Thứ hai, ngày 25/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Hệ lụy khôn lường từ việc tin vào thầy bói online (29/03/2023-8:16)
    Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, dịch vụ xem bói online ngày càng nở rộ, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia bình luận và mù quáng tin tưởng vào những “cô đồng”, “thầy cốt” để rồi phải chịu những hậu quả khôn lường.

 Chỉ cần clik chuột vào các trang facebook, zalo, tiktok... sẽ bắt gặp vô số quảng cáo về xem tử vi miễn phí (ảnh minh họa).

Khoảng 20 đến 21 giờ hàng ngày, anh N.V.Q. ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) lại chờ các “thầy, cô” trên mạng phát trực tiếp trên trang facebook để xem “phán” về tử vi, tướng số, đất đai, mồ mả, vận hạn... của nhiều người có ngày, tháng, năm sinh kèm theo. Nghe các “thầy, cô” nói thấy bùi tai, nên lâu rồi thành “nghiện”, anh Q. cũng tò mò để lại phần bình luận trên livestream của tài khoản Phạm M. và nhắn “cô” xem cho mình. Cho rằng may mắn vì trong hàng nghìn lượt comment, “cô” cũng trả lời mình nhưng chỉ là qua loa về vận hạn, lộc hưởng năm nay; sau đó “cô” nói sẽ nhắn tin riêng nếu muốn xem kỹ hơn. Khi nhắn tin riêng cho “cô” thì anh được trả lời: Nếu muốn xem tử vi thì số tiền dao động 1 - 10 triệu đồng, tùy vào xem trực tiếp cùng “cô” (chờ cùng nhiều người khác và xem trong phòng chung) hay xem online (gồm gói đào tạo).

Còn chị N.T.H., phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) cho biết, qua một đồng nghiệp làm cùng cơ quan, chị biết đến cô xem bói qua điện thoại, zalo tại TP Thanh Hóa có nick name M.Q.L.. Thấy đồng nghiệp này quảng cáo “cô” xem rất đúng, chị H. tò mò muốn xem thử. Khi gọi điện thoại liên hệ, chị H. được “cô” hướng dẫn nếu đồng ý xem thì chuyển số tiền 300.000 đồng đến số tài khoản của “cô”. Sau đó, kết bạn zalo với “cô”, cung cấp cho “cô” ngày, tháng, năm sinh để “Cô” xem bói. “cô” sẽ gửi tin nhắn âm thanh qua zalo để trả lời những câu hỏi của khách hàng. Mỗi lần xem bói kéo dài 30 - 45 phút. “Tôi xem để biết cho vui thôi chứ không tin lắm. Tuy nhiên, có nhiều người vì tin lời thầy bói phán mà hoang mang, lo lắng, tiền mất, tật mang”, chị H. cho hay.

Trong vai một người có nhu cầu xem bói, tôi nhắn tin với một “thầy” có nick facebook là Thầy Cao Anh (Hà Nội) với nội dung nhờ thầy xem vận hạn trong năm nay. Chỉ 1 phút sau đã có dòng tin nhắn tự động trả lời với nội dung: “Mình muốn biết năm 2023 và những năm tiếp theo của mình ra sao, thầy sẽ giúp mình tư vấn qua tờ lập trình mật mã thống kê, trong đó có 12 cung số nói về tiền tài, sức khỏe, công danh, tình duyên... khi đó thầy sẽ tư vấn được chính xác mình sẽ có hạn gì và cách hóa giải ra sao”. Thủ tục đăng ký: “Mua 1 tờ lập trình mật mã thống kê có bản quyền của Thầy Cao Anh trị giá 1 triệu. Có tờ này Thầy Cao Anh cùng đội ngũ công sự sẽ hỗ trợ chị tư vấn miễn phí ạ!”.

Sau đó tôi gửi lại số điện thoại, 15 phút sau có người gọi điện lại - xưng là trợ lý của “thầy”, hướng dẫn cách nộp tiền vào số tài khoản và đặt lịch hẹn với “thầy” Cao Anh. Đội ngũ trợ lý của thầy còn “quảng cáo” ngoài xem tử vi “thầy” còn có những buổi dạy cách xem tử vi cho học viên với giá 12 triệu đồng; thầy còn cứu chữa được những người bị “vong ốp”, “quỷ, trăn, rắn tinh nhập”... và giá cả thì tùy theo từng gói dịch vụ nhưng thấp nhất là 1 triệu đồng/1 lần xem.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, tình trạng bói toán trực tuyến nở rộ; chỉ cần clik chuột vào facebook, zalo, tiktok sẽ bắt gặp vô số những trang như: “Review xem bói Hà Nội”, “Xem bói online chuẩn”, “Xem bói miễn phí”... Với phương thức quảng cáo rầm rộ với đủ mọi “dịch vụ tâm linh” miễn phí gồm: tử vi, tướng số, xem bói phong thủy, chọn ngày đẹp, tìm người thất lạc, thậm chí livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán..., các trang web, tài khoản mạng xã hội về nội dung này thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Một số tài khoản tự xưng là “cậu”, “cô”, quảng cáo có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của đời người thông qua các đường chỉ tay, tướng mạo... Bên cạnh hình thức xem bói, giải hạn online, nhiều tài khoản đã lợi dụng sự cả tin của người dân, vừa lôi kéo, vừa dụ dỗ và quảng cáo rằng có thể phù phép vào các loại vật phẩm, như vòng đeo tay, bột sa ngải, bùa chú... nhằm bán kiếm lời. Điểm đặc biệt là các loại vật phẩm được gọi là phong thủy này có giá không hề rẻ, giá từ vài trăm ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng tùy theo nhu cầu và sự “tin tưởng” của khách hàng. Nắm bắt được tâm lý mê tín lại nhẹ dạ cả tin của khách hàng, nhiều đối tượng còn hét “giá trên trời” mà vẫn nhộn nhịp người “mắc câu”. Một chiêu thức nữa mới xuất hiện gần đây là một số đối tượng đã lập các trang chuyên về tâm linh, bói toán, xem tướng,... đăng tải những bài viết có nội dung kêu gọi người dân để lại số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ để thu thập thông tin cá nhân. Từ đó, các đối tượng tiến hành mạo danh nhà chùa gọi điện đến các số điện thoại đã thu thập được để mời chào, lừa bán các vật phẩm tâm linh.

Nhu cầu sinh hoạt tinh thần, trong đó có hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là quyền và nguyện vọng chính đáng của người dân nhưng phải phù hợp với đạo lý truyền thống văn hóa dân tộc và những quy định của pháp luật. Không thể lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng dân gian để mê hoặc, trục lợi người khác, làm hoang mang dư luận, làm nhiều người lo sợ, mất niềm tin vào đời thực, u mê lạc lối trong cõi huyền bí của ma quỷ, thần tiên, đổ lỗi cho số phận, cho tiền kiếp, tổ tông... Để tránh rơi vào cạm bẫy và những lời dụ dỗ, chiêu trò của những kẻ lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để mê hoặc lòng người, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, vốn sống, vốn hiểu biết cần thiết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của những câu chuyện, vụ việc liên quan; giữa ranh giới của niềm tin, tín ngưỡng, phong tục truyền thống với mê tín dị đoan, lừa đảo; xây dựng thế giới quan khoa học, vững tin vào cuộc sống, không chạy trốn thực tại.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Hướng dẫn công chúng, nhất là giới trẻ kỹ năng sử dụng, tương tác an toàn, lành mạnh, trách nhiệm, đúng chuẩn mực trên mạng xã hội. Xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận để truyền bá những tư tưởng sai trái, mê tín, dị đoan, dụ dỗ người dân đi theo các nhóm tà đạo, kinh doanh tâm linh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống của công chúng, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên... Điều quan trọng là mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề, không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, không tin theo bói toán vô căn cứ để mê muội, dẫn đến tiền mất tật mang.

Theo Trần Hằng/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/he-luy-khon-luong-tu-viec-tin-vao-thay-boi-online/182292.htm

 

Các tin khác:
  • Để thể thao thực sự thay đổi cuộc sống (27/03/2023-11:30)
  • Tháng Thanh niên: Rạng ngời hình ảnh thanh niên Việt Nam (26/03/2023-12:17)
  • Sẽ xử lý người tung tin sai sự thật về việc trẻ em bị bắt cóc tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) (26/03/2023-11:53)
  • Nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo các yêu cầu từ cuộc gọi lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại” (18/03/2023-6:34)
  • Nghiêm trị những hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng (09/03/2023-8:20)
  • Giải cơn khát (06/03/2023-11:56)
  • Ra quân làm sạch biển và hưởng ứng Chương trình những bước chân vì cộng đồng chặng 9 - năm 2023 (06/03/2023-10:48)
  • Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể (21/02/2023-8:38)
  • Ngăn chặn việc “chạy” học bạ (17/02/2023-12:27)
  • Dư âm còn mãi (10/02/2023-9:34)