất ở Rumani, đa số bà con đều chỉ mang theo những vật dụng cá nhân đơn giản họ đều có một tâm trạng rất lo lắng, hoảng sợ, không biết đi đâu về đâu.
Khi gặp những bà con ở đó, chúng tôi cố gắng giúp đỡ họ một cách tối đa trong khả năng của mình, hỗ trợ các đoàn đến một điểm tập kết. Khi bà con ổn định tâm lý hơn thì chúng tôi đã tiếp cận để hiểu hơn về hành trình đầy khó khăn khi chạy khỏi vùng chiến sự cũng như những ám ảnh của bà con khi nhìn thấy bom đạn, những thời điểm mà không ai có thể tưởng tượng tới.
Tôi có tìm đến một nhà kho, nơi có hơn 100 bà con người Việt đến tị nạn, lúc này có rất nhiều phụ nữ có con nhỏ chạy đến hỏi chúng tôi thông tin về việc bao giờ có chuyến bay về Việt Nam, với họ khi đó được trở về quê hương là điều quan trọng nhất. Nhìn những ánh mắt mong ngóng được trở về khiến cho chúng tôi có quyết tâm sớm truyền tải thông tin này về để Đảng và nhà nước có những quyết sách kịp thời hỗ trợ bà con.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó chúng tôi càng thấy được rõ truyền thống tương thân tương ái của người Việt. Tôi tận mắt chứng kiến những nhân viên Đại sứ Việt Nam tại Rumani túc trực từ sáng tới đêm để giải quyết những thủ tục giấy tờ và chuẩn bị các điều kiện để bà con được lên máy bay về nước.
Cộng đồng người Việt tại Rumani cũng nhiều đêm thức trắng để lo chỗ ăn ở, nấu các suất ăn cho bà con ở những điểm tị nạn tạm thời, những phần cơm tuy nhỏ bé nhưng đó là tấm lòng của bà con người Việt tại Rumani. Đó thực sự là nguồn động viên làm vơi đi những mất mát khó khăn của đồng bào người Việt khi di tản, tất cả để thấy được rằng trong mọi hoàn cảnh tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam luôn được lan tỏa.
Nhà báo Alăng Ngước, Báo Quảng Nam, loạt 4 bài “Ánh sáng ở vùng cao”, giải A :
Khơi gợi tinh thần đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số
Qua tác phẩm “Ánh sáng ở vùng cao”, tôi muốn phản ánh những câu chuyện đời thực rất điển hình của các đảng viên vùng cao trong nỗ lực làm thay đổi nhận thức, quan điểm sống cho đồng bào địa phương. Thậm chí, họ sẵn sàng tặng hết số tiền hàng trăm triệu đồng để “cứu sinh” một phận người đang đứng trước rủi ro do thiên tai, bão lũ…
Nội dung phản ánh về hành trình tiên phong hiến tặng đất đai, vườn tược, hoa màu, thậm chí là nhà cửa của các đảng viên vùng cao. Từ những đóng góp này, hàng trăm khu tái định cư đã được hình thành, viết tiếp câu chuyện về tình người gắn kết, giúp nhau vượt qua gian khó bằng tinh thần “Người của Đảng” ở vùng cao.
Để triển khai loạt bài tôi cũng mất khá nhiều thời gian, thậm chí là cả tháng. Đa số đồng bào dân tộc sống khu vực biên giới, rừng núi, quá trình đi rất lâu, mỗi nhân vật mình gặp có thể mất một tuần mới trở về. Từ thành phố mà lên huyện miền núi khoảng hơn 300km. Nhưng cái khó khăn nhất vẫn là hẹn gặp được nhân vật, nhiều người đi làm nương rẫy. Họ vào rừng từ sớm, có khi mất cả ngày để chờ. Tôi thường trao đổi thông tin bằng tiếng đồng bào dân tộc nên cũng rất thuận lợi. Vì dùng tiếng phổ thông họ sẽ không truyền đạt được hết ý nghĩa những câu chuyện mà họ muốn chia sẻ.
Loạt bài là những câu chuyện của đảng viên, các Chi bộ ở cơ sở với những việc làm của họ cho cộng đồng, đó cũng là một cách tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Thông qua việc làm gương, hành động thực tế mang hơi thở cuộc sống của họ và các đảng viên, người dân nơi khác sẽ hưởng ứng để nhân rộng hơn.
Nhà báo Hạnh Nguyên, loạt 5 bài “Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong ngôi nhà trí tuệ" (đại diện nhóm tác giả gồm: Dạ Yến, Hạnh Nguyên, Hà Vy, Anh Ngọc, Nghĩa Văn), báo Đại đoàn kết, giải B:
Giải sẽ tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục sáng tạo thêm những tác phẩm tốt hơn
Tuyến 5 bài “Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong “Ngôi nhà trí tuệ” được nhóm phóng viên báo Đại Đoàn Kết, phản ánh chân thực, lột tả được những bất cập của tình trạng “cửa đóng then cài” tại các nhà văn hóa lâu nay cũng như những giá trị cần phát huy trong mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, một sáng tạo của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh.
Để phát huy công năng của nhà văn hóa đặc biệt này, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ. Mô hình không những phát huy công năng nhà văn hóa mà còn là nơi kết tinh tinh thần đại đoàn kết, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” có thể xem là một sáng kiến vì dân. Bởi ngôi nhà này là một sản phẩm tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng đã tạo ra một sức sống mới cho các nhà văn hóa, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi cùng đến giao lưu, vui chơi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm thông qua hoạt động của các câu lạc bộ như tiếng Anh, kỹ năng sống, dân ca ví, giặm, dân vũ, ca trù, các mô hình trò chơi dân gian; câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ văn hoá văn nghệ - thể dục thể thao…
Với những hiệu quả từ mô hình này, chúng tôi cho rằng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” nên và cần vượt qua không gian của Hà Tĩnh. Khi nhận được thông tin tuyến bài đạt Giải B giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022, chúng tôi thực sự rất xúc động. Kết quả này sẽ tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục sáng tạo để làm nên những tác phẩm tốt hơn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com