Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo diễn biến sự việc, cách đây 4 ngày một khách du lịch đến Sầm Sơn, khi ăn sáng đã gọi một suất bún chả được niêm yết giá cụ thể là 35K (tức 35.000 đồng), nhưng người này chỉ nhận được 2 cái chả và một đĩa bún. Không hài lòng, vị khách này đã chụp ảnh và tung lên mạng xã hội với ý nói rằng mình bị “chặt chém”. Thông tin lập tức thu hút rất nhiều sự quan tâm, bình phẩm, có nhiều người chê bai. Tuy nhiên những người sử dụng mạng xã hội công tâm đã cho rằng, đó có thể mới chỉ là hiện tượng, cần phải xem xét, kiểm tra xem thực hư thế nào và có sự phát ngôn chính thức từ cơ quan chức năng.
Ngay sau khi tiếp nhận sự việc, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và có thông tin chính thức rằng, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh của quán đầy đủ cả, việc niêm yết giá cũng đầy đủ, đúng quy định. Thực tế là suất bún không chỉ có thế, mà còn có rau sống, đồ muối ăn kèm và nước uống... đều là những nguyên liệu làm nên giá thành suất bún, nhưng đã không được vị khách chụp cùng. Trước khi khách ăn, chủ quán đã nói rõ suất bún giá 35.000 đồng chỉ được như thế thôi. Nghĩa là đã công khai không chỉ về giá mà còn công khai chất lượng, số lượng. Đây là một câu chuyện thuận thì mua, vừa thì bán, chẳng có ai làm khó cho ai cả, không thể gọi là o ép, “chặt chém”.
Ở khu du lịch, việc giá cả nhiều dịch vụ đắt đỏ hơn ở những nơi khác cũng là điều thường thấy. Không chỉ Sầm Sơn, mà ở nhiều khu du lịch khác, giá cả đều có sự cách biệt so với mặt bằng chung. Bởi ở những khu du lịch giá thành làm nên các sản phẩm, dịch vụ đều rất đắt. Đắt từ việc thuê mặt bằng. Đắt từ việc phải trả các loại phí. Mà xét cho cùng, những thứ phí ấy cơ quan chức năng có thu thì cũng là để nâng cấp, tái tạo các dịch vụ công cộng cho khu du lịch. Sử dụng dịch vụ này đắt một chút, thì sẽ được miễn phí dịch vụ kia, đều là tiền của du khách cả. Còn thà rằng, khách hàng vào ăn mà không biết mình sẽ ăn gì, giá bao nhiêu, để khi đứng dậy phải nhận hóa đơn ngoài sức tưởng tượng, thế mới có thể gọi là “chặt chém”. Mà điều đó thì hoàn toàn không có, nó đã là câu chuyện “đã xưa” với du lịch Sầm Sơn.
Những năm qua với quyết tâm chính trị, chính quyền TP Sầm Sơn không chỉ quyết liệt tạo ra một môi trường du lịch chất lượng, an toàn, mà còn phải thân thiện, thấu tình, đạt lý. Khi có thông tin phản hồi đều vào cuộc xử lý ngay, xử lý khách quan và trách nhiệm. Trong câu chuyện này, vị khách du lịch dù nhận được sự hưởng ứng của nhiều người trên không gian mạng sau khi đăng hình ảnh, nhưng cũng có nhiều người cho rằng như thế là vội vàng, thiếu suy xét, mang tính cá nhân.
Rõ ràng quanh câu chuyện suất bún chả giá 35.000 đồng ở Sầm Sơn đã phơi bày ra một thực tế đó là: Đẹp, xấu, hay, dở đều gắn với quyền cá nhân, cụ thể hơn là nhận thức của mỗi người. Trong thế giới phẳng, khi đón nhận một sự việc nào đó, có rất nhiều người a dua “ném đá” dù chưa biết bản chất sự việc thế nào, thì vẫn còn đó những người sử dụng mạng xã hội một cách công tâm, không bị cuốn vào vực xoáy của thông tin để trở thành “nô lệ” của thông tin, bị thông tin “dắt mũi”. Đó là điều rất đáng mừng!
Theo Thái Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dieu-dang-mung-qua-mot-thong-tin/186724.htm