Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiến hành định danh người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài.
Vì sao tin giả có nguồn "đất sống" dồi dào?
Nội dung thông tin trên các trang mạng, trang thông tin điện tử, nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Thứ nhất từ tổ chức, cá nhân trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ TT&TT cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Thứ hai từ các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt, cũng như từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook, Youtube, TikTok là các mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Theo đại diện Bộ TT&TT, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.
Tin giả, thông tin xấu độc phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm, nên những thông tin vi phạm pháp luật này tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Bên cạnh đó, việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu độc còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến nghệ thuật, văn hóa…
Việc thiếu sự chủ động trong công tác phối hợp phát hiện, xác minh nội dung vi phạm giữa các bộ, ngành, địa phương gây mất nhiều thời gian. Nhiều thông tin không được kịp thời xác minh, dẫn đến một số tin giả, thông tin sai sự thật được phát tán, lan truyền rộng rãi.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn kịp thời nguồn thông tin vi phạm, cũng như xử lý nghiêm các đối tượng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ TT&TT, khó khăn hiện nay trong việc xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ. Việc các cơ quan chức năng có liên quan xác minh và cung cấp thông tin càng chậm là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những tổ chức, cá nhân.
Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng như livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, phát tán nhanh, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất thời gian. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp thường rất ít phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng hoặc khởi kiện theo quy định dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý vi phạm.
Sẽ định danh người dùng mạng xã hội
Theo TS Đỗ Anh Đức - Trưởng bộ môn đa phương tiện - Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), tin giả là tin ẩn danh nhưng có thể bằng các biện pháp nghiệp vụ để truy ra nguồn gốc tung tin, và những người phát tán nó. Đã có nhiều trường hợp kẻ tung tin giả và người phát tán bị xử lý. Vấn đề là với một không gian rộng lớn như mạng xã hội, hàng ngày có không biết bao nhiêu thứ thông tin được đẩy ra, trong đó có không ít tin giả, thì sẽ khó cho lực lượng an ninh mạng để theo dõi, truy dấu và xử lý".
TS Đỗ Anh Đức cho biết, để xử lý một trường hợp tung tin giả hoặc phát tán tin giả trên mạng xã hội không đơn giản, đòi hỏi thời gian, lập vi bằng, tập hợp hồ sơ, chứng cứ. Cho nên thường chúng ta thấy các vụ việc nghiêm trọng, liên quan đến an ninh chính trị hoặc gây bức xúc dư luận, nổi cộm thì sẽ được ưu tiên xử lý. Nhưng đó chưa phải là tất cả, còn rất nhiều tin giả trôi nổi tràn lan, mà có thể mức độ gây hại tới cộng đồng không nghiêm trọng bằng.
Tin giả gần là thứ cỏ dại phát sinh trên không gian rộng lớn, không giới hạn của mạng xã hội. Tất cả các biện pháp, chế tài là cần thiết, nhưng tất nhiên chúng ta cố gắng hạn chế, kiểm soát, tránh để cho tin giả lây lan và gây hại. Còn để nói rằng xóa bỏ nạn tin giả thì không dễ.
"Gần đây, Bộ TT&TT cũng đang biên soạn cẩm nang nhận diện và phòng chống tin giả - đó là điều cần thiết. Nhưng tôi muốn nói đến vai trò của cộng đồng, không có gì hơn là sức mạnh từ sự tự giác của cộng đồng. Muốn vậy, cần truyền thông để những người sử dụng mạng xã hội hiểu rằng, ngăn chặn tin giả không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là ứng xử văn minh và khôn ngoan của chính chúng ta, vì ai cũng có tiềm năng trở thành nạn nhân của tin giả bất cứ lúc nào", TS Đỗ Anh Đức nhận định.
Theo đại diện Bộ TT&TT, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp nhằm quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng. Đặc biệt, sẽ tiến hành định danh người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài.
Vừa qua, tại phiên chất vấn ở Quốc hội, trả lời các chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) và Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) về các giải pháp căn cơ, hiệu quả trong cuộc chiến chống tin giả, tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các thông tin xấu giống như không khí, khi tin xấu lan tỏa nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Việc ngăn chặn thông tin xấu độc có nhiều khó khăn khi lực lượng chuyên trách là Bộ TT&TT, Bộ Công an còn mỏng. Trong khi một người Việt Nam hiện có nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội.
“Chúng ta đã nâng tầm xử lý tin giả từ mức Thông tư lên Nghị định. Trong đó, quy định rõ hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian mà nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật xấu độc từ 48 tiếng xuống 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt là trong 3 tiếng”, Bộ trưởng nói.
Mức phạt về đưa thông tin giả ở Việt Nam đã tăng lên 3 lần nhưng chỉ bằng khoảng 1/10 so với các nước ASEAN. Do đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất cũng ngang bằng mức trung bình của các nước trong khu vực.
Về giải pháp căn cơ, việc quản lý ở thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng cũng phải như vậy. Các Bộ, ngành, địa phương quản lý lĩnh vực nào thì sang không gian mạng cũng phải quản lý thông tin đó. Sau đó là các doanh nghiệp, nhà trường, thậm chí từng gia đình. Chỉ khi toàn bộ xã hội vào cuộc, chúng ta mới giải quyết được căn cơ các vấn đề trên không gian mạng.
Bộ TT&TT đã đề xuất Bộ GD&ĐT đưa thông tin kỹ năng số vào đào tạo từ sớm để tạo ra sức đề kháng trên mạng. Bộ cũng có hệ thống giám sát thông tin mạng quốc gia nhằm chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu độc, sau đó mới đến câu chuyện toàn dân tham gia ngăn chặn, chống lại thông tin giả mạo, xấu độc. “Chúng tôi cho rằng không gian mạng của chúng ta, vì vậy mỗi chúng ta cần có trách nhiệm làm không gian đó lành mạnh”, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Phan Hoài Giang/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/xu-ly-tin-gia-quyet-liet-dinh-danh-nhung-an-danh-xa-rac-tren-khong-gian-mang-post220531.html