Khi ảnh báo chí lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ (09/12/2022-12:59)
Lễ trao giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2021” là sự kiện thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước. Hàng trăm tác phẩm ảnh phản ánh đa dạng đời sống xã hội đã được gửi về và đằng sau những bức ảnh ấy là dặm dài những chuyến đi, những hành trình tác nghiệp đầy thử thách...
Tác phẩm “Đêm trắng ở thành trì cuối cùng chặn Covid-19 tại TP.HCM”.
Năm 2021 là một năm đầy biến động, thử thách đối với giới báo chí cả nước. Dịch bệnh thời điểm này lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn chất liệu cho báo chí trở nên khan hiếm, điều kiện tác nghiệp của nhà báo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Tuy nhiên, đội ngũ nhà báo, phóng viên, đặc biệt là phóng viên ảnh vẫn vững vàng vượt lên xung kích, dấn thân trên tuyến đầu. Rất nhiều nhà báo chuyên làm ảnh đã có mặt tại các điểm nóng, các vùng tâm dịch, sẵn sàng xả thân để có những tác phẩm báo chí có sức lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa những tấm gương sáng, phổ biến những cách làm hay, góp phần vào thành công chung của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.
Báo Nhà báo và Công luận xin được chia sẻ những câu chuyện, những tâm tư của các tác giả có tác phẩm hấp dẫn, lay động lòng người đã gửi tham gia giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí 2021”.
Tác giả Đinh Đức Long (Hải Long) - Báo điện tử Dân Trí:
"Khoảnh khắc Báo chí có uy tín và có sức ảnh hưởng lớn"
Trong những ngày cuối tháng 7 năm 2021, số bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tăng cao. Tại Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19 quy mô 1.000 giường (khu nội trú Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2) các y bác sỹ đang dồn sức cứu chữa từng bệnh nhân khi họ đang ở lằn ranh sinh tử. Nơi đây được coi là "thành trì" đánh chặn Covid-19 cuối cùng tại TP.HCM.
Đây là lần thứ 2 tôi vào Bệnh viện hồi sức cấp cứu này. Lần thứ nhất tôi đi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế vào kiểm tra tại bệnh viện. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra diễn ra nhanh chóng, không ai được ở lại lâu. Tôi về nhà và nghĩ rằng khu điều trị này sẽ còn rất nhiều điều để viết, để ghi nhận lại, đó là những nhân vật, vấn đề có thể tạo ra những tin bài chất lượng, nếu như mình chỉ đi lướt qua thì sẽ rất tiếc. Trước đó tôi có nghe nhiều y bác sỹ kể về những lần trực buổi đêm, nên rất muốn có tin bài, hình ảnh về những đêm thức trắng của các y bác sỹ.
Tôi mong muốn những thông tin, hình ảnh bài viết của mình gửi tới người dân để người dân hiểu và cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Từ đó, kêu gọi mọi người cùng ủng hộ công tác phòng, chống dịch để tạo sức lan tỏa trong xã hội. Phóng sự "Đêm trắng ở thành trì cuối cùng chặn Covid-19 tại TP.HCM” nói về cuộc chiến giành giật sự sống, cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 của các nhân viên y tế Bệnh viện hồi sức cấp cứu lớn nhất TP.HCM là một trong hàng loạt tin bài có mục tiêu như thế.
Cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc Báo chí" là một sân chơi lớn dành riêng cho các thể loại ảnh báo chí mà tôi nghĩ là có uy tín và có sức ảnh hưởng lớn. Nó trở thành nơi cho các anh em phóng viên thoả sức thể hiện cá tính của mình qua từng bức ảnh, từng bộ ảnh mà họ dự thi. Cũng là nơi để các phóng viên yêu thích ảnh báo chí có dịp tụ họp, gặp gỡ, giao lưu và học hỏi hàng năm.
Về mặt chất lượng, theo cá nhân tôi, đây là cuộc thi mang nhiều màu sắc, quy tụ những tác phẩm ảnh đủ cả chất và lượng, mang những nội dung thông tin, hình ảnh chân thực nhất, nổi bật nhất của báo chí Việt Nam và khu vực trong một năm qua.
Cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc báo chí" là cuộc thi có chất lượng cao và không hề thua kém so với giải Báo chí Quốc gia, thậm chí là nhiều tác phẩm được đánh giá có chất lượng tốt hơn.
So với những cuộc thi ảnh khác, các tác phẩm dự thi ảnh "Khoảnh khắc báo chí" đa dạng màu sắc, đa dạng về thể loại từ ảnh đơn tới ảnh bộ. Tác giả thoả sức thể hiện cá tính của mình qua từng khoảnh khắc mà không bị gò bó nhiều về khuôn khổ nội dung.
Giải ảnh "Khoảnh khắc Báo chí 2021" đưa tới cho người xem cái nhìn chân thực, khách quan và gần gũi nhất về những sự kiện nổi bật nhất trong một năm. Đặc biệt là giai đoạn dịch Covid-19, với những khoảnh khắc ấn tượng, người xem có thể hình dung được sự dấn thân, tận tâm, trách nhiệm với nghề của các phóng viên.
Riêng bản thân tôi, cuộc thi này để lại cho tôi nhiều cảm xúc khi tác phẩm của mình may mắn đoạt giải A. Tuy kinh nghiệm làm phóng viên ảnh chưa nhiều, nhưng có cơ hội được đứng cạnh những người đồng nghiệp giỏi, lâu năm để nhận giải thưởng danh giá từ cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc Báo chí" khiến tôi tự tin hơn với nghề. Đây sẽ là dấu mốc rất đặc biệt và quan trọng với tôi cho khoảng thời gian làm nghề của tôi sau này.
Tác giả Võ Hoàng Triều - Báo Người Lao Động:
"Sân chơi lành mạnh, bổ ích, nuôi dưỡng niềm say mê với nghề"
Khi dịch Covid-19 xảy ra ở TP. HCM, tôi mong muốn lan tỏa những nỗ lực của người dân, các cấp chính quyền, các bộ ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong đời sống do dịch bệnh gây ra.
Khi thực hiện các phóng sự ảnh này tôi đều có những ấn tượng riêng khác nhau với những nhân vật và câu chuyện đi theo cùng các tác phẩm, mỗi tác phẩm đều là những kỷ niệm tác nghiệp của tôi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TP. HCM.
Với tác phẩm “Ấm lòng những chuyến xe mang Siêu thị 0 đồng đến với những người khó khăn trong mùa dịch” có lẽ là quãng thời gian tôi mặc trên mình bộ đồ bảo hộ y tế màu xanh, đồng hành trên xe cùng các bạn tình nguyện viên len lỏi khắp các con đường ở TP HCM để mang hàng ngàn phần quà là những nhu yếu phẩm tới những nơi bị phong toả, cách ly trong thời gian TP. HCM siết chặt giãn cách.
Gần cả ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế màu xanh thật sự rất mệt mỏi nhưng sau những lần đến những khu vực bị cách ly, phong toả nhìn thấy hình ảnh người dân vui mừng khi nhận quà thì những khoảnh khắc mệt mỏi đó cũng tan biến và đó cũng chính là động lực để tôi có thể tiếp tục thực hiện tiếp các phóng sự ảnh phản ánh thực trạng mùa dịch, giúp người dân nắm bắt được các thông tin một cách chính thống, chuẩn xác trong giai đoạn giãn cách.
Hay phóng sự ảnh “Xúc động hình ảnh anh bộ đội đi chợ giúp dân ở TP.HCM” là việc ngay khi có thông tin lực lượng quân đội sẽ hỗ trợ địa phương phối hợp tuần tra, canh gác, tuyên truyền, lập tổ y tế lưu động và “đi chợ hộ” cho người dân trong suốt thời gian giãn cách, ngay lập tức tôi phải liên hệ với địa phương để thực hiện bài phóng sự ảnh theo chân các anh bộ đội đi chợ trong thời gian giãn cách.
Việc đi chợ nghe như rất dễ mà cũng rất khó trong thời điểm đó, địa điểm tôi theo chân các anh bộ đội là từ UBND phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TP. HCM) đến một quán bar đã thành nơi bán rau, thực phẩm trên đường Bùi Viện để mua, không hẳn những loại thực phẩm người dân cần đều có ở đây, ngoài ra việc tìm địa chỉ để giao lại càng khó khi có nhiều nhà nằm trong nhiều hẻm sâu, môi trường chật hẹp ẩm thấp, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Tuy nhiên, nếu không đi được đến nơi thì sẽ không có được câu chuyện như mình mong muốn.
Nhưng có lẽ phóng sự ảnh để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất là “Quân đội, công an tặng thực phẩm, nước uống cho người dân trước khi rời TP. HCM về quê”. Tôi có mặt tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP. HCM) từ rất sớm để thay cho một đồng nghiệp, chứng kiến và bấm máy hình ảnh hàng ngàn người dân dừng xe kín trên Quốc lộ 1 để chờ được test nhanh Covid-19 trước khi về quê đến giữa trưa nắng. Có cả những người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em mà không khỏi bồi hồi, có lẽ một phần vì những câu chuyện nghe được khi tôi bấm máy, phần kia vì trong số những người rời thành phố có không ít người là đồng hương của tôi.
Trước tình hình nhiều người lớn, trẻ nhỏ phải phơi nắng, đói bụng và khát, các chiến sĩ CSGT, lực lượng Cảnh sát cơ động CA TP. HCM cùng các nhà hảo tâm đã mang những phần bánh mì, thực phẩm và nước uống miễn phí kịp thời phân phát cho người dân trong khi chờ được qua chốt kiểm dịch để về quê, khoảnh khắc đó cũng chính là thông điệp tôi muốn truyền tải qua phóng sự ảnh này.
Theo tôi, Giải ảnh Khoảnh khắc Báo chí là một cuộc thi ảnh có chất lượng chuyên môn cao. Các tác phẩm dự thi ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” ngoài đẹp, ấn tượng, bắt mắt còn phải có giá trị, mang thông điệp đến cho độc giả. Nhìn chung các tác giả đều mang tinh thần không ngại khó khăn, dấn thân để tạo ra giá trị cho các tác phẩm ảnh báo chí của mình.
Với sự bùng nổ của công nghệ số, hy vọng cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” sẽ ngày càng lan toả và phát triển hơn nữa, sẽ giúp cho các tác giả có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, nuôi dưỡng niềm say mê với nghề, giúp các tôi phóng viên trẻ có nhiều cơ hội cọ xát và nâng cao tay nghề.
Tác giả Trần Ngọc Nam - Báo Tuổi trẻ:
"Đồng cảm với những khó khăn của người buôn bán nông sản"
Ngay khi nhận được đề tài từ Ban biên tập, tôi đã triển khai ngay. Câu chuyện về ách tắc ở biên giới không còn xa lạ, nhưng lần này số lượng xe đã lên rất nhiều, chưa từng có. Đi từ tối, 22 giờ đêm chúng tôi lên tới tỉnh Lạng Sơn và tác nghiệp đến 3h sáng.
Vào tháng 12 nên trời mùa đông rất lạnh, lúc đó chỉ còn vài bác tài còn thức. Trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên việc đi lại, xin phép vào các khu vực để tác nghiệp cũng không hề đơn giản.
Qua bộ ảnh “Gần 5.000 xe container nằm la liệt ở cửa khẩu, tài xế “khóc ròng” vì nông sản kẹt cứng” tôi mong muốn đồng cảm với những khó khăn của người buôn bán nông sản, đặc biệt các bác lái xe, vào thời điểm ùn ứ họ phải gánh nhiều chi phí ăn nghỉ, bến bãi và thời gian thông quan mất cả tháng trời.
Nhiều năm tham gia Giải "Khoảnh khắc Báo chí” tôi thấy rằng số lượng tác giả tham gia ngày càng nhiều, đặc biệt là có những bạn trẻ mặc dù mới ra trường đi công tác được một vài năm nhưng tích cực tham gia, đặc biệt là chất lượng ảnh của họ rất cao.
Tác giả Nguyễn Văn Quang - Báo Lao Động:
T"iếp tục cố gắng hơn vào những mùa giải năm sau"
Để thực hiện bộ ảnh “Những cuộc đời bên than” (Bức ảnh đoạt giải B Khoảnh khắc Báo chí 2021) tôi may mắn được các anh chị đồng nghiệp hướng dẫn tìm kiếm khai thác đề tài, để chụp được loạt ảnh này cũng mất một buổi.
Trong quá trình triển khai đã nói chuyện trao đổi với những người nơi xóm lò than thuộc xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Tôi vào các lò than để quen với không khí làm việc, ăn cơm cùng, biết thêm nhiều người dân trong xóm. Chính vì thế mỗi tác phẩm ảnh đều thể hiện nụ cười của những người lao động xóm nghèo cả khi làm việc lẫn giờ giải lao.
Qua tác phẩm này tôi muốn cho bạn đọc hiểu rằng, dù mệt mỏi, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn lạc quan, tươi cười để vươn lên trong cuộc sống.
Độc giả hiểu thêm về cuộc sống của người dân ở đây, dù họ rất khó khăn, chỉ dựa vào nghề than để sống, nuôi con ăn học nhưng vẫn cố gắng vượt qua. Ngày ngày cặm cụi kiếm tiền giúp con ăn học… và sau những giờ làm việc là những phút giây giải lao vui vẻ bên nhau.
Đối với tôi Giải "Khoảnh khắc Báo chí” luôn là giải thưởng lớn về ảnh đối với người làm báo cả nước, giải cho thấy sự chuyên nghiệp của Ban tổ chức. Qua giải này tôi học hỏi được nhiều hơn ở các anh chị phóng viên đi trước, để tiếp tục cố gắng hơn vào những mùa giải năm sau.
Tác giả Nguyễn Giang Nam - Báo Điện tử Tổ Quốc:
"Chất lượng giải ngày càng được nâng cao"
“Giám đốc mê nhặt rác” là cái tên mà nhiều người thường dùng để nói về anh Đào Đặng Công Trung (40 tuổi, ở P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). Mặc dù là giám đốc 1 công ty nhưng anh Trung vẫn không ngần ngại đi nhặt từng túi ni lông, chai nhựa, vỏ lon... với tâm niệm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.
Tôi có đi theo anh Đào Đặng Công Trung và đồng nghiệp của anh nhiều ngày để làm quen, vì không phải là người chuyên lặn biển nên cũng phải mất 2 ngày để làm quen với môi trường dưới đáy biển. Để chụp được ảnh sâu dưới đáy biển, nơi có áp suất lớn độ mặn cao, tôi phải sử dụng máy ảnh chuyên dụng có khả năng chụp được ảnh dưới nước.
Các anh trong đội lặn đó đi đến đâu nhặt rác biển thì tôi đi theo đến đó, vừa chụp vừa mang theo thiết bị quay chụp nên cũng khá khó khăn. Nhưng sau khoảng 4 ngày thì tôi cũng có những bức ảnh ưng ý.
Qua bộ ảnh tôi mong muốn bạn đọc, công chúng biết được vấn đề ô nhiễm biển hiện nay, rằng biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mong muốn nhiều người cùng tham gia vào những hành động ý nghĩa như anh Trung, để Đà Nẵng luôn xanh, sạch, đẹp. Tôi rất mừng khi tác phẩm “Theo chân vị giám đốc mê mò mẫm đáy biển nhặt lon bia, vớt rác ở Đà Nẵng” của tôi đã được lọt vào Top 10 cuộc thi này.
Chất lượng giải ngày càng được nâng cao, các tác phẩm tham gia giải được đầu tư công phu. Bản thân tôi mặc dù chụp rất nhiều ảnh, nhưng tôi cảm thấy bộ ảnh của mình chưa đạt được chất lượng, chưa ưng ý để có thể gửi dự thi thì không mang bộ ảnh đó đi tham dự. Khi nào cảm thấy hứng thú, thích thú tạm ưng ý sẽ mang đi gửi. Vì thực tế giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” luôn là nơi có nhiều tác phẩm có chất lượng cao, thu hút được nhiều bạn phóng viên trẻ ở các các cơ quan báo chí lớn khác tham gia.
Tôi đánh giá và so sánh Giải "Khoảnh khắc Báo chí” như là Giải Báo chí Quốc gia cho phóng viên ảnh, tôn vinh những phóng viên ảnh thường xuyên phải ra hiện trường. Trực tiếp tiếp xúc với khá nhiều khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những vấn đề sự kiện nóng nhất của các vấn đề đời sống xã hội.
Tác giả Hoàng Gia Huy – Báo điện tử VnExpress:
"Công nghệ số giúp tác nghiệp trong nhiều điều kiện khác nhau"
Trong mỗi tác phẩm, tôi luôn có những tiêu chuẩn cao về hình ảnh, chất lượng, nội dung, vì thế ngoài công nghệ, trong quá trình tác nghiệp tôi luôn giữ phong thái chỉn chu, chú ý cả về khuôn hình, ánh sáng, bố cục.
Hiện nay công nghệ làm ảnh báo chí thường cho sản phẩm ảnh được như ý, không bị hỏng như trước. Tôi lựa chọn thiết bị đời mới nhất của các hãng nổi tiếng, đảm bảo cho mình bắt được mọi khoảnh khắc, ít bị trượt. Độ nhanh nhạy, chất lượng ảnh tốt khi dùng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Tôi nhớ năm ngoái có đi sự kiện lũ lụt ở miền Trung, trời mưa rất to, tôi vẫn có thể chụp trong điều kiện trời mưa to, nghĩa là máy ảnh có thể bị ướt trong quá trình tác nghiệp.
Công nghệ giúp mình tác nghiệp trong nhiều điều kiện khác nhau, từ ban đêm, khu vực ẩm, cho đến khu vực thời tiết giá lạnh. Ở đây không hẳn vật chất quyết định ý thức mà vẫn phải cân bằng, có công nghệ mà không có trang bị kiến thức, kỹ năng, thì hiệu quả không cao, có được cả hai sẽ giúp cho mình tự tin hơn. Bên cạnh đó, làm gì cũng phải tư duy, đầu tư chất xám vào đấy thì mới có chất lượng tốt nhất.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com