Kinh tế - xã hội Việt Nam đã có bước phục hồi ấn tượng sau đại dịch, nhưng chúng ta vẫn đối mặt với những vấn đề nội tại và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới hiện hữu...
Ngày 9/11/2022, UBND huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk tổ chức “Lễ xuất khẩu container Mắc ca Krông Năng chính ngạch đầu tiên qua thị trường Nhật Bản”. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ước cả năm 2022 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn… Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, ước cả năm đạt khoảng 8% (so với mục tiêu 6 - 6,5%). Với bước đà như vậy, Quốc hội đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%.
Sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 cũng được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Trên tờ Wall Street Journal (Mỹ), Việt Nam được đánh giá là đang vượt xa phần còn lại của châu Á nhờ tăng trưởng kinh tế “thần tốc”, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt. Tờ báo này viết: “Những gì Việt Nam làm được đang là điều mà nhiều quốc gia khác mong muốn mà chưa làm được, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, nhiều biến động”…
Sự thực là Việt Nam đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh song hành với thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống dần trở lại nhịp độ bình thường. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chênh vênh bên bờ vực suy thoái giữa những xung đột an ninh, chính trị, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn và tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam có thể được xem là một điểm sáng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Có được kết quả trên là nhờ Chính phủ đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn. Đặc biệt, Đảng ta đã sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn và thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa bảo đảm an sinh xã hội theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Giữa bộn bề khó khăn, thách thức về mọi mặt nhưng cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng không vì thế mà ngừng nghỉ, tiếp tục vạch mặt các quan tham trục lợi trên nỗi đau của đồng bào, liên quan đến vụ án Việt Á, vụ án “chuyến bay giải cứu”… Nhiều đại gia, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lũng đoạn thị trường, tưởng như khó có thể đụng chạm đến như trường hợp Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng cuối cùng cũng bị khởi tố, điều tra. Chính những điều này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ, củng cố niềm tin và khích lệ những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính về nỗ lực lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hàng loạt hoạt động ngoại giao “cây tre” gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước càng tạo thêm hành lang cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn hậu COVID-19. Trong đó, chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là hình ảnh tiêu biểu, vừa cho thấy sự tôn trọng, cởi mở, vừa tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam, góp phần tạo dựng môi trường chính trị ổn định, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Trong các đánh giá gần đây, nền tảng ổn định chính trị của Việt Nam luôn được coi là một yếu tố hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự kiên định mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển và những kết quả không thể phủ nhận đạt được vừa qua, cũng chính là lời đáp trả đanh thép nhất đối với các thế lực thù địch vẫn ngày đêm âm mưu phá hoại, rình rập “chọc gậy bánh xe” nhằm cản bước tiến của đất nước ta.
Mặc dù vậy, về mặt chủ quan, chúng ta không được phép say sưa với thành công đạt được trước những diễn biến bất ngờ, khó lường của tình hình quốc tế nói chung và kinh tế thế giới nói riêng. Chúng ta cần phải chuẩn bị các giải pháp chính sách kinh tế linh hoạt ứng phó với những dự báo xấu hơn của năm 2023 - năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Điều này là thực sự cần thiết vì kinh tế Việt Nam vẫn chưa phục hồi đầy đủ, trong lúc nhiều thị trường chính của chúng ta vẫn đang chìm trong khủng hoảng.
Đặc biệt, chúng ta cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh tế - xã hội sau những bất cập, lúng túng gần đây trên thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, xăng dầu... Đây đều là những vấn đề mới nảy sinh, cần phải được nghiên cứu và tháo gỡ phù hợp. Cũng có những bất cập, yếu kém cần phải được quy trách nhiệm rõ ràng. Tâm lý đủng đỉnh, vô cảm, sợ sai, “đá bóng” trách nhiệm… cần phải được loại bỏ. “Ai không dám làm thì xin nghỉ, đứng sang một bên” - đó chính là quyết tâm mạnh mẽ, cứng rắn của người đứng đầu Chính phủ nhằm chỉnh đốn kỷ luật, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khó khăn hơn hiện nay.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com