Học sinh Trường TH và THCS Đông Thịnh, Đông Sơn tham gia ngày hội đọc sách.
Từ “hàng rào kỹ thuật” pháp lý...
Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (vào năm 1990) - văn bản pháp lý với những tiêu chuẩn cơ bản mang tính toàn cầu về một tuổi thơ tốt đẹp, mạnh khỏe và được bảo vệ. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Trẻ em được đánh giá là một bước đột phá trong việc thể chế hóa các quy định nhằm bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bạo lực và xâm hại. Cùng với đó, quyền trẻ em được quy định trong các Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực vào ngày 1-1-2018) đã quy định rõ các chế tài xử lý và khung hình phạt cao nhất đối với các hành vi bạo lực, xâm hại và phạm tội với trẻ em... Ngoài ra, còn nhiều văn bản pháp lý liên quan cũng đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng, sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện và đi vào thực tiễn cuộc sống. Điều đó cho thấy, sự hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ và hài hòa với pháp luật quốc tế của hệ thống pháp luật về quyền trẻ em ở Việt Nam, đã và đang tạo ra hành lang pháp lý hay dựng lên “hàng rào kỹ thuật” dày dặn, nhằm bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đi đúng hướng, đạt mục tiêu là thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.
Để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là Luật Trẻ em; bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em. Đồng thời, có nhiều hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ bị xâm hại tình dục; từng bước đưa nội dung giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi vào trường học, để trang bị kiến thức bảo vệ bản thân cho học sinh cũng như giúp các em có kỹ năng ứng phó với những tình huống bất thường... Điển hình như Công an tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Kế hoạch 506 về “Phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm phát luật liên quan đến người dưới 18 tuổi”. Theo đó, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh; ngành chức năng đã tập trung điều tra, xử lý 100% vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện, tố cáo để đưa ra xét xử nghiêm minh.
Tuy nhiên, hoàn thiện pháp luật mới chỉ là điều kiện cần, còn thực thi hiệu quả pháp luật mới là điều kiện đủ để dựng lên hàng rào bảo vệ trẻ em trước những mối nguy và hành vi xâm hại. Bởi thực tế cho thấy, việc thực thi pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Chia sẻ về vấn đề này, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Ngà, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, cho biết: Trong quá trình bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là việc tìm ra căn nguyên và hành vi xâm hại, vì đặc điểm xảy ra vụ việc thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi đã được thực hiện. Đó là chưa kể, nếu sau khi phát hiện, người bị hại và gia đình họ không báo cáo kịp thời, hoặc không lưu giữ chứng cứ là vật chứng của vụ án, thì cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh, điều tra. Trên thực tế đã có một số vụ việc sau khi trẻ bị xâm hại tình dục, gia đình chậm trình báo, tố cáo nên các chứng cứ hầu như không còn (trẻ đã tắm rửa nên bộ phận sinh dục không còn lưu giữ mẫu tinh trùng, hoặc quần áo các em mặc khi bị xâm hại đã được giặt...). Do đó, đối tượng xâm hại tình dục không thừa nhận hành vi, dẫn đến thời gian xác minh, điều tra kéo dài, chưa đủ căn cứ buộc tội nghi can. Thậm chí có vụ việc thời gian xảy ra quá lâu, chứng cứ bị hủy hoại, cơ quan điều tra không thể khắc phục nên phải đình chỉ, không xử lý được đối tượng phạm tội.
... đến “tấm lá chắn” nhận thức
Để đưa người phạm tội ra ánh sáng, thì việc lên tiếng kịp thời là rất quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến bản án cuối cùng. Cách đây không lâu, vụ việc một bé gái 15 tuổi ở xã X.L (huyện X) bị em họ (34 tuổi) xâm hại tình dục. Ngay sau sự việc, L. đã về nói với mẹ để tố giác với cơ quan chức năng. Các chứng cứ sau đó được thu thập thuận lợi, đầy đủ nên vụ việc được xử lý kịp thời, kẻ có tội bị trừng trị thích đáng. Đây có lẽ là một trong số ít các vụ xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra ánh sánh trong thời gian ngắn. Không chỉ nạn nhân chủ động lên tiếng mà gia đình nạn nhân cũng không chần chừ khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Điều này cho thấy, khi bản thân người bị hại nhận thức được tác động tiêu cực đối với bản thân; đồng thời, nạn nhân tìm được sự tin tưởng, đồng cảm, thấu hiểu từ bố mẹ và sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của ngành chức năng thì các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Không chỉ nhận được sự đồng cảm từ bố mẹ, cháu L. còn nhận được sự quan tâm, động viên chia sẻ từ chính quyền địa phương, các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên. Sau khi phát hiện vụ việc, các tổ chức, đoàn thể đã thường xuyên gặp gỡ, động viên, chia sẻ với nạn nhân và gia đình. Đồng thời, tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức trong cộng đồng dân cư, nhằm xóa bỏ định kiến, mạnh dạn lên tiếng tố cáo hành vi phạm tội; phối hợp với các trường học đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục đến các hội viên và học sinh. Cũng từ vụ việc của cháu L. cho thấy, nạn nhân bị xâm hại tình dục nếu có thể gạt bỏ tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và cuộc sống gia đình để đứng lên đấu tranh thì chắc chắn cái ác sẽ bị trừng phạt.
Hội nghị tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí tổ chức.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Ngoài công tác phối hợp và sự vào cuộc trách nhiệm của các ngành chức năng, thì lên tiếng kịp thời, cung cấp thông tin chính xác của chính nạn nhân và gia đình họ là cơ sở góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Cùng với đó, các ngành chức năng phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm; đồng thời, xử lý đúng người, đúng tội, không để oan, sai, không để lọt tội phạm và quan trọng nhất phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền của trẻ em lên trên. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội, nhằm nâng cao “sức đề kháng” của cá nhân và cộng đồng trước các tệ nạn xã hội và sự suy thoái đạo đức. Thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại; mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ; đẩy mạnh truyền thông về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và đường dây nóng tiếp nhận thông tin các vấn đề về trẻ em của tỉnh (0237.8011.999)... Qua đó, giúp các tổ chức và cá nhân có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ tố giác hành vi xâm hại trẻ em; đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp và kết nối dịch vụ trợ giúp kịp thời để bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Có thể khẳng định, song song với việc hoàn thiện và thực thi hiệu quả pháp luật về quyền trẻ em, nhất quyết không được im lặng trước nỗi đau và tội ác. Chúng ta - nạn nhân, gia đình, cộng đồng - hãy cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em bị xâm hại, để các hành vi sai trái phải chịu sự trừng trị của pháp luật và để những số phận bất hạnh được một lần nữa sống tươi sáng dưới ánh mặt trời.
(Tên nhân vật và địa danh trong bài đã thay đổi).
Theo Nhóm Phóng viên CTXH/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phong-chong-xam-hai-tinh-duc-tre-em-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-bai-cuoi-len-tieng-vi-tuong-lai-con-tre/173663.htm