Các nhà đầu tư đặt vấn đề an ninh mạng lên hàng đầu trong danh sách các mối đe dọa kinh doanh.
Nhiều thách thức lớn
Trong thời kỳ chuyển đổi số, toàn bộ hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng, tạo ra thách thức lớn cho những người chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng. Theo số liệu từ Cục Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT): Trung bình mỗi ngày, một người Việt Nam trực tuyến trên mạng Internet khoảng gần 7 tiếng và thời lượng này sẽ tiếp tục tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn thông tin mạng sẽ cao hơn.
Thống kê trên thế giới cho thấy, có 900 cuộc tấn công mạng, có 5 mã độc mới sinh ra trong mỗi giây, phát hiện 40 điểm yếu lỗ hổng mỗi ngày. Thiết bị di động hiện là mục tiêu của các cuộc tấn công tinh vi, trên diện rộng. An toàn thông tin chuỗi cung ứng; tấn công có chủ đích, mã độc tống tiền và nguy cơ tin tặc xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp sẽ gia tăng…
Tại Việt Nam, báo cáo của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 11 tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ các hệ thống thông tin đã phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ mới đạt 54,8%... Các doanh nghiệp Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng và những khó khăn trong việc thích nghi với bối cảnh chuyển đổi số. Việt Nam phải đối mặt với các hiểm họa mạng ngày một gia tăng và các cuộc tấn công tinh vi hơn.
Các sự cố an ninh mạng và thất thoát dữ liệu thường nhanh chóng gây ra ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh. Do đó, các nhà đầu tư đặt vấn đề an ninh mạng lên hàng đầu trong danh sách các mối đe dọa kinh doanh.
Nhiều chuyên gia nhận định, nguy cơ mất an toàn thông tin rất rõ ràng nhưng phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin để giảm thiểu rủi ro. Chuyển đổi số phải được thúc đẩy bởi an ninh mạng, có một chiến lược an ninh mạng rõ ràng cho phép các tổ chức tiến nhanh và tự tin trong một môi trường đầy nguy cơ thách thức như hiện nay.
Khó khăn muôn thuở là nhân lực
Theo ông Khổng Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, chuyển đổi số là đưa các hoạt động của mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp lên môi trường số. Đồng nghĩa với việc chúng ta phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cùng hoạt động trên không gian mạng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình và 100 triệu người dân.
Do vậy, việc bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc của tất cả cơ quan, tổ chức và cả người dân với nguyên tắc “thực sao ảo vậy”.
Việc bảo đảm an toàn thông tin đã đặt ra trong nhiều năm qua và đã được hiện thực hoá vào nhiều chính sách của Chính phủ. Đặc biệt trong những năm gần đây chiến lược quốc gia về đảm bảo an toàn thông tin đã được đưa ra cùng rất nhiều chính sách của Bộ TT&TT. "Giờ đây, vấn đề đảm bảo thông tin được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số, an toàn thông tin luôn luôn được coi là yếu tố then chốt - được coi là yếu tố sống còn cho doanh nghiệp", ông Khổng Huy Hùng nhận định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, khó khăn muôn thuở trong việc bảo đảm an toàn thông tin là nguồn nhân lực - 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại. Chúng ta có nhiều sản phẩm tốt, có thể nói đã làm chủ được công nghệ, tuy nhiên việc đưa công nghệ vào ứng dụng khá là yếu, các doanh nghiệp không có nhân lực để vận hành hệ thống. Tạo ra một sản phẩm tốt, một dịch vụ tốt đã là quan trọng nhưng để vận hành đưa nó vào hoạt động lại là một thách thức.
Chính phủ cũng như Bộ TT&TT có nhiều cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức dành một nguồn ngân sách nhất định để đầu tư cho an toàn thông tin. Con số khuyến cáo là ít nhất 10%. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự quan tâm nhiều hơn đến an toàn thông tin và đã tăng dần nguồn ngân sách. Tuy nhiên, 10% vẫn là một con số xa vời.
Vào chiều 9/12, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải "Chìa khoá vàng" lần thứ 7. Chương trình thu hút được sự hợp tác, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam và sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước về an toàn thông tin. Đặc biệt là sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sự phối hợp của Cục An toàn thông tin.
Theo ông Khổng Huy Hùng, hầu hết 13 doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam đạt giải ở các hạng mục "Chìa khoá vàng 2022" đều là các doanh nghiệp khẳng định được tên tuổi, và là các doanh nghiệp khởi nghiệp từ lĩnh vực an toàn thông tin. Các sản phẩm dịch vụ liên quan đến an toàn thông tin thì đều đã được làm chủ - đó là một hệ sinh thái đầy đủ sẵn sàng cung cấp cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
"Năm nay có rất nhiều dịch vụ an toàn thông tin đạt giải điều đó thể hiện chúng ta đã bắt đầu dịch chuyển được sự đầu tư vào an toàn thông tin. Thay vì đầu tư vào một hai sản phẩm nhất định thì đã có sự đầu tư vào dịch vụ. Chương trình bình chọn "Chìa khoá vàng 2022" sẽ góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin nội địa", Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin nhận định.
Theo Phan Hoà Giang/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/an-toan-thong-tin-luon-luon-duoc-coi-la-yeu-to-then-chot-post226025.html