Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Thi Uyên - VOV: Sức sống của con người sau dịch COVID-19 giống như một phép màu (09/12/2022-12:50)
    Nữ nhà báo trẻ Thi Uyên đã có những chia sẻ về tác phẩm “Con hẻm nhỏ” của chị vừa giành giải Xuất sắc hạng mục Truyền thông số - giải thưởng hằng năm của Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU).

 Nhà báo Thi Uyên phát biểu tại lễ trao giải.

 

“Không phải từ một “cái cây chết” trở thành một “cây vĩ đại” mà là một cây héo uá, một cây bị chặt nhưng vẫn vươn mầm. Bên cạnh sự tổn thương, con người vẫn có thể phục hồi, vươn lên với khát khao sống thật mạnh mẽ…” - Nữ nhà báo trẻ Thi Uyên đầy cảm xúc khi chia sẻ về tác phẩm “Con hẻm nhỏ” vừa giành giải Xuất sắc hạng mục Truyền thông số - giải thưởng hằng năm của Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU).

Những chiếc mầm mọc ra…

+Thi Uyên mới vào nghề được hơn 2 năm, là một trong số những phóng viên của Đài tình nguyện tham gia tác nghiệp tại “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh cách đây hơn một năm. Trở lại với nơi này sau khi dịch COVID-19 đi qua, trong chị đã nhen nhóm ý tưởng về “con hẻm nhỏ” như thế nào?

- Lần đầu tiên, tôi tác nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh là vào tháng 9/2021, thời điểm mà dịch COVID-19 đang bùng phát. Sau khi dịch COVID-19 qua đi, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi, phục hồi về kinh tế, phục hồi về nhịp sống bình thường và điều mà ít được nhắc đến đó là phục hồi về tâm lý sau dịch để tiếp tục sống. Tâm lý ở đây được thể hiện bằng những thứ cụ thể, đó là những số phận, những câu chuyện của những con người đã trải qua những mất mát thực tế. Khi được giao nhiệm vụ lên đề cương bài viết tham dự giải ABU năm 2022, với chủ đề “Resilience” (Phục hồi), tôi đã nhớ ngay đến những câu chuyện mình đã gặp trong chuyến công tác đặc biệt đó. Cuộc sống của những con người trong con hẻm này sau hơn nửa năm dịch COVID-19 qua đi đã thay đổi như thế nào? Họ có phục hồi được không? Và đó là ý tưởng đầu tiên được nhen nhóm để tác phẩm “Con hẻm nhỏ” ra đời. Để rồi, tôi đã trở lại, gặp lại các gia đình trong con hẻm này sau 8 tháng, kể tiếp câu chuyện về họ…

+  Uyên từng nói rằng, trong thời điểm dịch bệnh, Uyên có tham gia giúp đỡ một số gia đình trong con hẻm này liên quan đến các hỗ trợ về chính sách, kết nối một số hoạt động thiện nguyện…Trở lại với những con người đã từng gặp như một cơ duyên ấy, công chúng hiểu thêm được gì ngoài những mất mát, đau thương mà dịch bệnh mang tới?

-Tác phẩm có nội dung chính gồm 4 phần. Phần thứ nhất là về câu chuyện về chú Hai Minh. Chú Hai Minh có vợ mắc COVID-19 và mất tại nhà. Câu chuyện thứ hai là về chị Hậu, chị Hậu có em gái mắc COVID-19 và mất tại khu cách ly tập trung. Câu chuyện thứ ba là về bé Thiên Quân, cậu bé trở thành trẻ mồ côi do bố mất trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng nhưng không phải vì bệnh COVID- 19 mà là vì bệnh khác. Phần 4 - “Sống tiếp” là sự phục hồi, tiếp tục cuộc sống sau những biến cố của các nhân vật…

Thông điệp tôi muốn đưa ra trong câu chuyện này một phần là đề cập đến các số phận, câu chuyện của các nhân vật trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phần 4 - “Sống tiếp” là thông điệp chính nhất của “Con hẻm nhỏ”, về sức sống mãnh liệt của con người. Không phải từ một “cái cây chết” trở thành một “cây vĩ đại” mà nó là một cây héo úa, một cây bị chặt đi nhưng bên cạnh vết chặt đó, vẫn có những chiếc mầm được mọc ra, bên cạnh sự tổn thương, con người vẫn có thể phục hồi lại, vươn lên với khát khao sống thật mạnh mẽ…

Tôi thấy rằng, thông điệp “Phục hồi” là một thông điệp đẹp, là một vẻ đẹp của cuộc sống, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 trước những mất mát khủng khiếp đã qua đi. 

+Khi nhắc tới Đài TNVN, người ta sẽ chỉ nghĩ đến thế mạnh phát thanh. Nền tảng số trên báo điện tử là loại hình rất mới ngay cả với những người làm báo ở Đài TNVN.  Vậy mà, “Con hẻm nhỏ” đã gây bất ngờ với thành công vang dội trên trường quốc tế với giải Xuất sắc. Theo Uyên, “điểm nhấn” nào giúp sản phẩm này được tỏa sáng?

- Tôi cho rằng, mảng số là một mảng khó, với một phóng viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tác phẩm “Con hẻm nhỏ” là sự kết hợp giữa hình vẽ 2D, âm thanh và văn bản dẫn chuyện. Người đọc sẽ chủ động điều hướng, nhập vai vào câu chuyện bằng các tương tác với bài viết trên nền tảng landing page.

Hình thức thể hiện dưới dạng tranh 2D đáp ứng tốt với yêu cầu tái hiện lại các sự việc đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời giải quyết được các vấn nhạy cảm liên quan tới việc sử dụng hình ảnh của trẻ dưới 18 tuổi (nhân vật Võ Thiên Quân, sinh năm 2005).

Về âm thanh là phần tôi thích nhất. Có 2 loại Audio được thể hiện trong bài. Thứ nhất là lời của nhân vật phỏng vấn. Tôi tổng hợp những câu nói của nhân vật có liên quan đến chi tiết trong câu chuyện để lồng ghép cùng hình vẽ và text để tạo sự chân thực nhất cho câu chuyện. Audio mang lại sự chân thật gần như tuyệt đối cho tác phẩm. Nhiều hình ảnh, âm thanh tôi đưa vào mang bản sắc, văn hóa riêng của người Việt để tạo ra những chi tiết khác biệt so với tác phẩm quốc tế.

Tất nhiên là khi sử dụng nền tảng landing page để trình bày các tác phẩm báo chí không phải là điều mới mẻ. Nhưng việc kết hợp giữa hình 2D và âm thanh thực tế trên nền tảng landing page là một hình thức chưa thực sự phổ biến trong cách thể hiện các tác phẩm báo chí.

Ngoài ra, vẫn có những hình ảnh thật được đan cài, ví như bức ảnh tôi chụp được khoảnh khắc chị Hậu đi vào con hẻm, trên tay cầm đồ lễ để cúng cho em gái mất vì COVID-19, đây là hình ảnh gây chấn động cho tôi trong lần đầu tiên tác nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Hình ảnh này cũng thể hiện được văn hóa của Việt Nam qua nghi lễ cúng bái…

Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng linh hoạt Hyperlink (liên kết), lồng ghép những link liên kết các bài viết liên quan đến câu chuyện của những nhân vật trong “Con hẻm nhỏ”… để cung cấp được nhiều hơn các thông tin mà công chúng cần.

Thật sự là tôi chưa hài lòng…

+ Và những khó khăn mà Uyên gặp phải, có khi nào chị cảm thấy rằng “sản phẩm đồ sộ này, quá sức với một người làm báo trẻ?

- Bắt đầu triển khai từ tháng 4 đến tháng 6/2022 là hoàn thiện tác phẩm cả bản tiếng Anh và tiếng Việt. Với tôi thì khó khăn lớn nhất khi thực hiện một tác phẩm multimedia là việc phối hợp các thành viên trong nhóm theo một hướng thống nhất. Đối với tôi, một tác phẩm số không bao giờ là thành tích cá nhân mà phải là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, hỗ trợ của tập thể về cả nội dung và hình thức. Có những thời điểm, tôi tưởng chừng sẽ không làm được nữa vì sự cố xảy ra liên tục. Nhưng mỗi khi tôi gặp khó khăn thì các anh chị trong Đài luôn động viên, hỗ trợ, giúp đỡ và cùng tháo gỡ, đặc biệt là từ Ban cố vấn của Đài VOV. Tôi có một may mắn nữa là khi “Con hẻm nhỏ” lên trang và ra mắt độc giả, tôi nhận được phản hồi, góp ý từ rất nhiều nhà báo có kinh nghiệm ở mảng số này. 

Thực sự tôi vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi mà tất cả mọi thứ chỉ là những chấm nhỏ xíu, chưa được hình thành, chưa được định hình với nhau. Nhưng sau đó cứ làm dần, các anh chị góp ý thêm vào rồi dần dần hình thành sản phẩm. Mọi người hỏi tôi đã hài lòng chưa? Thật sự là tôi chưa hài lòng. Tôi nghĩ, tôi mới chỉ làm được khoảng 60% theo những gì mà tôi tưởng tượng, do cả yếu tố chủ quan và khách quan nữa. Sau khi thực hiện xong tác phẩm, tôi nhận thấy được rằng sức sống của con người sau dịch COVID- 19 giống như một phép màu...

nha bao thi uyen  vov suc song cua con nguoi sau dich covid 19 giong nhu mot phep mau hinh 2

Nhà báo Thi Uyên nhận giải thưởng ABU tại Ấn Độ.

+ Tôi nhớ là, trên Diễn đàn nào đó, tác phẩm này cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi trước ngày tác phẩm được mang đi dự thi?

- À, tôi nhớ là khi tác phẩm được nhà báo Hoàng Nhật đăng vào nhóm diễn đàn VietnamJournalism cũng tạo ra một “con sóng nhỏ”. Như anh Nhật có nói rằng: Tác phẩm chính là ví dụ điển hình về cái gọi là Chuyển đổi số mà chúng ta đang bàn luận lâu nay, bởi truyền thông số đang dần xóa nhòa ranh giới của các thể loại báo chí. Nhà báo giờ có nhiều cách kể chuyện khác nhau để tiếp cận cũng như tăng cường trải nghiệm cho độc giả… Thú thực đêm trước khi gửi “Con hẻm nhỏ” đi dự thi, nhóm đã kỳ cụi sửa code, sửa giao diện từ những comment của các anh chị trong nhóm. Quả thực, đó là những góp ý rất quý.

+ Xin cảm ơn Uyên!

Theo Hà Vân (Thực hiện)/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/nha-bao-thi-uyen--vov-suc-song-cua-con-nguoi-sau-dich-covid-19-giong-nhu-mot-phep-mau-post225824.html

 

Các tin khác:
  • Cảnh báo đối tượng mạo danh Báo Nhà báo & Công luận (09/12/2022-12:47)
  • Báo Tết vào mùa (05/12/2022-21:22)
  • Báo chí các tỉnh Bắc miền Trung tăng cường kết nối, quảng bá văn hóa, con người địa phương (02/12/2022-19:45)
  • Phát triển báo chí đa kênh, ứng dụng công nghệ trong truyền hình tương tác (24/11/2022-14:58)
  • Chiêu trò trên mạng xã hội: Clip câu view hay hình thức đăng tin giả? (23/11/2022-16:21)
  • Giao ban công tác báo chí tháng 11-2022 (22/11/2022-17:27)
  • Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” sẽ phát động vào tháng 12/2022 (22/11/2022-10:53)
  • Bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Anh Tuấn giữ chức vụ Giám đốc Truyền hình CAND - ANTV (22/11/2022-10:50)
  • Đào tạo báo chí thời đại số: Cần thay đổi về "chất" (21/11/2022-12:21)
  • Đài Truyền hình Việt Nam ra thông báo về bản quyền FIFA World Cup 2022 (18/11/2022-11:01)