Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Xóa ô nhiễm văn hóa giao thông (31/10/2022-8:44)
    Văn hóa giao thông với những giá trị mà nó mang lại giống như một loại “vaccine nội sinh” trị tận gốc căn bệnh ùn tắc giao thông ở các đô thị. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp xây dựng văn hóa giao thông, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông theo các tiêu chí chân - thiện - mỹ, nâng cao nhận thức và xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, bức tranh văn hóa giao thông ở Thủ đô vẫn không ít mảng tối, vẫn còn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn còn xảy ra khá phổ biến…

 

Theo ngành chức năng, 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Các hành vi như đi không đúng làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, lấn trái đường, thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,… đều tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho chính người vi phạm và người xung quanh.

Tan tầm buổi chiều, trong lúc chờ vợ chọn mua mũ bảo hiểm được cửa hàng trên phố Huế bày bán ra tận ngoài vỉa hè, anh Nguyễn Huy rất ngạc nhiên và bất bình khi thấy nhiều người đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm ở đoạn phố này. Chỉ trong vòng hơn chục phút, anh đếm được khoảng hơn 20 người đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm trên phố Huế để ra đường Đại Cồ Việt; trong đó có nhiều học sinh.

“Việc đi ngược chiều gây mất an toàn giao thông nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý nên số người vi phạm ở đoạn phố Huế này diễn ra ngang nhiên, nhiều người bất chấp quy định, đi ngược chiều chỉ để nhanh hơn được vài phút, rất nguy hiểm”, một chủ kinh doanh trên phố Huế cho biết.

Tình trạng người dân đi ngược chiều còn xảy ra ở nhiều nơi như khu vực Ngã Tư Sở, sau khi ngành chức năng tổ chức lại giao thông tại đây một số người dân vẫn cố tình đi ngược chiều để sang đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Hay trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) mặc dù được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn đi khá lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn, đi sai làn, lấn làn.

Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ… song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.

Trong khi thành phố và các ngành chức năng đang nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông thì tình trạng chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân vẫn còn rất hạn chế. Trên đường phố Thủ đô vẫn ghi nhận nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông chở hàng cồng kềnh, lạng lách gây nguy hiểm các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Nhiều đợt lực lượng chức năng ra quân kiểm tra nồng độ cồn, xử lý "ma men" nhưng không thể xử lý dứt điểm được tình trạng nêu trên, chế tài xử phạt dường như chưa đủ nặng để răn đe.

Các “điểm đen” về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Có thể dễ dàng bắt gặp ngay bên cạnh những cây cầu vượt, hầm chui, người đi bộ “ngó lơ” không sử dụng mà trèo qua dải phân cách cứng, sang đường tùy tiện, không đúng vạch giao thông diễn ra phổ biến. Việc dừng đỗ xe tràn lan khắp nơi, không nhường đường và thậm chí "cướp" đường ưu tiên của người đi bộ cũng là những hành vi thiếu văn hóa trong tham gia giao thông khiến giao thông tại Hà Nội chưa được cải thiện.

Trên các tuyến giao thông nếu có sự kiểm soát của lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông thì hoạt động giao thông trật tự hơn, nhưng khi vắng bóng lực lượng này, tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn xảy ra. Đáng nói, không phải người tham gia giao thông không nhận thức được về văn hóa giao thông mà chủ yếu bởi ý thức tự giác còn kém.

Video hiện trạng đường Nguyễn Trãi sau hơn 1 tháng thí điểm lắp dải phân cách cứng không liên tục (thời điểm cuối tháng 9/2022):

Tình trạng hàng quán, ô tô, xe máy vây kín vỉa hè, lòng đường, mái che, mái vẩy lấn chiếm hè, đường, choán cả không gian giao thông cũng là thực trạng đang xảy ra tại hầu khắp các tuyến phố, nhiều khu chung cư trên địa bàn Thủ đô, như trên phố Trương Định (đoạn từ Ngã Tư Tân Mai đến cầu Sét), khu vực quanh hồ Phương Liệt (quận Thanh Xuân), phố Trần Đại Nghĩa (ngay trước UBND phường Trương Định), đường La Thành, Chùa Láng, phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo…, phố Trần Cung (quận Cầu Giấy), trên tuyến phố Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), chợ Cầu Mới - Ngã Tư Sở; đường Cổ Điển, khu tập thể Cơ khí 4, chợ Cổ Điển… (huyện Đông Anh).

Tình trạng khan hiếm điểm trông giữ xe xảy ra nhiều nhất ở các quận nội thành. Nhiều đơn vị trông xe tự phát, thu phí không đúng quy định, dẫn đến "chảy máu" ngân sách của thành phố.

Việc lòng đường, vỉa hè bị tái chiếm, nhan nhản bãi trông giữ xe không phép trên địa bàn Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại cũng đã phản ánh sự thiếu quyết liệt, nếu không nói là làm ngơ của chính quyền một số địa phương, ngành chức năng thành phố trong xử lý vi phạm.

Theo ông Nguyễn Bắc (quận Hoàn Kiếm), dịch bệnh được kiểm soát, hàng quán mở cửa hoạt động trở lại bình thường nhưng nhiều hàng quán vi phạm, lấn chiếm vỉa hè bày bàn ghế, xếp hàng hóa, đỗ xe, trông xe cho khách… chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, cản trở người tham gia giao thông. Thực tế trên diễn ra ở nhiều tuyến phố những không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

“Dân số quá đông trong khi diện tích dành cho giao thông quá ít dẫn đến vi phạm tràn lan. Tại khu đô thị Linh Đàm, phương tiện, hàng quán chiếm dụng lòng đường, vỉa hè là chuyện hàng ngày nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm”, bà Hà Thanh - Khu đô thị Linh Đàm chia sẻ.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thường tái diễn (ảnh tư liệu).

Sự quá tải về cơ sở hạ tầng; thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh; sự thiếu ý thức của cả người tham gia giao thông, sự xem thường pháp luật của một bộ phận người dân; chế tài pháp luật vẫn chưa thực sự đủ để răn đe… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật giao thông Đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên trên địa bàn Hà Nội, làm đau đầu các cơ quan quản lý đô thị cũng như lực lượng chức năng. Con số 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế.

Cục Cảnh sát giap thông (CSGT) mở rộng mô hình tuần tra bằng xe mô tô chuyên dụng để giảm ùn tắc tại tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường khiến hạ tầng giao thông như đường sá, hệ thống cấp, thoát nước… xuống cấp. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ còn gây ách tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Đậu, đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè để mua, bán, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn, nhất là trên các đoạn đường quốc lộ, gần các khu công nghiệp, các điểm chợ tự phát… Không thiếu trường hợp tai nạn xảy ra do tài xế không thể quan sát biển báo, đèn tín hiệu do bị biển hiệu quảng cáo che khuất, hoặc có trường hợp tai nạn xảy ra do phương tiện giao thông mất lái chạy lên hè phố và va chạm với người bán hàng lấn chiếm vỉa hè.
Ngoài việc làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông… lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn ẩn chứa mối nguy hiểm tiềm tàng về an ninh trật tự. Nhiều vụ trộm cắp, cướp, cướp giật đã xảy ra đối với người bán hàng rong, xe đẩy, hoặc các trường hợp đậu, đỗ xe trên hè phố, lòng đường để mua, bán mà không có người trông giữ.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó, thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng, đường, vỉa hè, dừng, đỗ xe sai quy định, các điểm trông giữ phương tiện tự phát...

Tổ công tác liên ngành Y9/141 kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm an toàn giao thông, chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện.

Theo đó, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của thành phố trong việc đảm bảo trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị.

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thường xuyên rà soát việc phân luồng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, hướng dẫn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, các giải pháp công nghệ trong việc quản lý, vận hành bãi đỗ xe, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định; sắp xếp, tổ chức lại và quản lý các điểm trông giữ phương tiện; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng, đường, vỉa hè, dừng, đỗ xe sai quy định, các điểm trông giữ phương tiện tự phát, các trường hợp phương tiện chở vật liệu không đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ phế liệu, phế thải không đúng nơi quy định.

Sở Văn hóa Thể thao được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sắp xếp, tiêu chuẩn hóa hệ thống biển hiệu, quảng cáo ngoài trời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; tiếp tục triển khai thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ, hành vi ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Cảnh sát giao thông Hà Nội ghi hình xử lý các phương tiện dừng đỗ, đón trả khách sai quy định.

Các ngành chức năng cũng đồng loạt ra quân xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông. Từ ngày 18 - 25/10/2022, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý giải tỏa các vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, tập trung trên địa bàn thành phố, trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 21A đoạn đi qua địa bàn Hà Nội, đảm bảo đường thông, hè thoáng, mỹ quan đô thị; duy trì xử lý vi phạm, chống tái lấn chiếm. Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tiến hành giải tỏa toàn bộ các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, các trường hợp cố tình không chấp hành tự giác tháo dỡ, chuyển dọn các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ trên truyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 21A (huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thị xã Sơn Tây) thuộc địa bàn thành phố.

Sau giải tỏa, Thanh tra Giao thông vận tải và lực lượng chức năng phối hợp thường xuyên với chính quyền địa phương để duy trì xử lý vi phạm chống tái lấn chiếm. Bàn giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các đơn vị duy tu đường để quản lý, bảo vệ, chống tái lấn chiếm.

Lực lượng CSGT phân luồng giao thông tại cổng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm (ảnh tư liệu). 

Từ ngày 19/10, trước thực tế nhiều học sinh, sinh viên điều khiển xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; phụ huynh học sinh đưa đón con không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ chở quá số người quy định, đi ngược chiều... tạo thói quen vi phạm luật, đồng thời gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội tập trung xử lý học sinh, phụ huynh vi phạm giao thông.

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội, ngoài làm nhiệm vụ thông thường, các đơn vị cảnh sát giao thông tại khu vực nội thành sẽ tập trung bảo đảm điều tiết an toàn giao thông trước cổng trường học, vừa bảo đảm xử lý nghiêm những hành vi không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện nhưng chưa đủ tuổi, không gương chiếu hậu, chở quá số người quy định... Còn tại khu vực ngoại thành, ngoài xử lý học sinh, phụ huynh vi phạm, các đơn vị tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô đưa đón học sinh.

Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh, việc xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh. Mới đây, các Bộ Công an, Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.

Ghi nhận trong ngày đầu thực hiện, Cảnh sát Giao thông thành phố Hà Nội đã ra hiệu lệnh dừng xe nhiều trường hợp vi phạm, yêu cầu người điều khiển phương tiện phối hợp làm việc.

Nỗ lực đảm bảo trật tự giao thông trước cổng trường Tiểu học Thăng Long.

Tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Cảnh sát Giao thông đã yêu cầu chị L.V.L, 40 tuổi ở quận Hoàn Kiếm chở con đi học nhưng cả hai mẹ con đều không đội mũ bảo hiểm. Chị này trình bày, do lo sợ đưa con đến trường muộn đã sơ suất không tuân thủ quy định của Luật.

Cũng tại chốt kể trên, Cảnh sát Giao thông đã dừng phương tiện xe máy điện do em N.N.T.A, sinh năm 2007, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố điều khiển. Khi lưu thông trên đường học sinh này có chở thêm bạn phía sau nhưng cả hai đều “đội trời” không đội mũ bảo hiểm theo quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm, ngoài việc xử phạt, Cảnh sát Giao thông còn tuyên truyền nhắc nhở để các học sinh, phụ huynh nhận thức được hành vi vi phạm.

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn khi học sinh vi phạm liều lĩnh bỏ chạy. Hành vi này của các em rất dễ gây ra tai nạn giao thông và nguy hiểm cho những người khác. Để giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh, Phòng Cảnh sát Giao thông khuyến cáo phụ huynh học sinh cần tuân thủ luật để làm gương cho con em học tập. Khi học sinh vi phạm, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các bậc cha mẹ. Do đó, mỗi cha mẹ học sinh cần làm gương, thường xuyên nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ mình và người thân.

Ngay trong những ngày đầu năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long (huyện Gia Lâm) đã tổ chức Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh toàn trường. Tại buổi tuyên truyền, học sinh đã được nghe cán bộ Công an giao thông, Công an huyện Gia Lâm chia sẻ về tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương, ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông của học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Những nội dung khó nhớ, khó thuộc trong Luật Giao thông đường bộ đã được các cán bộ Công an làm “mềm hóa” bằng những mẩu chuyện nhỏ, ví dụ thực tế. Với hình thức tiếp cận khéo léo đó, học sinh đã bị cuốn hút vào nội dung buổi nói chuyện và dễ dàng ghi nhớ nội dung quy định liên quan đến lứa tuổi học sinh. 

Học sinh Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long (huyện Gia Lâm) hào hứng tham gia cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên của nhà trường còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, bích báo tuyên truyền về an toàn giao thông, trang bị kiến thức, hiểu biết cho học sinh, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm trong thực hiện văn hóa giao thông. Cuộc thi cũng tạo điều kiện cho học sinh có dịp giao lưu, học hỏi, phát huy tính sáng tạo, thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ của mình về an toàn giao thông qua những tác phẩm hội họa.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long Đoàn Hoàng Giang cho biết, thông qua hoạt động tuyên truyền, nhà trường đã cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Không chỉ vậy, nhà trường mong muốn mỗi học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhắc nhở người thân trong gia đình, người dân tại địa phương tham gia giao thông đúng quy định, phòng ngừa tai nạn giao thông.

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2027 với các nội dung: Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các quy định khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông tại địa phương cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình…

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động “Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện an toàn giao thông giai đoạn 2022 - 2027". 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 87% số vụ tai nạn giao thông hiện nay là do đàn ông gây ra; cần phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công tác truyền thông và nêu gương đảm bảo an toàn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố có chương trình cụ thể phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp và có cam kết để triển khai.

 

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động “Phụ nữ tham gia đảm bảo an toàn giao thông vì hạnh phúc của mỗi gia đình, giai đoạn 2017 - 2022" với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông, xây dựng “văn hóa giao thông” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và các thành viên trong gia đình.

Trong 5 năm, các cấp Hội đã tổ chức gần 250.000 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật về an toàn giao thông; gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình không vi phạm pháp luật”.

Nhiều mô hình sáng tạo đã được triển khai trong cả nước, trong đó nổi bật là mô hình “Giáo dục hành động thực hiện an toàn giao thông” và “Phụ nữ lên tiếng - Uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông” đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành quan tâm hỗ trợ và được chính quyền địa phương đánh giá cao. Cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực, trách nhiệm trong việc vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt các quy định khi tham gia giao thông, từ đó góp phần cùng cả nước giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông xảy ra trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.

Giao lưu sân khấu hóa tuyên truyền an toàn giao thông của các Hội liên hiệp phụ nữ.

Đặc biệt, một trong những mô hình được các cấp hội trên địa bàn quận thực hiện có hiệu quả, được ghi nhận là mô hình "7 nhớ" khi tham gia giao thông. Mô hình được ra mắt năm 2012, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của cán bộ hội viên và phụ nữ ngoài hội, xây dựng nếp sống văn hóa của phụ nữ khi tham gia giao thông với thông điệp dễ nhớ, dễ thực hiện: "nhớ đội mũ bảo hiểm, nhớ đi đúng làn đường, nhớ tín hiệu giao thông, nhớ không chở quá tải nhớ đi đúng tốc độ, nhớ không uống rượu bia, nhớ đủ giấy tờ xe”. Ý thức từ những việc nhỏ nhất tưởng như đơn giảm nhưng đem lại hiệu quả lớn lao, góp phần đảm bảo an toàn cho mỗi người dân khi tham gia giao thông, kiềm chế tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn.

Theo các nhà nghiên cứu, để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực và những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền và ngành chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông để duy trì trật tự, an ninh đô thị, chống ùn tắc và tai nạn giao thông một cách bền vững trên địa bàn Thủ đô. Hãy thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông bắt đầu từ những hành động nhỏ như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Đi đúng phần đường, làn đường quy định, không đi xe trên vỉa hè, chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông; Không sử dụng bia, rượu trước khi điều khiển phương tiện giao thông…

Theo Bài: Tuyết Mai - Mạnh Khánh - Nguyễn Thị Cúc - Xuân Minh
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát - Trung Nguyên; Video: Trung Nguyên
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/xoa-o-nhiem-van-hoa-giao-thong-20221028155635472.htm

 

 

Các tin khác:
  • Không chủ quan với cúm A/H5 (26/10/2022-9:18)
  • Phòng ngừa tác phẩm văn học xấu độc (21/10/2022-10:15)
  • Cảm xúc... mùa thu (16/10/2022-13:28)
  • Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của đợt mưa lớn (05/10/2022-14:06)
  • Những trường hợp nào được coi là nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ? (05/10/2022-9:34)
  • Cảnh báo sóng lớn trên vùng biển Thanh Hóa (29/09/2022-8:21)
  • Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng vệ với đa cấp biến tướng (27/09/2022-20:03)
  • Quy định mới về định danh điện tử và xác thực điện tử (24/09/2022-9:14)
  • Xuất hiện loại ma túy mới dưới dạng gói nước trái cây (22/09/2022-6:02)
  • Xử phạt một giáo viên dạy lái xe vì hành vi xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm phóng viên (19/09/2022-14:08)