Phát triển báo chí đa kênh, ứng dụng công nghệ trong truyền hình tương tác (24/11/2022-14:58)
Nhà báo Hoàng Lâm- Trưởng ban Thư ký Toà soạn Báo Lao Động có những chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận về việc phát triển báo chí đa kênh, ứng dụng công nghệ, phát triển truyền hình tương tác của tờ báo trong giai đoạn hiện nay.
Nhà báo Hoàng Lâm.
“Tinh thần chủ đạo của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình tác nghiệp, sản xuất và xuất bản nội dung tại Báo Lao Động là: “Chuyển đổi số phải phục vụ thực tế sản xuất, xuất bản và đổi mới liên tục của báo”; “Công nghệ phải đón đầu và theo kịp xu hướng phát triển của báo chí thế giới””, nhà báo Hoàng Lâm - Trưởng ban Thư ký Toà soạn Báo Lao Động chia sẻ về việc phát triển báo chí đa kênh, ứng dụng công nghệ, phát triển truyền hình tương tác của tờ báo trong giai đoạn hiện nay.
Tạo khác biệt từ nhu cầu của công chúng
Phát triển báo chí đa kênh của Báo Lao Động, đặc biệt là trong việc xây dựng truyền hình có tính tương tác, nhà báo Hoàng Lâm cho biết, Báo Lao Động từ lâu đã tìm cách thoát khỏi mác báo in, mày mò phát triển báo điện tử, làm video clip, dần dần phát triển Podcast, áp dụng AI, có fanpage… Việc đưa nội dung lên các nền tảng là không quá khó mà đưa cái gì lên mới là quan trọng. “Với truyền hình tôi đã nghĩ mình cần làm gì để khác biệt với VTV, với Truyền hình Nhân Dân” - nhà báo Hoàng Lâm nhấn mạnh.
Trên thực tế, để tạo sự khác biệt, tờ báo cũng trải qua không ít những khó khăn, thách thức giai đoạn ban đầu. Báo Lao Động đến nay đã hơn 93 năm phát triển. Về báo điện tử, Lao Động cũng là một trong những báo phát triển đầu tiên khi ra mắt Báo Lao Động điện tử năm 1999. Tuy nhiên trong một thời gian dài, báo vẫn loay hoay trong việc phát triển cân bằng giữa báo giấy truyền thống và điện tử. Cho đến năm 2016, định hướng chung của toà soạn là: giữ ổn định báo in và tập trung nguồn lực phát triển báo điện tử, trong đó trọng tâm là Media, phát triển mảng truyền hình. Mục tiêu này được triển khai từng bước, đầu tiên là thay đổi mô hình toà soạn.
Trước đây, Báo Lao Động có Ban điện tử, từ năm 2016 nâng cấp lên thành Trung tâm truyền thông đa phương tiện với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất nội dung theo mô hình media hoá, chuyên sản xuất các định dạng như infographic, interative, long-form, video và phóng sự truyền hình. Thứ hai, là thay đổi tư duy đối với phóng viên và lãnh đạo báo theo xu hướng lấy bạn đọc là trung tâm.
Nhà báo Hoàng Lâm chia sẻ: “Chúng tôi xác định: Một tác phẩm báo chí có khả năng thu hút sự theo dõi của độc giả từ đầu đến cuối vẫn chưa đủ. Độc giả còn cần những dữ liệu, những bài viết liên quan được liệt kê, xâu chuỗi trong một giao diện hợp lý, dễ tiếp cận. Họ muốn có các công cụ tương tác để thể hiện sự quan tâm cũng như quan điểm của họ về vấn đề mà người sản xuất nội dung cung cấp. Nếu một tờ báo không thoả mãn được nhu cầu đó, họ sẽ tìm ở nơi khác. Một sản phẩm báo chí hiện đại nếu không tạo ra được ấn tượng thị giác, thính giác; không kích thích được hành động tương tác để giữ chân độc giả; không có các hình thức thể hiện đa dạng, hợp xu hướng; không có các thông tin đơn nhất và cấu trúc dữ liệu khoa học, chắc chắn sẽ bị chìm lấp giữa biển thông tin trên không gian mạng”.
Bên cạnh đó, đối với phóng viên, Chi hội nhà báo Báo Lao động cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nhấn mạnh các nội dung như: người làm báo điện tử sẽ có tư duy hoàn toàn mới để làm tin tức, hoặc phân tích chuyên sâu hơn, hoặc phỏng vấn đa dạng và hình thức thể hiện sẽ tận dụng tối đa phương tiện truyền thông. Báo điện tử sử dụng rất nhiều video, infographic, các định dạng âm thanh, thậm chí còn giao lưu trực tuyến, tương tác trực tiếp với bạn đọc. Định dạng của báo điện tử cũng khác hoàn toàn so với truyền thống, xuất hiện nhiều loại hình chưa từng có trước đó: infographic, long-form, giao lưu trực tuyến, khảo sát ý kiến, hiện thực ảo,...
Phương thức đưa tin cũng hoàn toàn khác với các thiết bị ngày càng nhỏ gọn. Không cần máy móc và xe cộ cồng kềnh, phóng viên có thể tác nghiệp chỉ với một chiếc điện thoại di động, hình ảnh trực tiếp từ hiện trường gửi về nhanh chóng, sinh động. Các góc hình ảnh cũng khác hoàn toàn nhờ công nghệ thiết bị hiện đại như máy quay Flycam, thiết bị quay phim nhỏ gọn, bí mật,... giúp phóng viên có thể len lỏi đưa những thông tin từ nhiều góc nhìn.
Khi công nghệ được áp dụng triệt để
Một trong những điểm quan trọng mà nhà báo Hoàng Lâm chia sẻ đó là áp dụng công nghệ trong tòa soạn. Ông phân tích: Tại Báo Lao Động, cùng với việc trang bị hệ thống truyền tin trực tiếp từ hiện trường theo chuẩn HEVC - công nghệ mã hoá, truyền dẫn video mới nhất của thế giới ở thời điểm hiện tại, phóng viên của báo có thể sử dụng camera chuyên dụng hoặc điện thoại thông minh, tường thuật trực tiếp hình ảnh chất lượng cao từ hiện trường về toà soạn thông qua mạng viễn thông di động để biên tập, kiểm duyệt và xuất bản trực tiếp trên các kênh phân phối nội dung đa phương tiện của báo. Quá trình này được thực hiện theo một quy trình đơn giản, gọn nhẹ; giúp tiết giảm tối đa chi phí vận hành vì không cần tới một ê-kíp hùng hậu hay phải thuê băng thông truyền dẫn lớn như tại các đài truyền hình. Đây cũng là giải pháp truyền dẫn giúp báo có thể thực hiện các bản tin truyền hình dạng breaking news (tin nóng) chất lượng cao trực tiếp từ hiện trường để đảm bảo tốc độ cạnh tranh thông tin trong các sự kiện nóng so với các báo đài khác tại Việt Nam trong thời gian tới.
Báo Lao Động cũng là đơn vị đi tiên phong tại Việt Nam trong việc thiết lập mạng sản xuất - phân phối hình ảnh NDI, tích hợp trực tiếp vào trường quay đa phương tiện. Với mạng sản xuất NDI, báo có thể dễ dàng đồng bộ tín hiệu hình ảnh giữa trường quay trung tâm đặt tại toà soạn và trường quay đặt tại các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện với chi phí băng thông truyền dẫn thấp. Từ mạng sản xuất này, phóng viên của báo có thể dễ dàng thực hiện các chương trình cầu truyền hình chất lượng cao; dễ dàng kết nối tín hiệu, ghi âm, ghi hình từ xa với nhân vật khách mời phỏng vấn ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới thông qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh để phục vụ cho các bản tin video và podcast hằng ngày.
Mạng sản xuất NDI là nền tảng để báo có thể tích hợp các công cụ điều khiển tự động hoá nhằm rút ngắn quy trình, giảm thiểu chi phí nhân sự vận hành trường quay; tích hợp các công cụ ảo hoá, mô phỏng dữ liệu thành các hình ảnh trực quan, các hiệu ứng hình ảnh thực tế ảo tăng cường; tích hợp các công cụ xuất bản video trực tiếp đa nền tảng và các định dạng thông tin, định dạng dữ liệu tương tác cho các sản phẩm đa phương tiện tổng hợp (visual story, interactive graphic…)…
Ngoài ra, đón đầu các xu hướng công nghệ mới, việc thiết lập mạng sản xuất - xuất bản đa phương tiện dựa trên nền tảng kết nối IP là điều kiện quan trọng để tích hợp các giải pháp phân phối gói nội dung thu phí; các giải pháp phân tích dữ liệu nhân khẩu học và hành vi độc giả, điều phối luồng tín hiệu phục vụ mô hình xuất bản thông tin kết hợp với thương mại điện tử và các sự kiện trực tiếp hoặc sự kiện ảo mô phỏng không gian 3 chiều thực tế ảo tăng cường để phục vụ các mô hình kinh tế truyền thông mới…
Đặc biệt nhà báo Hoàng Lâm cũng cho biết, trong thời gian gần đây, Lao Động có một hướng đi mới, đó là xây dựng báo chí tương tác, trong đó truyền hình tương tác nằm trong hệ sinh thái nội dung tăng sức cạnh tranh để chiếm lĩnh độc giả; đồng thời cũng mở ra những cơ hội đổi mới phương thức hoạt động, định hướng nội dung và mô hình kinh doanh dựa trên sức mạnh của những cộng đồng phi tập trung trên không gian mạng.
“Chúng tôi xác định đặt độc giả vào vị trí trung tâm và coi đó là một bộ phận quan trọng tham gia vào hệ sinh thái, cùng đồng hành tạo các giá trị cốt lõi của mình trong quá trình sản xuất, phân phối và lan truyền các sản phẩm tin tức kỹ thuật số” – nhà báo Hoàng Lâm chia sẻ.
Ngoài ra, song song với công nghệ, việc tổ chức nội dung cũng được định vị lại theo hướng gia tăng các sản phẩm mà độc giả có thể tham gia vào bằng cách cá nhân hóa, tái tạo lại sản phẩm đó; có thể bày tỏ ý kiến, cảm xúc; hoặc có thể tham gia đóng góp, bổ sung thông tin để tạo thành các mảnh ghép của một câu chuyện hoàn chỉnh… Nhà báo Hoàng Lâm ví dụ cụ thể: “Chúng tôi làm chương trình giải đáp đề thi, đặc biệt giải đáp pháp luật giao thông đường bộ, thi bằng lái bằng cách bạn đọc có thể chọn các đáp án như một trò chơi rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ đây sẽ là hướng đi lâu dài bởi bạn đọc của Lao Động quan tâm đến câu chuyện giải đáp chính sách liên quan đến người lao động. Khi chuyển hóa những vấn đề này sang trạng thái nhẹ nhàng hơn thì hiệu quả tác động sẽ tốt hơn”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com