Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT: "Thách thức" lớn trong khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia (04/11/2022-12:40)
    Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm đến việc làm sao để vừa khai thác được cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng vẫn bảo mật được thông tin cá nhân? Theo bà Nga, đây là thách thức rất lớn đòi hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cần có giải pháp cụ thể.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về lĩnh vực của ngành.

Hôm nay (4/11), Quốc hội sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ở lĩnh vực thứ hai là TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính.

Trong ba vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì vấn đề thứ nhất được nhiều đại biểu cũng như dư luận, cử tri quan tâm là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%

Theo Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, Chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Theo đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, Chính quyền số đã cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các văn bản chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số đến thời điểm hiện tại đã tương đối đầy đủ, bao trùm các nội dung của chuyển đổi số.

Đáng chú ý, về phát triển dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã chủ động hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 67,8%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 43,2%, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index) - tăng 05 bậc so với năm 2020.

Việc phát triển các nền tảng số được coi là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đến nay, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin Chuyển đổi số quốc gia...

 

chat van bo truong bo tttt thach thuc lon trong khai thac cac co so du lieu quoc gia hinh 2

Đến nay, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 43,2%, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu thập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 99 triệu nhân khẩu

Trong công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG). Trong đó có CSDLQG về dân cư và căn cước công dân; Theo Bộ TT&TT cho biết, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng CSDLQG về dân cư. Kết quả đã thu thập vào CSDLQG về dân cư khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99%. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92 nghìn trường hợp thôi quốc tịch, gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu; cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh được hơn 5,3 triệu trường hợp.

Về căn cước công dân, Bộ Công an đã thu thập được hơn 50,2 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân trong đó: Nhân khẩu thường trú đã nhận được hơn 49,3 hồ sơ, nhân khẩu tạm trú là 883 nghìn hồ sơ, tổng số hồ sơ căn cước công dân từ các địa phương đã chuyển lên Trung ương là 34,7 triệu hồ sơ, tổng số hồ sơ đã phê duyệt là 22,8 triệu hồ sơ và đã trả được hơn 13 triệu thẻ.

Về CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp: Số lượng doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu là 1.456.551 doanh nghiệp. Đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho: 10 bộ, ngành bao gồm: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ (Cổng Dịch vụ công quốc gia), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước; 60 địa phương (03 địa phương còn lại chưa kết nối: Bạc Liêu, Khánh Hoà, Tuyên Quang).

Cũng theo Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp đã triển khai phần mềm hộ tịch điện tử với khoảng 18 nghìn người dùng tại hơn 10 nghìn xã, 700 huyện và 63 Sở Tư pháp. Dữ liệu trong hệ thống đã lưu trữ được 31,3 triệu đăng ký khai sinh, 6,79 triệu đăng ký kết hôn, 4,53 triệu đăng ký khai tử và 8 triệu đăng ký hộ tịch khác. Qua đó, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung toàn quốc...

 

chat van bo truong bo tttt thach thuc lon trong khai thac cac co so du lieu quoc gia hinh 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Vừa khai thác được dữ liệu quốc gia nhưng vẫn bảo mật được thông tin cá nhân

Trao đổi liên quan đến phiên chất vấn thuộc lĩnh vực TT&TT với báo chí, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, cần có các công cụ để đánh giá về sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước; đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh gây mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này.

Ông Hoàng Minh Hiếu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan Nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của Nhà nước và tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh trường hợp nhiều cơ quan Nhà nước cùng thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu; từ đó, vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa không gây phiền hà, mất thời gian đối với người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến việc phát triển chính quyền điện tử, Chính phủ số như thế nào? Việc khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia làm sao để có thể là vừa khai thác được dữ liệu quốc gia nhưng vẫn bảo mật được thông tin cá nhân. Theo bà Nga, đây là thách thức rất lớn đòi hỏi Bộ TT&TT cần có giải pháp cụ thể.

Đại biểu đoàn Hải Dương cũng quan tâm đến tư duy, năng lực của con người trong khi ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi vì hiện nay, có hiện tượng ở rất nhiều địa phương và các Bộ ngành có hạ tầng và được trang bị về công nghệ thông tin được trang bị đầy đủ nhưng năng lực của con người chưa thể vận dụng, ứng dụng các công nghệ hiện đại đó.

Nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, gồm:

Một là, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hai là, việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Ba là, việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Theo Gia Phát/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/chat-van-bo-truong-bo-tttt-thach-thuc-lon-trong-khai-thac-cac-co-so-du-lieu-quoc-gia-post220807.html

 

Các tin khác:
  • Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu (04/11/2022-11:35)
  • 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc (02/11/2022-8:57)
  • Kể từ 1/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường xóa bỏ 4 tổng cục (01/11/2022-15:23)
  • Chuyến thăm khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (01/11/2022-15:19)
  • Triển khai hệ thống tiếp nhận xử lý cuộc gọi rác, có dấu hiệu lừa đảo (01/11/2022-15:15)
  • Điểm mới cần lưu ý tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (01/11/2022-14:47)
  • Những chính sách pháp luật có hiệu lực từ tháng 11/2022 (01/11/2022-14:38)
  • Bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ít ảnh hưởng đến Việt Nam (01/11/2022-10:59)
  • Chống tin giả đang trở thành một cuộc chiến toàn cầu (01/11/2022-9:56)
  • Những chính sách mới, nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2022 (31/10/2022-8:26)