Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh: Điểm đến văn hóa tâm linh và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Từ “dòng chung”...
Việt Nam có một lịch sử lâu đời, gắn với nền văn hóa đa dạng, phong phú và hết sức nhân văn. Ở đó, mỗi loại “tài sản văn hóa” đều chứa đựng những giá trị cao về mặt văn hóa đã và đang góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có nhận định cho rằng, bản sắc văn hóa dân tộc là kết quả sáng tạo những giá trị văn hóa của một dân tộc trong quá trình lịch sử. Đó là những yếu tố độc đáo, đặc sắc, biểu hiện “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc”. Bản sắc văn hóa tạo nên sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển đời sống của một cộng đồng với tư cách là một dân tộc. Trong mối quan hệ với dân tộc, bản sắc không những là sự kết tinh kết quả sáng tạo của dân tộc, mà còn là yếu tố định hướng, cố kết dân tộc... Với văn hóa Việt Nam, bản sắc được biểu hiện sâu sắc nhất ở tinh thần yêu nước, được thăng hoa thành lý tưởng, lẽ sống; ở ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết; ở lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống... Đặc biệt, cốt lõi của nền văn hóa ấy là luôn lấy sứ mệnh của lịch sử dân tộc (độc lập tự do và CNXH) làm sứ mệnh lịch sử của mình.
Một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu giá trị (gồm tài sản văn hóa, nguồn lực con người và cơ chế, chính sách tăng cường nguồn lực, trong đó nguồn lực trung tâm để phát triển văn hóa là con người), là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ. Trong khi văn hóa là thành quả của sáng tạo, mà con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm văn hóa. Vì vậy, phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng con người đang là xu thế của thời đại. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã thống nhất nhận định rằng “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam” (Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (diễn ra vào ngày 29-11-2022)). Và, bằng cách thức độc đáo của “sức mạnh mềm”, văn hóa ngày càng làm sâu sắc hơn ý thức dân tộc - quốc gia; ngày càng làm rõ thêm lịch sử dân tộc, giá trị thiêng liêng của độc lập và chủ quyền quốc gia.
Cụ thể hơn, văn hóa theo nghĩa hẹp là tập hợp hữu cơ của một hệ thống các thành tố, bao gồm phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, các loại hình sân khấu truyền thống, ngôn ngữ, văn chương, kiến trúc, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Rộng hơn, văn hóa còn là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội. Tất cả các yếu tố ấy đã tích lũy nên những “tầng”, “vỉa” văn hóa lấp lánh, để trở thành một phần khảm trong trái tim, trong tâm hồn và làm nên diện mạo vùng đất, làm nên cốt cách con người được sinh ra, được tắm gội và lớn lên từ dòng sông văn hóa dân tộc. Khởi phát từ “cái nôi” dân tộc, văn hóa xứ Thanh cũng mang đầy đủ các đặc trưng của nền văn hóa ấy. Đó là nền văn hóa được hun đúc trong trường kỳ lịch sử đầy biến động mà hình thành nên những phẩm chất cao đẹp là tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết; ở lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống của con người; ở sự phong phú của đời sống văn hóa, gắn với sự đa dạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể...
... đến “nguồn riêng”
Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất được hình thành và nuôi dưỡng trên dải đất hình chữ S này đều có những sắc thái văn hóa với giá trị riêng, có khả năng bổ sung cho nhau để làm phong phú nền văn hóa Việt Nam. Và xứ Thanh - với lịch sử hào hùng và nền văn hóa đa dạng, giàu giá trị - vừa mang đặc trưng của văn hóa dân tộc, vừa mang đặc tính riêng có để trở thành một “nguồn riêng” trong “dòng chung” văn hóa dân tộc.
Xứ Thanh nằm ở dải đất địa đầu miền Trung đầy nắng gió khắc nghiệt và cũng chính điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử đã tạo cho văn hóa xứ Thanh nhiều nét riêng biệt, hay có một “màu” khó trộn lẫn. Có ý kiến cho rằng, nhìn từ góc độ hành chính thì Thanh Hóa thuộc khu vực miền Trung, nhưng xét trên phương diện văn hóa thì đây là một “tiểu vùng” văn hóa thuộc vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Cũng vì đặc điểm địa lý và xã hội ấy đã mang đến cho “gương mặt văn hóa” xứ Thanh những nét khác biệt trong diện mạo tổng thể văn hóa dân tộc. Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, văn hóa xứ Thanh vốn đã nằm trong không gian văn hóa Việt cổ, lại là nơi ghi đậm dấu tích nền văn hóa Đông Sơn - một khởi nguồn của văn hóa Đại Việt, văn hóa Việt Nam hiện nay. Chưa hết, văn hóa xứ Thanh vừa là điểm khởi đầu, vừa là điểm giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc, giữa sự trầm lắng với nét hào sảng của hai vùng văn hóa Bắc bộ và Trung bộ.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Bà Triệu.
Bởi nằm gọn trong vùng văn hóa sông Mã nên Thanh Hóa đã góp vào kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam nhiều di sản và bảo vật quốc gia quý giá. Đồng thời, từ môi trường sinh thái nhân văn gắn với các thiết chế xã hội, gia đình, dòng họ, cộng đồng... là cơ sở để kết tinh nên các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn tư duy, lối ứng xử của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội. Điển hình hệ thống 1.535 di tích, trong đó có di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, nếu nói văn hóa dân gian là một “thực thể sống”, gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng, thì văn hóa xứ Thanh có thể xem là một bảo tàng “thực thể sống”, với một pho ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian và các tín ngưỡng, phong tục, lễ hội riêng, độc đáo, khác biệt. Chưa hết, xứ Thanh cũng là quê hương của các điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn đặc sắc, nổi bật là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả, dân ca dân vũ Đông Anh... Tất cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần lấp lánh, gắn với triết lý sống giàu tính nhân văn, đã góp phần làm nên “bộ gien” văn hóa quý, có khả năng biểu trưng một cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của những tộc người trên dải đất này trong trường kỳ lịch sử.
...
Khi bàn về vai trò của văn hóa, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO đã đưa ra nhận định có tính mở đường cho việc coi văn hóa là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững: Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa, thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng về cả mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của các nước ấy sẽ bị suy yếu đi rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy, phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động lực và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa. Nhưng đó là điều cho đến nay vẫn thiếu. Do đó, văn hóa cần coi mình là một nguồn cổ xúy trực tiếp cho phát triển và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội.
Đó là xu thế mà ngày nay Việt Nam nói chung, các địa phương trong đó có Thanh Hóa nói riêng, đang hướng đến và thực thi. Đó là nỗ lực bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Đồng thời, vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Từ đó, giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của con người, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Theo Bài và ảnh: Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-xu-thanh-nhung-gia-tri-dac-sac-bai-1-nguon-rieng-trong-dong-chung-van-hoa-dan-toc/181679.htm
Bài 2: “Cái nôi” di sản văn hóa.