Trong tâm thức người Việt, đêm giao thừa là thời khắc vô cùng đặc biệt để tiễn năm cũ đi và đón chào một năm mới đong đầy niềm vui. Bởi vậy, vào thời khắc này hầu hết các gia đình sẽ cùng nhau sum vầy, sửa soạn mâm cỗ và thắp hương để cúng tổ tiên, sau đó gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Với gia đình ông Lê Hữu Tình, xã Thiệu Vân (TP Thanh Hoá) cũng vậy. Hàng năm, con cháu trong nhà dù đi làm ăn xa mấy cũng cố gắng về sum họp với gia đình mấy ngày Tết. Và đêm giao thừa là một trong những giờ phút quan trọng mà mỗi thành viên đều háo hức mong chờ. Thời khắc ấy, các thành viên sẽ chuẩn bị mâm lễ chu đáo và thắp hương cúng tổ tiên để cầu mong cho gia đình một năm mới đầy may mắn và bình an. Sau đó, cả nhà ngồi quay quần bên nhau cùng xem ti vi, nghe Chủ tịch nước chúc tết, xem bắn pháo hoa. Và, háo hức nhất đó chính là lúc các thành viên trao cho nhau lì xì, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, cùng hàn huyên tâm sự về những việc đã làm được trong năm cũ, đồng thời chia sẻ về những dự định vào năm mới.
Vào thời khắc giao thừa, “xông nhà” đầu năm cũng là một tục lệ không thể thiếu và là nét văn hóa đẹp của người dân Việt được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Việt luôn tin rằng việc xông nhà có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ cả năm. Bởi vậy, vào năm mới chủ nhà sẽ chọn một người “hợp tuổi” bước vào nhà mình đầu tiên để xông nhà. Theo quan niệm, người xông nhà thường là người hợp tuổi với gia chủ, phải khoẻ mạnh hoặc là người có tính tình vui vẻ, xởi lởi… thì mới mang đến cho gia chủ những điều may mắn, sung túc trong cả năm. Ngoài ra, với nhiều gia đình còn có một cách xông nhà khác, đó chính là thành viên trong gia đình tự xông nhà của mình, bằng cách người xông nhà sẽ rời khỏi nhà trước thời khắc giao thừa và qua giao thừa trở về nhà, mang theo những cành lộc xuân đầu năm, tựa như mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình.
Vào đầu xuân năm mới nhiều gia đình đến đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) để thắp hương.
Đêm giao thừa, giữa ánh điện lung linh toả sáng khắp các con đường, ngõ xóm, hai bên đường là những lá cờ đỏ sao vàng tạo không khí vui tươi, phấn khởi, dòng người lại hân hoan đến chùa để xin những nhánh lộc non, cầu mong cho gia đình, người thân một năm may mắn, tràn đầy sức khỏe. Dường như đã trở thành thông lệ, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên tại nhà, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình bà Tống Thị Hương (thị xã Bỉm Sơn) là đến đền Sòng để thắp hương và xin nhánh lộc. Bà tâm sự: Theo quan niệm của người dân Việt, đi đền, chùa đầu năm là để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho một năm mới và mong tìm được sự thanh thản trong tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống. Chính vì thế, hàng năm, ngay sau thời khắc thiêng liêng chuyển giao đất trời, khép lại năm cũ và chào đón một năm mới, gia đình tôi đều đến đền Sòng để dâng hương và xin một nhánh lộc non mang về với hy vọng sẽ gặp may mắn, tài lộc, mọi điều tốt lành.
Cũng trong đêm giao thừa các hoạt động văn hóa, văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Chẳng hạn, tại TP Thanh Hoá sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa đón Tết Nguyên đán Quý Mão tại Quảng trường Lam Sơn. Chương trình sẽ diễn ra từ 22h đến 24h ngày 21-1 (tức đêm 30 Tết). Chương trình được ngành văn hóa, thể thao và du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc và phù hợp với xu thế mới không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân mà còn góp phần tuyên truyền, quảng bá tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hoá đến đông đảo du khách..
Đêm giao thừa, tất cả vạn vật như mang trong mình sự biến đổi, mang một sức sống mới để chuẩn bị bung nở những mầm non khoẻ khoắn tràn đầy hy vọng. Và dù ở đâu, làm gì thì vào khoảnh khắc giao thừa mọi thành viên trong gia đình đều quây quần, sum vầy bên nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, với niềm tin, khí thế và thắng lợi mới.
Theo Nguyễn Đạt/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hao-huc-dem-giao-thua/177807.htm