Sau gần 4 năm, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng đều tăng, do đó, việc tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng là điều cần thiết. (Ảnh: VM)
Tăng lương cơ sở là cần thiết
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023, tức là còn khoảng 2 tháng nữa sẽ được áp dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Với mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng, tương đương 20,8%, một phần nào đó cải thiện đời sống của người lao động.
Bởi lẽ, mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng được áp dụng từ năm 2019, thời điểm này đại dịch COVID-19 còn chưa xuất hiện. Sau gần 4 năm, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng đều tăng. Một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, gạo, hay các nhóm hàng nhiên liệu như xăng, dầu,... mới đây nhất là điện cũng đã tăng. Do đó, việc tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng là điều cần thiết.
Theo ông Cường, tiền lương là nguồn thu nhập chính của hầu hết người dân. Số tiền này được dùng để đảm bảo cho người lao động duy trì được cuộc sống hằng ngày và còn có thể dự phòng cho cuộc sống lâu dài khi họ hết khả năng lao động hoặc xảy ra những bất trắc.
Tuy nhiên, Luật sư Đặng Văn Cường quan ngại, việc tăng lương cơ sở cũng sẽ tác động tới giá cả thị trường. “Mức tăng 20,8% sẽ phần nào cải thiện đời sống của người lao động, tuy nhiên giá cả thị trường cũng sẽ tăng lên để bù chi phí xã hội”, ông Cường cho biết.
Lương cơ sở để làm gì?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương của các cán bộ, công chức, viên chức. Theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 38/2019/NĐ-CP có quy định về lương cơ sở làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với đối tượng theo quy định. Đồng thời, dùng để tính mức sinh hoạt phí, hoạt động phí theo quy định và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở sẽ áp dụng đối với cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người trong các đơn vị sự nghiệp công lập; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn hoặc tổ dân phố.
Để tính và áp dụng mức lương cho người lao động thì cần dựa vào mức lương cơ sở và hệ số lương của các đối tượng. Mức lương cơ sở được áp dụng theo chu kỳ khác nhau và có thể dựa vào chỉ số giá tiêu dùng hiện tại và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì mức lương cơ sở sẽ có những sự thay đổi nhất định nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu đời sống của mọi người.
Theo Định Trần/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/y-kien-chuyen-gia-tang-luong-co-so-la-can-thiet-post247961.html