Ảnh minh hoạ
Theo đó, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Tr. M. Nh., giới tính nam, sinh năm 2007, có địa chỉ tại xã Mai Lâm (thị xã Nghi Sơn). Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với chẩn đoán theo dõi viêm cơ tim cấp/suy đa tạng, shock nhiễm khuẩn. Bệnh khởi phát 4 ngày với biểu hiện sốt cao liên tục, ho, chảy mũi, nổi ban sẩn từng mảng, kèm theo đau tức ngực bên phải, đau bụng, trẻ được khám và chẩn đoán viêm họng và điều trị 2 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, bệnh diễn biến nặng lên, bệnh nhân khó thở, huyết áp giảm, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Trẻ được cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch và kháng sinh, ngày thứ 2 tình trạng bệnh không cải thiện, được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát trong tình trạng nặng; phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay, trẻ tiếp tục được thở máy, duy trì vận mạch, sử dụng IVIG, tiến hành lọc máu, xét nghiệm tìm căn nguyên. Mẫu cấy máu ngay từ khi vào viện đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei vào ngày 3/11/2022. Chẩn đoán bệnh của trẻ: Shock nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L. Ng. Q., sinh năm 2012, giới tính nam, có địa chỉ tại xã Yên Mỹ (Nông Cống). Bệnh diễn biến 3 tháng, khởi đầu với biểu hiện sốt, sưng đỏ vùng mang tai 5 ngày, được chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai phải và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống 20 ngày không đỡ. Sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chẩn đoán áp xe má phải được chích áp xe và điều trị nội trú 20 ngày; trẻ ra viện tiếp tục điều trị nội trú 7 ngày.
Tuy nhiên, sau thời gian điều trị dài, vùng má phải tổn thương vẫn còn viêm và rỉ dịch mủ, đồng thời xuất hiện thêm cục to đau sau tai nên chuyển Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị tiếp vào ngày 1/11/2022. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chích rạch khối áp xe, cấy dịch mủ từ khối áp xe và điều trị ngoại trú. Kết quả cấy dịch mủ ngày 1/11/2022 tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Chẩn đoán áp xe phần mềm vùng trước tai phải/Whitmore.
Sau khi nhận được công văn của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc thông báo ca bệnh Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn về tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore.
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng chủ động phòng bệnh Whitmore với biện pháp dự phòng cơ bản nhất là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh lao động; hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là nơi bị ô nhiễm nặng.
Cùng đó, sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (giày, dép, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.
Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi có nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời.
Theo Hà Anh/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/thanh-hoa-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-whitmore-post221770.html