Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí trước “mối đe dọa ChatGPT”: “Vũ khí” lớn nhất vẫn là sự thật và sự sáng tạo (10/02/2023-9:51)
    “ChatGPT sẽ khiến giáo viên, nhà báo, thiết kế đồ họa, nhân viên ngân hàng và vô số nghề khác biến mất?” - status mang đậm tính “đe dọa” giăng kín trên các mạng xã hội những ngày qua chắc hẳn đã và đang khiến không ít các nhà báo… chột dạ.

Tuy nhiên, trong những góc nhìn của mình, nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, chừng nào báo chí cũng như các nhà báo vẫn giữ cho mình được sự sáng tạo và sự thật trong mỗi bài viết thì chừng đó, họ vẫn có cho mình một chỗ đứng vững vàng mà những công cụ AI như ChatGPT sẽ khó có cơ hội thay thế.

Từ thử nghiệm Chat GPT viết… báo

Ngoài việc được xem như một giải pháp thay thế cho công cụ tìm kiếm Google, ChatGPT đã cho thấy có thể dịch văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, giải toán, đặc biệt là tạo các đoạn văn bản tự động theo yêu cầu như viết diễn văn, bài phát biểu, bài luận và cả các bài viết phản ánh, ghi nhận khác… Cũng từ khả năng này của ChatGPT, giới truyền thông toàn cầu thời gian qua đã nhiều người tạo cho ứng dụng này thử thách “viết báo”.

Nhiều tờ báo thời gian qua đã đăng tải thử nghiệm của Henry Williams, một nhà báo tự do ở London, như một ví dụ. “Viết một bài giải thích cổng thanh toán là gì” là “đề bài” mà Henry Williams giao cho ChatGPT. Theo lời kể của Henry Williams, trên cả mọi sự mong đợi của anh, chỉ mất vỏn vẹn khoảng 30 giây sau đó, anh nhận được “sản phẩm” là một bài viết mà theo anh là “có thể chấp nhận được” bởi chứa đựng “nhiều luận điểm mà tôi cho là có thể thuyết phục được khách hàng” - Williams cho hay. Williams cho biết sau khi nhận “sản phẩm thô” này, anh đã gia công chỉnh sửa thêm một chút và sau đó bài viết đã được duyệt. Cũng theo nhà báo tự do này, nếu là anh, anh có thể phải mất hàng tiếng để hoàn thiện bài viết này.

Tới câu chuyện: Các tòa soạn có thể sử dụng AI đến mức độ nào?

“To what extent can newsrooms use AI?” - Các toà soạn có thể sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) đến mức nào?; “Will ChatGPT and other AI tools replace journalists in the newsroom?” - Liệu ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác có thể thay thế các nhà báo tại các toà soạn?... là hai trong rất nhiều câu hỏi “nóng” nhất được đặt ra tại nhiều cơ quan báo chí trên khắp thế giới những ngày này khi “hiện tượng Chat GPT” đang bùng nổ khắp nơi nơi.

Trở lại câu chuyện “thử thách viết báo” cho Chat GPT. CNET - một trang tin công nghệ của Mỹ đã “thú nhận” rằng hồi tháng 11/2022, Chat GPT mới chính thức hiện diện đã từng sử dụng AI để viết một bài báo tài chính. Tuy nhiên, để có thể sử dụng được “tác phẩm” của ChatGPT, CNET vẫn phải viện đến đội ngũ BTV để biên tập cũng như check lại nguồn thông tin được sử dụng. Cũng theo lời Connie Guglielmo - TBT CNET, CNET hiện đang tạm dừng mọi thử nghiệm viết báo sử dụng công cụ AI bởi “đã xác định nhiều lỗi thực tế cần được khắc phục”.

 

bao chi truoc moi de doa chatgpt vu khi lon nhat van la su that va su sang tao hinh 2

Câu trả lời của ChatGPT khi được hỏi về việc ChatGPT viết báo. Ảnh: Stanford Daily.

 

Từ thực tế đó, câu hỏi: Các tòa soạn có thể sử dụng AI đến mức độ nào? đã được đặt ra. Theo nhiều chuyên gia, báo chí cũng như các ngành nghề khác, hoàn toàn cũng có thể vận dụng AI, trong đó có ChatGPT nhưng chỉ nên ở dạng “công cụ hỗ trợ đắc lực”, có thể hưởng lợi từ công cụ này nhưng tuyệt đối không nên và không thể xem nó là một công cụ thay thế hoàn toàn con người.

“Các lĩnh vực mà chúng ta có thể cậy nhờ đến AI còn rất hạn chế nhưng chúng ta có thể xem xét, lựa chọn lĩnh vực nào sử dụng AI một cách có lợi nhất” - Ariane Bernard, trưởng dự án của Hiệp hội tin tức quốc tế International News Media Association cho biết. 

“Chúng ta – các nhà báo chỉ nên sử dụng AI vào những bài viết về những vấn đề phi chính trị hoặc không mang tính tranh cãi hoặc không tác động quá lớn đến xã hội, đơn cử như các vấn đề thường thức, lối sống” - nhấn mạnh thêm của Ariane Bernard có lẽ cũng khiến các toà soạn cần lưu tâm.

Hiện tại, cách BuzzFeed - công ty tin tức, truyền thông và giải trí trực tuyến có trụ sở tại New York, Mỹ - đang sử dụng AI có thể là một hướng đi tham khảo. Theo người phát ngôn của BuzzFeed, công ty này không sử dụng AI để tạo nội dung mà chỉ xem đó là công cụ để cá nhân hoá một số bài viết thuộc dạng câu hỏi trực tuyến của mình.

“Mặc dù tất cả các câu đố của chúng tôi đều do con người viết, nhưng ở định dạng mới này, AI sẽ được áp dụng cho kết quả bài kiểm tra để thay đổi và nâng cao trải nghiệm câu đố, tạo ra vô số câu trả lời có thể có”.

Như vậy, từ câu chuyện của Henry Williams, của CNET, BuzzFeed câu chuyện “ChatGPT viết báo” đã chứa đựng nhiều khía cạnh đối lập. ChatGPT rõ ràng có thể viết, thậm chí là rất nhanh và khá rõ ràng, mạch lạc một văn bản “mang dáng vẻ một bài báo” nhưng từ việc “mang dáng vẻ một bài báo” đến một bài báo thực sự lại là câu chuyện khác.

Như câu chuyện của CNET đó là thực tế cần được “fact-checked and edited by our editorial staf" - kiểm tra và biên tập bởi đội ngũ BTV. Nghĩa là, dù AI “nhanh tay” đến mấy, đến tận cùng, vẫn cần sự tham gia của con người và chỉ con người mới có thể mang đến cái gọi là fact - sự thật cũng như edit - biên tập, gia công, bồi bổ để mang đến cái gọi là tính riêng biệt cho mỗi bài báo.

Và như thế, câu hỏi: Can AI replace journalists? - AI có thể thay thế nhà báo? hoàn toàn có thể xem như đã có câu trả lời. Đúng như một nhà báo từng nói: Nếu làm tốt công việc của mình thì không có một chatbot hay công cụ AI nào có thể lấy đi được độc giả của bạn.

Thay vì lo lắng xem công việc của mình, bản thân mình có bị các công cụ AI thay thế hay không, người làm báo hãy “học cách vận dụng nó” - lời một chuyên gia của CNET, sử dụng công cụ này như thế nào để tối ưu cho công việc của mình và đặc biệt giữ cho mình những điều mà AI chắc chắn không thể làm được: tính cá nhân hoá - sáng tạo và không phát tán tin tức giả mạo trong mỗi bài viết.

“Việc sử dụng một mô hình ngôn ngữ như ChatGPT để viết báo là làm hại độc giả và làm mất giá trị nghề nghiệp của các nhà báo chuyên nghiệp. Các bài viết do ChatGPT đưa ra thiếu sắc thái, thiếu những lời phân tích, phê bình và quan điểm cá nhân xuất phát từ kinh nghiệm và chuyên môn của con người. Việc sử dụng nội dung do AI tạo ra cũng có thể dẫn đến những thông tin thiếu chính xác và sai lệch. Nó làm giảm giá trị và tầm quan trọng của báo chí chuyên nghiệp và có thể gây tổn hại đến sự hiểu biết của công chúng về các vấn đề quan trọng” - nhận xét của chính ChatGPT về việc ChatGPT viết báo có thể là câu trả lời chân xác, toàn diện xung quanh câu chuyện ChatGPT và mối đe dọa với báo chí.

Ngày 30/11/2022, OpenAI - một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco đã chính thức cho người dùng đăng ký trải nghiệm miễn phí ChatGPT, một ứng dụng phần mềm được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Đây là sự phát triển mới nhất của dòng AI tạo văn bản - GPT (Generative Pre-Trained Transformer).

Theo thống kê của Công ty phân tích Similar Web, khoảng 13 triệu người dùng đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1/2023, nhiều hơn gấp đôi so với mức trong tháng 12/2022, trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

Theo Hà Trang/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/bao-chi-truoc-moi-de-doa-chatgpt-vu-khi-lon-nhat-van-la-su-that-va-su-sang-tao-post234435.html

 

Các tin khác:
  • Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 (10/02/2023-9:42)
  • Sẽ chấn chỉnh 'tư nhân hóa báo chí', 'báo hóa' tạp chí (10/02/2023-9:38)
  • Loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn”: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu (06/02/2023-11:22)
  • Chuyên đề "Khát vọng lên bờ" và "Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng" của Báo Thanh Hóa vinh dự được trao giải Búa Liềm vàng (03/02/2023-17:54)
  • Phát động “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023” (01/02/2023-12:06)
  • Ngăn chặn các trường hợp sử dụng logo, hình ảnh của Hội Nhà báo Việt Nam với động cơ không trong sáng (31/01/2023-8:33)
  • Khơi lại “mạch nguồn” báo chí nhân văn: Qua những tác phẩm của mình nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội (29/01/2023-16:50)
  • Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư Ký - Biên tập - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng Nói Việt Nam: Mục tiêu cuối cùng là để người dân hiểu đúng, hiểu sâu và hành động đúng (28/01/2023-8:58)
  • Nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Quảng Ninh: Say mê, sáng tạo, sâu sắc, sinh động… (28/01/2023-7:47)
  • Nhà báo Dương Xuân Nam và chuyện “5 giai phẩm – 1 tinh thần Xuân” (21/01/2023-23:21)