Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
"Ô nhiễm" mạng xã hội - giải pháp nào lành mạnh hóa môi trường mạng? (09/11/2022-10:51)
    "Rác" trên mạng hiện nay xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nhạc chế nhảm nhí, phim bạo lực rẻ tiền, livestream đấu tố lẫn nhau... Đặc biệt nguy hiểm hơn là việc lan truyền những video tự tử hay hành vi giết người đã và đang gây ra tác động khôn lường đến tâm lý và hành vi của công chúng.

 Tốc độ lan truyền chóng mặt, tần suất lớn với độ lặp đi lặp lại của những tương tác xã hội xấu xí đặt con người vào môi trường sống “ô nhiễm”. (Ảnh vtv)

Không chỉ là "rác"

Các trang mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… đã trở thành một phần trong đời sống của hầu hết mọi người. Thế nhưng, ở đó đang bị “ô nhiễm” bởi nhiều lời nói, hình ảnh, hành vi không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục, từ bêu riếu, xúc phạm, mạt sát nhau, cho đến lừa đảo, trục lợi... Đáng nói, chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ em và thanh thiếu niên vẫn còn non nớt trong nhận thức và hầu như chưa có khả năng để kiểm soát cũng như ứng phó với các thông tin xấu, độc trên mạng.

"Rác" trên mạng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nhạc chế nhảm nhí, phim bạo lực rẻ tiền, phim hài, clip nhạt nhẽo với những hình ảnh hở hang, nói tục để câu khách, hay bằng cách livestream đấu tố lẫn nhau. Điều này vô hình trung trở thành một trào lưu khi có sự tham gia của rất nhiều người thuộc các lứa tuổi, đối tượng khác nhau.

Một thực tế đáng buồn, đáng lo ngại và nguy hiểm hơn rất nhiều là việc chia sẻ những video có tính bạo lực, tử tử hay giết người. 

Thời gian qua, hàng loạt những vụ bạo lực học đường gây "rúng động" liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương từ ngày khai giảng đến nay được chia sẻ khắp các mạng xã hội. Cứ vụ này chưa qua thì vụ khác lại đến. Tính chất của các vụ bạo lực ngày càng phức tạp. Chỉ cần một mâu thuẫn rất nhỏ, các em cũng lao vào đánh nhau không thương tiếc, xung quanh là tiếng reo hò, cổ vũ của những học sinh khác. Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền nhiều vụ việc như đánh ghen, tai nạn giao thông, nhóm thanh niên cầm hung khí đánh nhau giữa phố…

Chắc hẳn công chúng vẫn chưa quên cách đây không lâu, đoạn video ghi lại quá trình tự tử cùng nội dung lá thư tuyệt mệnh của một nam học sinh tại Hà Nội được lan truyền khắp các diễn đàn mạng xã hội. Việc này đã khiến cho người thân của nạn nhân thêm đau lòng, khắc sâu vào sự mất mát, thương tổn khó chữa lành.

Tuy nhiên, sự tác động chưa dừng lại ở đó. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia nước ngoài cho thấy rằng, khi các vụ tự tử được phát tán một cách chi tiết, bao gồm cả cách người đó đã thực hiện, thì số vụ tự tử “bắt chước” tăng mạnh. Những người dễ bị tổn thương bị kích động và ảnh hưởng bởi những chi tiết của những câu chuyện tự tử. 

Ở một vụ việc khác, vào những ngày cuối tháng 10, trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại hành vi giết người của nghi phạm Phan Thanh Hoàng (19 tuổi, quê Tuyên Quang) khiến hai người thương vong ở phường Tiền An, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh. Trước khi gây án, Hoàng chia sẻ lên Facebook kế hoạch giết người của mình. Vụ việc đang gây chấn động trong xã hội về sự tàn bạo, vô cảm của hung thủ, song càng cảm thấy đáng sợ hơn nữa, khi có nhiều người có thể thản nhiên chứng kiến hành vi giết người dã man, quay clip và đăng tải lên mạng xã hội.

Việc đăng tải, chia sẻ những thông tin kích động bạo lực sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Những hình ảnh bạo lực này trên mạng sẽ kích thích, thúc đẩy ham muốn thực hiện các kiểu hành vi tương tự trong đời thực.

Tốc độ lan truyền chóng mặt, tần suất lớn với độ lặp đi lặp lại của những tương tác xã hội xấu xí đó đặt con người vào môi trường sống “ô nhiễm” các giá trị nhân văn, giá trị sống.

Hệ lụy khôn lường

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng, giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên thì sự trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều nên khi trẻ tiếp nhận những video ám ảnh đó một cách không tự giác thì môi trường sống của trẻ sẽ bị đe dọa, làm trẻ sống trong sự hoang mang và hoảng sợ.

Trẻ có thể nhìn nhận bất cứ một người nào khác trong gia đình hoặc xã hội cũng có dáng vẻ và màu sắc của kẻ phạm tội ấy và tưởng tượng mình cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Điều đó làm cho trẻ sợ hãi xen lẫn nghi ngờ, mất lòng tin, thu mình lại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

"Nguy hại hơn, trẻ cũng có thể làm theo một cách vô thức. Học theo là một trong những hành động phổ biến của con người trong đời sống hằng ngày. Do đó, sau khi trẻ xem những video rùng rợn, những hình ảnh, cách thức chém giết sẽ được in đậm vào não bộ trở thành một kho gợi ý, trở thành những cú hích trong một số hoàn cảnh con trẻ có thể hành xử một cách tương tự khi chưa lựa chọn được giải pháp", ông Trịnh Hoà Bình cho biết.

TS Đỗ Anh Đức - Trưởng bộ môn đa phương tiện - Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) khẳng định: Chắc chắn là những hình ảnh, nội dung bạo lực, xấu độc sẽ có tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của người tiếp nhận nó, nhất là giới trẻ. Việc ngăn chặn phát tán nội dung bạo lực, xấu độc trên không gian mạng là tiêu chuẩn chung của cộng đồng, bất kể quốc gia nào. 

Có những bằng chứng về việc xem nhiều hình ảnh bạo lực có thể kích thích hành vi bạo lực trong ngắn hạn hoặc lâu dài. Tất nhiên, với mỗi đối tượng thì mức độ tác động có thể khác nhau. "Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chắc chắn việc tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực được phát tán, lây lan, thậm chí công khai, sẽ làm nảy sinh nhận thức tai hại ở người tiếp nhận, đó là bình thường hóa hành vi bạo lực, cho rằng có thể giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực", TS Đỗ Anh Đức cho hay.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nhớ lại cách đây chưa lâu, khá nhiều người lên tiếng, trong đó có nhiều nhà báo, nhân danh phụ huynh con em mình, để phản đối MV của Sơn Tùng MTP có hình ảnh ẩn dụ, cổ xúy cho hành vi tự tử bằng nhảy lầu. Những ý kiến này được nêu lên ngay lập tức khi MV vừa mới phát hành. Điều đó là cần thiết căn cứ trên các tiêu chuẩn về văn hóa phẩm. Tuy nhiên, chúng ta thiếu một sự phản ứng nhanh và mạnh như thế đối với những nội dung độc hại trên mạng như những clip tự tử, hình ảnh bạo lực, hay tội ác giết người như hiện nay. Đây cũng là một nghịch lý, giống như một dạng ‘tiêu chuẩn kép’ của nhiều người khi phản ứng với cùng một phạm trù.

Theo TS Đỗ Anh Đức, thực trạng trên trước hết phải nói đến trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ. Các tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng mạng xã hội chưa thực sự đủ ‘thông minh’ và sức mạnh để ngăn chặn những nội dung bạo lực, độc hại này.

"Có một nghịch lý là một tài khoản nghiêm chỉnh, đăng tải những nội dung lành mạnh, nhưng rất dễ bị giả mạo, chơi xấu, bị tố ngược là tài khoản không chính chủ và sau đó bị treo, đóng, mất dữ liệu. Mà quá trình khiếu nại với nhà cung cấp dịch vụ tốn rất nhiều thời gian, gần như vô vọng, khiến người dùng thực phải từ bỏ tài khoản của mình, phải mở trang cá nhân khác, còn tài khoản mạo danh thì vẫn ‘nhơn nhơn’. Chuyện này xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, những biện pháp, thuật toán, cách thức để lọc nội dung xấu độc, vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn cộng đồng thì lại khá hạn chế, kém hiệu quả, nên mới dẫn đến tình trạng phát tán như trên", TS Đỗ Anh Đức cho biết.

Ngoài ra, đó cũng là trách nhiệm của bên chức năng trong việc chậm xử lý các vụ việc lây lan nội dung xấu độc. Một mặt, khối lượng các sự vụ phải theo dõi, xử lý trên mạng rất lớn, tốn nhiều nhân lực và thời gian. Mặt khác, thường khi một sự việc xảy ra, sẽ cần phải có người lên tiếng, hoặc tố cáo, hoặc có dư luận thì mới được đưa vào diện theo dõi, xử lý. Điều này có thể dẫn đến tình huống là nội dung xấu độc đã được phát tán trước khi bị ngăn chặn. 

Một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội, cũng giống như trong xã hội ngoài kia, vốn dĩ tò mò, bị kích thích bởi những vụ bạo lực, thậm chí càng có tính chất nghiêm trọng càng muốn xem. Các chế tài, xử phạt là cần thiết, và cũng nên nghiêm khắc hơn cho việc phát tán, tung tin xấu độc, cổ xúy bạo lực. 

Hơn hết, ý thức của cộng đồng, của từng cá nhân, các hội nhóm, của những người có ảnh hưởng trên không gian mạng xã hội mới có thể giúp lành mạnh hóa môi trường này một cách bền vững. 

Vai trò lớn của báo chí

TS Đỗ Anh Đức cho rằng, bạo lực trong xã hội liên quan đến rất nhiều vấn đề, không thể dùng các biện pháp đơn giản để ‘siết’. Các chế tài, các quy định của pháp luật đương nhiên là cần thiết, có tác động trừng phạt, xử phạt, răn đe. Nhưng như vậy là chưa đủ. Để ngăn chặn bạo lực thì phải nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp, an toàn hơn. Muốn vậy, phải nhận thức rõ các vấn đề xã hội hiện nay, những rào cản, những bất bình đẳng, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội, những giá trị, chuẩn mực nào đang bị thách thức, những xu hướng, nguy cơ nào tiềm ẩn trong cách người ta ứng xử với nhau. 

Nếu ở ngoài kia những vụ việc bạo lực vẫn diễn ra lan tràn, thì không có cách nào ngăn được thông tin, hình ảnh về chúng sẽ rò rỉ, phát tán, lây lan trên không gian truyền thông mạng xã hội. Có ngăn thì cũng vô ích. Do đó, cần các giải pháp căn cơ, tổng thể, các phong trào, các hoạt động xã hội để lan truyền cái tốt đẹp và biểu dương sự tử tế, tính nhân văn, góp phần lành mạnh hóa môi trường xã hội kể cả không gian thực, hay không gian mạng. 

"Tuy nhiên, đó là những giải pháp mang tính vĩ mô. Một vấn đề tôi muốn nhắc đến ở đây chính là vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc đưa tin về bạo lực. Không ít bài báo, không ít tờ báo, trong khi đưa tin với mục đích lên án bạo lực, đã một cách vô tình hoặc cố ý lôi kéo sự tò mò, giật gân bằng việc mô tả chi tiết vụ việc, nhất là hành vi bạo lực. 

Cách thức đưa tin của báo chí về bạo lực ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của công chúng nói chung. Chẳng hạn khi bình luận về vụ đánh ghen của gã chồng chém đứt lìa hai tay vợ, có nhà báo viết trên tài khoản mạng xã hội rằng, mặc dù kẻ thủ ác có tội, nhưng cũng vì người vợ lăng loàn, kích động anh ta", TS Đỗ Anh Đức nhận định.

Có thể thấy rằng, một mặt chúng ta phê phán tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, thì mặt khác, không kém phần quan trọng là phải xem lại trách nhiệm của báo chí, bao gồm cả một số báo chính thống và các trang tin tổng hợp trong cách tiếp cận vụ việc và cách thông tin chạy theo ‘page view’, dẫn đến phản tác dụng và một cách trớ trêu lại cổ xúy cho việc xem nhẹ hành vi bạo lực, hoặc tiếp tục nuôi dưỡng sự tò mò, kích thích những ham muốn thoái hóa của không ít người đã và đang bị hấp thụ bởi những nội dung bạo lực, xấu độc.

Theo Phan Hoài Giang/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/o-nhiem-mang-xa-hoi--giai-phap-nao-lanh-manh-hoa-moi-truong-mang-post219780.html

 

Các tin khác:
  • Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu làm rõ việc đe dọa, hủy hoại giấy giới thiệu phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (09/11/2022-10:26)
  • Camera và sự tường minh (08/11/2022-11:26)
  • Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022 đề xuất 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất (08/11/2022-11:07)
  • Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đoạt giải ba, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII (06/11/2022-19:34)
  • Để nhà báo vượt qua thử thách “khó, khô, khổ” khi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (04/11/2022-12:44)
  • Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của báo Người Lao Động đến với đồng bào huyện Đồng Văn (Hà Giang) (03/11/2022-11:08)
  • Kiến nghị xử lý 23 trang Fanpage và 33 kênh Youtube mạo danh Đài Truyền hình Việt Nam (02/11/2022-9:05)
  • Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức sinh hoạt về xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí (01/11/2022-10:56)
  • Người làm báo vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc trường tồn mãi mãi (31/10/2022-8:03)
  • Nhà báo Nguyễn Hải Đăng- báo Nhân dân: Để bài viết không nhàm chán, phải tiếp xúc, va vấp nhiều, học tập trao đổi cùng các nhà báo có kinh nghiệm (28/10/2022-17:08)