Dự kỳ họp có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND là hoạt động rất quan trọng thể hiện chức năng giám sát của HĐND. Đây cũng là hoạt động được cử tri Nhân dân và các cơ quan truyền thông quan tâm, theo dõi. Thực hiện tốt việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thể hiện rõ nét vai trò, vị thế, trách nhiệm của HĐND cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Đây là lần thứ ba HĐND tỉnh khóa XVIII thực hiện chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Việc lựa chọn nội dung chất vấn và người được chất vấn tại kỳ họp được tiến hành trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp gửi tới kỳ họp; ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh. Đây cũng là những nội dung được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm liên quan đến đời sống của Nhân dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh 3 nội dung chất vấn và người được chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 về tình hình an ninh - trật tự; về thị trường vật liệu xây dựng và về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Về cách thức chất vấn và trả lời chất vấn đã được quy định trong Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND và Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh. Để phiên chất vấn thực hiện đúng thời gian, có hiệu quả, chất lượng cao, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị người chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện một số nguyên tắc đó là: Chủ tọa sẽ mời mỗi đợt 2 đến 3 đại biểu HĐND tỉnh nêu câu hỏi chất vấn; trong đó câu hỏi cần ngắn gọn, rõ nội dung, đi thẳng vào trọng tâm, đúng nội dung chất vấn. Thời gian nêu câu hỏi không quá 1 phút/một lần/một đại biểu.
Người trả lời chất vấn có 5 phút để báo cáo nội dung trả lời chất vấn, sau đó các đại biểu sẽ hỏi và người được chất vấn trả lời các câu hỏi của đại biểu. Việc trả lời phải đi thẳng vào trọng tâm vấn đề mà đại biểu nêu lên, làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế; thời gian một lần trả lời không quá 15 phút.
Bên cạnh trả lời của người được chất vấn, chủ tọa sẽ yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia làm rõ một số nội dung có liên quan, sau đó mời đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực có ý kiến làm rõ nội dung được chất vấn.
Quá trình chất vấn, nếu người chất vấn và người được chất vấn quá thời gian hoặc không đúng trọng tâm vấn đề, chủ tọa kỳ họp sẽ yêu cầu dừng lại để đảm bảo thời gian của phiên chất vấn.
Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa để cử tri và Nhân dân theo dõi và giám sát. Bên cạnh đó, sẽ có đường dây nóng để Nhân dân nêu ý kiến với người được chất vấn.
Sau khi kết thúc phiên chất vấn, HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết chung về chất vấn và trả lời chất vấn.
Nội dung phiên chất vấn tại kỳ họp lần này là những vấn đề mà cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tham dự kỳ họp nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tham gia chất vấn. Những nội dung, trả lời chưa thỏa đáng thì cần tranh luận trao đổi thẳng thắn để đi đến tận cùng của vấn đề; làm rõ hơn các vấn đề được chất vấn.
Theo Quốc Hương - Minh Hiếu/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/ky-hop-thu-11-hdnd-tinh-thanh-hoa-khoa-xviii-chat-van-va-tra-loi-chat-van/174638.htm