Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc theo học đại học đối với các em học sinh là một thử thách lớn đối với đại đa số gia đình con em nông thôn. Ảnh: T.L
Những con số biết nói
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin: Năm 2023 có 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này, những thí sinh dự thi chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp 73.232 (chiếm 7,14%), thí sinh chỉ xét tuyển sinh 34.203 (chiếm 3,34%), thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh 917.731 (chiếm 89,52%). Con số này của năm 2022 là 941.759 thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022 có đăng ký xét tuyển đại học. Việc các năm gần đây số thí sinh có đăng ký xét tuyển đại học ở mức cao cho thấy nhu cầu theo học đại học của các em rất lớn. Bình luận về con số này, chị Hoàng Thị Mỹ Quý ở Hà Tĩnh cho rằng, việc có nhiều em đăng ký thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học phản ánh thực tế trong sâu thẳm trái tim mỗi học sinh đều muốn được theo học đại học.
Tuy nhiên, con số đăng ký và thực tế nhập học đại học lại là những số liệu trái ngược nhau. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2022 cả nước có 48,09% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT theo học đại học. Cá biệt nhiều tỉnh thành miền núi như: Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu có tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp THPT theo học đại học thấp dưới 30%. Các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa tỷ lệ nhập học còn thấp hơn trung bình cả nước. Các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ tỷ lệ nhập học đại học cũng đạt gần 30%.
Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sư phạm vào khoảng 550.000 chỉ tiêu nhưng nhiều ngành nghề, nhiều trường học không tuyển đủ thí sinh theo học. Riêng năm 2022, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT đã có hơn 325.000 thí sinh trước đó đăng ký xét tuyển đại học đã không tham gia đăng ký xét tuyển.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT từng khẳng định, việc có 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại. Theo vị này, thì năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không.
“Đa số các em sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí” - bà Nguyễn Thu Thủy cho biết
Theo số liệu, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270, năm 2021 là 794.739 thí sinh. Nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 chỉ còn 616.522 giảm mạnh so với năm 2021. Bàn về vấn đề này, chị Hoàng Thị Mỹ Quý nêu ý kiến, việc thí sinh có nguyện vọng theo học đại học với đăng ký thực tế đã giảm trong 3 năm qua có lý do xuất phát từ điều kiện kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc theo học đại học đối với các em học sinh là một thử thách lớn đối với đại đa số gia đình con em nông thôn. Tại một tỉnh có truyền thống hiếu học như Hà Tĩnh, tỷ lệ theo học đại học của học sinh tốt nghiệp THPT thấp hơn mức trung bình cả nước đã cho thấy nhiều gia đình không đủ chi phí cho con theo học đại học.
Rào cản học phí đang gây ra nhiều khó khăn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận thì nhiều đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh đã nhiều lần gửi kiến nghị của cử tri phản ánh về tình trạng học phí đang là rào cản đối với học sinh tiếp cận giáo dục đại học. Cử tri tỉnh An Giang đã kiến nghị lên Bộ GD&ĐT và yêu cầu cần có giải pháp. Theo đó, năm 2022 - 2023 học phí đại học tăng nhiều gây ra tâm trạng lo lắng, khó khăn cho phụ huynh. Cử tri tại tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, có lộ trình thực hiện chính sách thu học phí hợp lý hơn. Theo đó, cử tri phản ánh, việc các cấp học, bậc học đều tăng học phí từ năm học 2022-2023 gây áp lực rất lớn cho các gia đình có con đi học. Đáng chú ý, hiện nay, nhiều trường đại học khi chuyển sang tự chủ thì mức thu học phí cũng tăng cao so với trước đây.
Trong khi đó, cử tri tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh để các em hiểu được tầm quan trọng của việc học. Vì hiện nay không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cho các em học đại học vì học phí quá cao, các trường dạy nghề học phí thấp nhưng các em lại không lựa chọn theo học nghề.
Qua kiến nghị của các đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, học phí đang là rào cản lớn khiến học sinh không tiếp cận được giáo dục đại học. Theo lộ trình năm nay, học phí đại học công lập tiếp tục tăng. Việc học phí đã là rào cản đối với học sinh tiếp cận giáo dục đại học đang trở thành thực tế.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm Lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc người dân đóng góp học phí là góp phần bù đắp thiếu hụt của Nhà nước chưa đảm đương được. Đất nước Cuba khó khăn như thế nhưng họ không thu tiền học phí của sinh viên. “Không được dùng bẫy học phí để gạt học trò theo học đại học” – ông Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.
Giáo sư Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học cũng cho rằng, nhà trường mở ra không phải nhằm mục tiêu thu học phí mà là trang bị tri thức cho mọi người. Hơn nữa, giáo dục là để phục vụ quần chúng. Quần chúng không có điều kiện học thì phải giúp họ được học. Cả thế giới đều mong muốn học tập suốt đời. Muốn học suốt đời thì phải học đại học chứ không phải trình độ phổ thông.
“Từ năm 2006, Đảng và Nhà nước ta đã nói đến một nền giáo dục mở là nền giáo dục không rào cản. Cho nên mọi người sẽ được tiếp cận học đại học với những chương trình và phương pháp khác nhau, đó mới là cách để nâng chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đất nước” - Giáo sư Phạm Tất Dong nói.
Cũng liên quan vấn đề này, ông Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho hay mặt bằng học phí của các trường đại học công của Việt Nam tương đối thấp, nhưng không hẳn ở mức đáy. Khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục đại học ngoài yêu cầu đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, việc tăng học phí sẽ gây khó khăn cho một số đối tượng sinh viên yếu thế.
Sớm đánh giá tác động của việc tăng học phí!
Theo nghị quyết 81 của Chính phủ, từ năm học 2022-2023 học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hàng năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất 2 phương án học phí cho năm học 2023-2024.
Phương án 1: Áp dụng theo đúng lộ trình học phí tại Nghị định số 81. Mức trần học phí giáo dục đại học công lập tăng cao bình quân 45,7% so với năm học 2022-2023.
Phương án 2: Điều chỉnh lộ trình học phí lùi 1 năm so với lộ trình tại Nghị định 81.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cả hai phương án này đều sẽ tác động tới người dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thông qua nghị quyết về mức học phí năm học tới vào kỳ họp tháng 7. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đánh giá tác động của việc tăng học phí tới người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế để sớm quyết định có tăng học phí cho năm học mới hay không.
|
Theo Trinh Phúc/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/rao-can-hoc-phi-dang-khien-nhieu-hoc-sinh-tu-bo-uoc-mo-giang-duong-post248123.html