Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Những kỳ vọng tại G20 (16/11/2022-11:25)
    Dư luận quốc tế đang hướng sự chú ý đặc biệt tới đảo Bali của Indonesia, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trong bối cảnh hàng loạt thách thức đan xen nổi lên trên quy mô toàn cầu, cộng đồng quốc tế kỳ vọng G20 thể hiện trách nhiệm đầu tàu, vượt qua khác biệt để tăng cường kết nối và hợp tác, tạo động lực đưa thế giới vượt qua thách thức, phục hồi và phát triển.

 Cộng đồng quốc tế kỳ vọng G20 thể hiện trách nhiệm đầu tàu, vượt qua khác biệt để tăng cường kết nối và hợp tác. (Ảnh: Reuters)

G20 là diễn đàn hợp tác của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, đại diện cho hơn 80% GDP, 75% kim ngạch xuất nhập khẩu và 60% dân số toàn cầu. Ðược thành lập năm 1999, G20 ra đời nhằm thúc đẩy các biện pháp giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 1997-1998, tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Từ năm 2008, các nhà lãnh đạo bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao G20 để thảo luận về các vấn đề phát triển.

Thách thức bủa vây

Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Indonesia đảm nhiệm kỳ Chủ tịch G20 khó khăn nhất trong lịch sử. Hội nghị cấp cao G20 năm 2022 diễn ra trong bối cảnh thế giới cùng lúc đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, phức tạp và khó lường. Nền kinh tế toàn cầu suy yếu, với dự báo về tăng trưởng liên tiếp bị điều chỉnh giảm. Bên cạnh tác động lâu dài của đại dịch Covid-19, thế giới đương đầu rủi ro ngày một tăng từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng giá lương thực và năng lượng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị leo thang.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, lạm phát toàn cầu năm 2022 có thể lên mức 8,8%, tăng vọt so với con số 4,7% của năm 2021, mà nguyên nhân chủ yếu là tác động tổng hợp từ các yếu tố liên quan tới nhau, gồm đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột leo thang tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục. Ðể khống chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, song bước đi này được cảnh báo kéo theo nguy cơ chực chờ về một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu. Do bất đồng chung quanh xung đột tại Ukraine, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 hồi tháng 7 đã không thể ra tuyên bố chung, liên quan vấn đề lạm phát, thiếu hụt lương thực và nguồn cung toàn cầu, cũng như tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

G20 là diễn đàn hợp tác của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, đại diện cho hơn 80% GDP, 75% kim ngạch xuất nhập khẩu và 60% dân số toàn cầu. Ðược thành lập năm 1999, G20 ra đời nhằm thúc đẩy các biện pháp giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 1997-1998, tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý rằng, Hội nghị cấp cao G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt thảm họa khí hậu nghiêm trọng. Theo lãnh đạo Liên hợp quốc, các nền kinh tế thành viên G20 gây ra tới 80% lượng khí thải toàn cầu, do đó cần có trách nhiệm đi đầu trong các nỗ lực giảm khí thải. Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc G20 gia hạn và mở rộng phạm vi Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI), để nhiều nước đang phát triển, vốn không đủ khả năng trả nợ, có thêm nguồn lực và thời gian cân đối các mối ưu tiên về phát triển, bắt kịp xu thế toàn cầu như giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng.

Phát biểu tại họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngay trước thềm Hội nghị cấp cao G20, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cho rằng, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế G20 sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đạt được nhất trí về các vấn đề toàn cầu, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine. Cùng chung quan điểm này, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, G20 có thể không đạt được đột phá về các vấn đề chủ chốt, song lãnh đạo Singapore bày tỏ hy vọng các bên sẽ đạt đồng thuận về đường hướng chung cho phần lớn các vấn đề. Các vấn đề khó khăn tại Hội nghị ở Bali nổi lên là biến đổi khí hậu, an ninh và kinh tế toàn cầu, xung đột tại Ukraine.

Chất xúc tác cho phục hồi

Lựa chọn chủ đề Hội nghị cấp cao G20 năm 2022 là “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, chủ nhà Indonesia mong muốn thúc đẩy ba lĩnh vực ưu tiên, được xem là chìa khóa cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững, gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng. Chủ tịch G20 tin rằng, sự phục hồi mang lại lợi ích không chỉ cho các thành viên G20, mà cả các nước đang phát triển, các quốc đảo nhỏ và các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, Indonesia hướng sự quan tâm của các cuộc thảo luận tại Hội nghị tới các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và khu vực Nam Mỹ, cũng như các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Caribe.

Ðại dịch Covid-19 chưa kết thúc, vì vậy theo các chuyên gia y tế, việc thực hiện đầy đủ chiến lược tiêm chủng toàn cầu vẫn là ưu tiên hàng đầu, đồng thời cần khẩn trương thu hẹp khoảng cách tài trợ và tăng cường năng lực phân phối cũng như quản lý vắc-xin của các nước đang phát triển. Các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu đòi hỏi phản ứng đa phương và đa ngành mạnh mẽ. Những khó khăn mà thế giới phải trải qua trong thời kỳ đại dịch cho thấy, cấu trúc y tế toàn cầu cần được củng cố, chuẩn bị ứng phó tốt hơn các cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể xảy đến trong tương lai.

Chuyển đổi số là một trong những giải pháp then chốt đưa các nền kinh tế chuyển mình trong đại dịch và trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, tiến trình số hóa đang diễn ra nhanh hơn so với khả năng thích ứng của các chính phủ, nhất là ở nhiều quốc gia đang phát triển. Bất bình đẳng kỹ thuật số sẽ kéo theo bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở quy mô lớn hơn. Vì lý do này, G20 tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và hiểu biết về kỹ thuật số, để bảo đảm tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra một cách toàn diện, đa chiều, bao gồm các khía cạnh công nghệ, kinh tế, giáo dục và xã hội.

Chuyển đổi năng lượng là một trong những nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Trên cương vị Chủ tịch G20, Indonesia đẩy nhanh thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng, trong đó việc ngừng hoạt động của các nhà máy điện than là ưu tiên hàng đầu. Indonesia cũng tích cực thúc đẩy các bên thiết lập mối quan hệ đối tác năng lượng sạch, giúp các quốc gia đang phát triển thu hút hàng tỷ USD tài trợ quốc tế nhằm giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh và cân bằng.

Nhiều vấn đề nóng đang phủ bóng đen, song Hội nghị cấp cao G20 tại Bali ghi nhận những tín hiệu tích cực từ những nỗ lực của các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong ứng phó thách thức toàn cầu. Sự ra đời của Liên minh tài chính hỗn hợp toàn cầu (GBF), Quỹ phòng đại dịch, Cơ quan hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 (ACT-A), cùng hàng loạt cam kết mới về ứng phó biến đổi khí hậu trong khuôn khổ hội nghị lần này được đánh giá là những bước tiến quan trọng trong nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa các thành viên G20. Cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden được quan tâm đặc biệt. Trong quan hệ hai nước còn tồn tại những khúc mắc, song các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí duy trì đối thoại, hợp tác trong những vấn đề cấp bách toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ tin tưởng, giải pháp duy nhất để đối phó các thách thức toàn cầu là cùng nhau hợp tác. Tổng thống Widodo nhấn mạnh, thế giới kỳ vọng G20 là chất xúc tác thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu và thành công của Hội nghị tại Bali là trách nhiệm chung của tất cả các thành viên G20.

Theo Báo Nhân Dân/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/the-gioi/nhung-ky-vong-tai-g20/172886.htm

 

Các tin khác:
  • Không thể phủ nhận tự do internet ở Việt Nam (15/11/2022-11:41)
  • Hiệu quả bước đầu từ sản xuất nông nghiệp thông minh (15/11/2022-11:36)
  • Bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước (14/11/2022-10:14)
  • Nhiều “bí mật” có nguy cơ lộ lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử (11/11/2022-16:26)
  • Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc, làm theo báo, tạp chí của Đảng (10/11/2022-11:13)
  • Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam: Xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội (09/11/2022-10:41)
  • Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định, thông báo của Trung ương và kết luận, kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng (09/11/2022-10:32)
  • Nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp thăm chính thức Vương quốc Campuchia: Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt (07/11/2022-17:04)
  • Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT: "Thách thức" lớn trong khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia (04/11/2022-12:40)
  • Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu (04/11/2022-11:35)