Một góc TP Thanh Hóa hiện đại và giàu đẹp. Ảnh: P.V
Khẳng định vai trò đô thị tỉnh lỵ
Là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh, TP Thanh Hóa giữ vị trí rất quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa. Không những thế, vùng đất cổ nằm ở trung tâm đồng bằng sông Mã, sông Chu - những trung tâm dân cư lớn và lâu đời nhất của cả nước - đã và đang nắm giữ những truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa - nhân văn vô cùng sâu sắc. Đặc biệt, theo định hướng, việc sáp nhập TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn nhằm mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển cho TP Thanh Hóa trong tương lai, sẽ góp phần khẳng định vai trò đô thị tỉnh lỵ của TP Thanh Hóa đối với một tỉnh lớn và đang phát triển mạnh mẽ như Thanh Hóa.
Để tạo tiền đề cho công cuộc mở rộng không gian phát triển đô thị, ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 (gọi tắt là Quy hoạch). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai. Quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, tổng diện tích khoảng 22.821 ha; với quy mô dân số, dự báo đến năm 2030 có khoảng 780.000 đến 800.000 người, đến năm 2040 có khoảng 1.000.000 người.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và là một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được xây dựng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong khi, đô thị Thanh Hóa nằm ở vị trí hậu phương cho Cảng biển Nghi Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch... đây là những cơ hội đầu tư và mở rộng giao thương quốc tế của đô thị Thanh Hóa. Không dừng lại ở đó, thông qua quan hệ liên đô thị với TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa cũng có khả năng khai thác gián tiếp lợi thế của khu vực duyên hải về kinh tế biển và là điểm kết nối ba vùng miền núi, đồng bằng, ven biển tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, theo Quy hoạch, đô thị Thanh Hóa gồm 2 đơn vị hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đều đã được đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất khá tốt. Trong đó, TP Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt trình độ phát triển theo tiêu chí đô thị loại I vào năm 2014; huyện Đông Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2019.
Một góc TP Thanh Hóa - đô thị đang được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, TP Thanh Hóa có lịch sử phát triển lâu dài, đóng vai trò là trung tâm tổng hợp tỉnh lỵ. Điều này là minh chứng về sự “ổn định, tính kế thừa và sự phát triển liên tục của đô thị”. Khu vực quy hoạch nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng Thanh Hóa được bao bọc bởi hệ thống cảnh quan đồi núi, sông Mã, sông Chu; xa hơn là vòng cung núi ở phía Tây và biển ở phía Đông tạo nên khung cảnh thiên nhiên “hội sơn tụ thủy” đặc sắc cho đô thị. Khung cảnh này cần được bảo tồn khai thác như một “bộ khung” không gian tự nhiên trong cấu trúc không gian tự nhiên của đô thị. Bao quát trong một không gian rộng hơn (vùng phụ cận thành phố), không xa về phía Tây là dãy Ngàn Nưa linh thiêng và lịch sử, về phía Đông là Vịnh Bắc bộ, tạo nên thế “tựa núi - bên sông - hướng biển”.
Dựa trên những cơ sở được phân tích nêu trên, việc xây dựng Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, sẽ tận dụng được điểm mạnh về vị trí địa lý, kinh tế và vai trò của đô thị Thanh Hóa với tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, là yếu tố quan trọng để định hướng phát triển thành phố không chỉ là “Đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh Thanh Hóa” mà còn là “Một trung tâm giao thương, kết nối của vùng Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam và vùng Đông Bắc nước Lào”. Hơn nữa, việc Quy hoạch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; mà còn góp phần tạo nên giá trị và bản sắc riêng của đô thị Thanh Hóa.
Những thông điệp giàu cảm xúc
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, hướng đến xây dựng một thành phố tương lai mang các giá trị hay thông điệp giàu cảm xúc. Đó là “Xây dựng một thành phố là nơi hội tụ và kết nối”, tập trung phát triển đô thị Thanh Hóa với hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng để phát huy vai trò, vị thế của tỉnh Thanh Hóa là một “cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa; và là trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào; đồng thời là nơi thu hút, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao cho cả nước và quốc tế.
Cùng với đó, “Nâng cao vai trò trung tâm động lực để phát triển tỉnh Thanh Hóa”: Xây dựng đô thị Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp của tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng vai trò là “trung tâm của các trung tâm động lực tỉnh Thanh Hóa (tứ Sơn)”, đảm nhận các chức năng chính về dịch vụ cao cấp - nhân lực trình độ cao - nhà ở đô thị; liên kết với KKT Nghi Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng hình thành trụ cột về công nghiệp của tỉnh, trong đó tại đô thị Thanh Hóa chủ yếu là công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ cho công nghiệp chủ lực tại KKT Nghi Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng; đồng thời tạo ra các sản phẩm khác có giá trị gia tăng lớn, hướng tới xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ ổn định. Liên kết với TP Sầm Sơn và khu vực ven biển Quảng Xương, Hoằng Hóa hình thành trụ cột về du lịch, trong đó đô thị Thanh Hóa đóng vai trò trung tâm kết nối, có các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử và cảnh quan sinh thái đồng bằng mà trọng tâm là khu vực sông Mã, Hàm Rồng - Núi Đọ và du lịch đô thị (mua sắm, vui chơi giải trí, hội nghị hội thảo), cũng như bổ sung hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp cho du lịch nghỉ dưỡng biển. Liên kết với các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa để phát triển nông nghiệp, bảo đảm lương thực và phát triển nguồn nhân lực.
Khu vực phía Bắc TP Thanh Hóa.
Ngoài ra, “Xây dựng thành phố đẹp, bản sắc, sinh thái, môi trường thuận lợi”. Theo đó, Quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái với định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ, phát triển các quỹ đất để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố. Với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa Đông Sơn, đồng bằng sông Mã.
Có nhận định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch chung ở một số đô thị lớn đã và đang cho thấy tính chiến lược nhiều hơn là một công cụ kỹ thuật đơn thuần. Nói cách khác, quy hoạch chung phải phản ánh tầm nhìn và chiến lược về đầu tư công cũng như khả năng thu hút nguồn lực cho phát triển. Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, trước hết nhấn mạnh đến sự phù hợp của việc sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Đó là sự phù hợp về văn hóa, lịch sử khi TP Thanh Hóa trước đây bắt đầu từ thị xã Thanh Hóa được thành lập năm 1889 theo đạo dụ của vua Thành Thái, từ 7 làng thuộc các tổng Bố Đức và tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. Tiếp đó là sự phù hợp về không gian phát triển đô thị, khi sáp nhập huyện Đông Sơn sẽ giúp mở rộng không gian phát triển đô thị gắn với nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam, để thành phố liên kết với các tuyến đường huyết mạch mới của quốc gia; đồng thời đẩy mạnh liên kết với vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Ngoài ra, còn phải kể đến sự phù hợp về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, khi hiện tại huyện Đông Sơn có diện tích chỉ đạt 17,7%, dân số đạt 75% so với huyện tiêu chuẩn đồng bằng. Do vậy việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính này là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đặc biệt, thêm một điểm cần nhấn mạnh nữa là sự phù hợp của Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn trở thành trung tâm động lực của tỉnh, với trọng tâm phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, đưa đô thị du lịch Sầm Sơn thành một trong những trọng điểm du lịch biển của cả nước. Đồng thời, phát triển hành lang kinh tế trung tâm: Là trục trung tâm của cả tỉnh theo hướng Đông - Tây; giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế, đô thị và dịch vụ của cả tỉnh. Kết nối TP Sầm Sơn - TP Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân.
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 xác định tầm nhìn chiến lược là hướng tới xây dựng đô thị Thanh Hóa trở thành “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển”. Trên cơ sở đó, đô thị Thanh Hóa sẽ phát triển theo 3 giai đoạn chính, bao gồm: “Giai đoạn phát triển chủ yếu nhờ thu hút đầu tư và tăng quy mô nguồn nhân lực”. Trong giai đoạn này sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật TP Thanh Hóa hiện hữu, nâng cao chất lượng đô thị; hình thành các khu vực phát triển đô thị mới, đặc biệt tại huyện Đông Sơn, hướng tới sáp nhập 2 đơn vị hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn để mở rộng quy mô đô thị. Củng cố các hướng liên kết trong tỉnh, hình thành bước đầu tại đô thị Thanh Hóa các yếu tố động lực cấp vùng về công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch để tăng giá trị sản xuất toàn xã hội và nhu cầu lao động dẫn đến gia tăng dân số cơ học.
Giai đoạn “tăng tốc phát triển” dựa vào nâng cao công nghệ, năng suất và trình độ nguồn nhân lực. Tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như y tế, giáo dục, thể thao, nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ thương mại, du lịch trong mối liên kết giữa các vùng Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng, hướng tới các vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào... Giai đoạn “thịnh vượng kỳ vọng” khi đô thị Thanh Hóa là nơi có đủ điều kiện đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao tầm cỡ quốc tế. Nhờ có bộ phận nhân lực cao cấp này, đô thị Thanh Hóa có thể trở thành trung tâm cấp quốc gia và khu vực trong một số lĩnh vực thế mạnh. Tầm nhìn là một thành phố có bản sắc, có hạ tầng đô thị hiện đại, cảnh quan đẹp, khí hậu thuận lợi và môi trường trong sạch, là nơi thu hút người dân trong nước và quốc tế đến sinh sống, làm việc và vui chơi, giải trí...
Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, với những mục tiêu chung, những định hướng lớn và đặc biệt là những thông điệp, giá trị hướng đến tạo dựng một đô thị hiện đại và giàu bản sắc, là những tiền đề căn bản để phát triển đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa.
Theo Nhóm phóng viên CT-XH/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/kinh-te/quy-hoach-chung-do-thi-thanh-hoa-xuong-song-cua-su-phat-trien-bai-1-tam-nhin-chien-luoc/182771.htm
Bài 2: Điểm tựa để biến tiềm năng thành động lực phát triển.