Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí tiếp tục khẳng định sứ mệnh phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội (20/12/2022-9:54)
    Trong năm qua, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã truyền tới các cơ quan báo chí về sứ mệnh của báo chí cách mạng đó là phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội, tạo sự đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Doanh thu tăng 9,5% so với năm 2021

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT&TT, năm 2022 doanh thu lĩnh vực báo chí, truyền thông ước đạt 35.479 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021, nhưng doanh thu lĩnh vực này đến chủ yếu từ game, các đài phát thanh, đài truyền hình, các tổ chức hoạt động truyền hình và dịch vụ truyền hình trả tiền.

Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xác minh được trên mạng xã hội (MXH) được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời năm 2022 ước khoảng 93%. Số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông năm 2022 ước khoảng 68.730 người, tăng mạnh so với năm 2021, 2020 và trở về gần với lúc thời điểm trước khi có dịch COVID-19.

Theo Bộ TT&TT, trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí đạt nhiều chuyển biến tích cực quan trọng, có sự nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm các mục tiêu đề ra, kết hợp hài hoà giữa giải pháp sắp xếp phù hợp và các giải pháp thúc đẩy báo chí cách mạng phát triển đúng hướng. Công tác cấp phép thành lập mới các cơ quan báo chí, cấp thêm loại hình báo chí, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí được thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan và khoa học, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Đảng; nội dung quy định giấy phép hoạt động ngày càng cụ thể, khoa học, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, MXH “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục.

Bộ TT&TT đã truyền tới các cơ quan báo chí về sứ mệnh của báo chí cách mạng. Đó là sứ mệnh phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội, tạo sự đồng thuận, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí đã khơi dậy, làm tăng thêm nhiệt huyết để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng.

Uy tín, hình ảnh của báo chí và người làm báo cũng tăng lên trong những năm qua (từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 3 trong số các nghề nghiệp được tín nhiệm trong 5 năm trở lại đây). Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để lưu chiểu điện tử, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, quản lý và điều tiết thông tin theo hướng “quản số lớn”, kịp thời định hướng nhắc nhở, chấn chỉnh những vấn đề trên không gian báo chí, truyền thông và trong hoạt động báo chí.

Bộ TT&TT đã chỉ đạo “tường minh hoá” các vấn đề của báo chí để cả xã hội cùng nhận biết, cùng giám sát và đấu tranh: Đăng tải công khai cơ sở dữ liệu về tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh liên quan hoạt động báo chí; thanh, kiểm tra trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí; ban hành Quyết định số 1418/ QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 về việc ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” MXH và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí,…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 729 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng.

Các cơ quan báo chí đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.

 

bao chi tiep tuc khang dinh su menh phan anh trung thuc dong chay chinh tich cuc cua xa hoi hinh 2

Tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc 2022.

 

Tăng cường hoạt động chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang tin và MXH, thực hiện quyết liệt, có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí từ Trung ương đến địa phương: Lập danh sách, tăng cường rà soát, theo dõi thường xuyên các trang tin tổng hợp và MXH có biểu hiện “báo hóa”, xử lý vi phạm, xem xét đình bản hoặc thu hồi giấy phép nếu tiếp tục vi phạm; Tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của một số trang thông tin điện tử tổng hợp, MXH có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng; năm 2022, tổng số vụ xử phạt vi phạm hành chính là 11 vụ với tổng số tiền xử phạt là 170 triệu đồng.

Dự thảo báo cáo của Bộ TT&TT cũng nêu một vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý báo chí, Trong đó khái niệm “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí chưa được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật về báo chí. Quá trình xử lý gặp không ít khó khăn, thời gian, trí tuệ khi phải nghiên cứu, chuyển hóa xử lý sang các hành vi có liên quan, có chế tài cụ thể, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Trên thực tế, vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt là cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành TT&TT tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác báo chí truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ TT&TT cần tăng cường hơn nữa công thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí...

Kế hoạch trung hạn của Bộ TT&TT từ 2023 - 2025 Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí trong năm 2025. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh tế báo chí, công nghệ và an toàn thông tin cho các cơ quan báo chí.

Thương lượng, đấu tranh để đạt thỏa thuận với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook và các mạng lưới quảng cáo lập trình bằng công nghệ về bảo vệ quyền lợi báo chí, hỗ trợ gợi ý tìm kiếm trên báo chí chính thống, điều tiết quảng cáo sạch và báo chí.

 

Theo Lê Tâm/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/bao-chi-tiep-tuc-khang-dinh-su-menh-phan-anh-trung-thuc-dong-chay-chinh-tich-cuc-cua-xa-hoi-post227309.html

 

 

 

 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Hữu Hưng: Đi thường trú Trung Quốc giúp tôi trưởng thành hơn (20/12/2022-9:39)
  • Làm báo có văn hoá - phải thay đổi nền tảng nhận thức và tư duy (18/12/2022-16:22)
  • Phó Tổng biên tập Hà Ánh Bình được giao phụ trách Báo Pháp luật Việt Nam (17/12/2022-15:41)
  • Thu hồi thẻ nhà báo của Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội (14/12/2022-10:24)
  • Nhà báo Đoàn Thị Tuyết Nhung giữ chức Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (14/12/2022-10:13)
  • Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Giải pháp nào? (14/12/2022-10:10)
  • Cảnh báo tình trạng giả danh cơ quan báo chí để lừa đảo (09/12/2022-19:53)
  • Khi ảnh báo chí lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ (09/12/2022-12:59)
  • Xử phạt nhiều cơ quan báo chí vi phạm về tôn chỉ, mục đích (09/12/2022-12:55)
  • Nhà báo Thi Uyên - VOV: Sức sống của con người sau dịch COVID-19 giống như một phép màu (09/12/2022-12:50)