Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Hàng giả, hàng nhái tràn ngập mạng xã hội: Sẽ thanh tra diện rộng! (17/11/2022-16:27)
    Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thuốc thực phẩm chức năng được chào bán một cách công khai, liều lĩnh trên các nền tảng mạng xã hội đang là một vấn nạn nhức nhối, cần sự phối hợp vào cuộc của cơ quan chức năng để siết chặt và xử lý nghiêm.

 Nhiều video clip của các cơ quan báo chí, truyền hình bị ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép để phục vụ quảng cáo sản phẩm.

Thản nhiên quảng cáo công khai

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 được dự báo có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nóng đó, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới đang ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.

Quần áo, nước hoa, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… được làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều được quảng cáo, rao bán tràn ngập như ma trận với giá rẻ không tưởng trên các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội.

Chỉ cần một tài khoản hợp lệ và đăng ký quảng cáo, người dùng dễ dàng trở thành đại lý bán hàng, tiếp cận hàng chục nghìn người mỗi ngày. Hầu hết các sản phẩm đủ loại “thượng vàng hạ cám” bán qua livestream đều được quảng cáo là “siêu rẻ”, “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”. Rất nhiều người đã không khỏi thất vọng khi quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo.

Các thủ đoạn thường thấy là lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); thuê một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Đặc biệt không ít bài báo, video clip… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam bị các đối tượng ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên trên các nền tảng Youtube, Facebook để trục lợi, gây ảnh hưởng uy tín nặng nề cho các đơn vị này.

Theo một thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 50% liên quan đến việc giao dịch mua bán trên các trang mạng, bao gồm các hiện tượng bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán không có chứng từ hóa đơn.

Các trang mạng vi phạm đã quảng cáo sai sự thật, và gây hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng…Nhiều hiện tượng các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử không có địa điểm kho hàng cố định, chỉ thông tin giao dịch và bán hàng cho khách, sau đó có thể đánh sập mạng để xóa dấu vết.

Mới đây, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang là vấn đề nhức nhối. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây những quảng cáo chỉ có duy nhất trên các phương tiện thông tin của các cơ quan báo chí, tức là báo, tạp chí, các đài truyền hình mới được phép quảng cáo. Quy định cơ bản của luật pháp Việt Nam là các cơ quan này phải rà soát và đảm bảo những quảng cáo đấy thực hiện đúng, bài bản. Khi đó, cơ bản những cơ quan báo chí này thực hiện tốt. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 2 năm qua, thêm một vấn đề gây nhức nhối nữa là quảng cáo Adwords. Theo đó, các báo điện tử, trang thông tin điện tử có bán khoảng trống trên trang nhất cho các công ty nước ngoài đưa vào đó những nội dung quảng cáo. Các cơ quan báo chí gần như buông toàn bộ để mặc doanh nghiệp muốn đưa vào đó cái gì cũng được, bỏ đi phần chịu trách nhiệm.

Nan giải trong xử lý

Sự bùng nổ internet trong những năm gần đây khiến việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên rất nhiều thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử 

Các đối tượng này cũng sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến, đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng và lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hành lang pháp lý cho việc xử lý tình trạng quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, khó khăn của việc phát hiện và xử lý là cần sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban, ngành. Vì vậy khi nói đến trách nhiệm thuộc về ai sẽ rất khó để trả lời câu hỏi đó.

Theo ông Sơn, để quản lý trên mạng xã hội, Bộ TT&TT cần bổ sung thêm Nghị định dưới luật nâng mức xử phạt lên cao. Đồng thời lập chủ trương rà soát, truy vết và đưa ra xử lý thật nghiêm một số trường hợp vi phạm điển hình mang tính răn đe chung cho cả thị trường buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội.

"Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan báo chí để lên chương trình chung tay chống vấn nạn quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả hàng nhái đang hoành hành trên mạng xã hội", ông Sơn khẳng định.

Liên quan đến việc quảng cáo không phù hợp trên các báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện chưa có công cụ để tự động phát hiện ra các sai phạm này. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp.

Vừa qua Bộ TT&TT đã sửa văn bản, Nghị định và có sự thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan truyền thông. Về cơ bản các trang tin, tạp chí, báo điện tử đã ý thức được việc này và vấn đề quảng cáo sai trên các đơn vị này được quản lý lại tương đối tốt. Vấn đề hiện nay chủ yếu xảy ra ở các nền tảng trên thế giới như trên Facebook, Youtube, TikTok... có rất nhiều quảng cáo sai sự thật.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết sẽ thanh tra trên diện rộng các nền tảng xuyên biên giới về hoạt động quảng cáo. Những thông tin sai sự thật hay quảng cáo thực phẩm chức năng thuộc lĩnh vực các Bộ chuyên ngành thì phải xác minh xem đúng hay chưa. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị bộ, ngành, địa phương cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới trong thẩm quyền.

Theo Phan Hoài Giang/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/hang-gia-hang-nhai-tran-ngap-mang-xa-hoi-se-thanh-tra-dien-rong-post222677.html

 

Các tin khác:
  • Báo chí đa kênh, đa nền tảng - sự linh hoạt trong tiếp cận công chúng (14/11/2022-10:21)
  • Tạm giam một số đối tượng xưng là nhà báo cưỡng đoạt tài sản (10/11/2022-10:57)
  • "Ô nhiễm" mạng xã hội - giải pháp nào lành mạnh hóa môi trường mạng? (09/11/2022-10:51)
  • Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu làm rõ việc đe dọa, hủy hoại giấy giới thiệu phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (09/11/2022-10:26)
  • Camera và sự tường minh (08/11/2022-11:26)
  • Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022 đề xuất 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất (08/11/2022-11:07)
  • Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đoạt giải ba, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII (06/11/2022-19:34)
  • Để nhà báo vượt qua thử thách “khó, khô, khổ” khi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (04/11/2022-12:44)
  • Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của báo Người Lao Động đến với đồng bào huyện Đồng Văn (Hà Giang) (03/11/2022-11:08)
  • Kiến nghị xử lý 23 trang Fanpage và 33 kênh Youtube mạo danh Đài Truyền hình Việt Nam (02/11/2022-9:05)