Cứ tới nghỉ hè, các phụ huynh, cả ở nông thôn và thành thị, lại lo một mối lo không của riêng ai.
Các vận động viên là học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tham gia thi bơi. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Thường vào dịp cuối năm học và trong hè, khi đa số học sinh đã không còn vướng bận học hành và thi cử, phụ huynh thường có xu hướng cho các con đi du lịch, tham quan, dã ngoại, tham gia hoạt động trải nghiệm để xả hơi sau một năm miệt mài với sách vở.
Thế nhưng, chính những hoạt động ngoài trường học đó lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ, nhất là những hoạt động diễn ra ở những nơi không được cấp phép du lịch, mang tính tự phát.
Sự việc đau lòng mới xảy ra khiến một phụ huynh và một học sinh ở Hà Nội thiệt mạng là một ví dụ rõ nét nhất. Vào ngày 20/5, đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh của một trường tư thục (Hà Nội) tự tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định). Khi tham gia trải nghiệm bắt ngao tại đây, thủy triều dâng lên quá nhanh đã cuốn một học sinh và một phụ huynh, gây nên cái chết thương tâm. Điều đáng nói là khu vực xảy ra tai nạn là bãi tự phát, chưa đủ điều kiện để khai thác du lịch, từng có biển cấm lội xuống cát nhưng đã bị đổ.
Ngay sau sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường học tuyệt đối không tổ chức các hoạt động trải nghiệm tự phát.
Cấm trải nghiệm tự phát là cần thiết nhưng liệu có đảm bảo không lặp lại sự cố thương tâm như trên hay không, nhất là khi nhu cầu cho trẻ khám phá thiên nhiên, trải nghiệm ngoài trường học ngày càng lớn, đặc biệt là trẻ sống ở thành thị.
Kỳ nghỉ hè cũng là thời điểm thời tiết nóng nực nên nhu cầu tìm về những nơi có sông, có hồ, có biển là rất lớn. Hiện nay, một số bậc phụ huynh trẻ tuổi còn thích đưa con tới những dòng suối, dòng thác mới được phát hiện, ít người biết để tận hưởng cảm giác thư giãn, tránh xa các khu du lịch truyền thống vốn đông đúc. Nhưng chính những địa điểm “phượt” không mấy người biết tới này lại tiềm ẩn rủi ro vì không có nhân viên cứu hộ, không có người hướng dẫn. Chỉ cần một chút lơ là, bất cẩn, cha mẹ có thể đặt chính bản thân và các con vào vòng nguy hiểm.
Kể cả những khu vui chơi có quản lý, trẻ cũng không thể được đảm bảo an toàn tuyệt đối nếu người lớn chủ quan, nhất là những tai nạn liên quan tới nước.
Nhắc tới tai nạn đuối nước là nhắc tới nỗi lo thường trực của phụ huynh khi mùa hè tới. Loại tai nạn này thường xảy ra với trẻ em ở vùng nông thôn, ngoại thành - những nơi có nhiều sông, hồ, ao, suối… Khi vui chơi, giải nhiệt ở những vùng nước tự nhiên này, dù biết bơi hay không biết bơi, trẻ em đều có nguy cơ gặp sự cố nếu không có đầy đủ kỹ năng và không có sự giám sát, quản lý của người lớn. Phần lớn vụ đuối nước ở trẻ em đều xảy ra khi không có người lớn ở cạnh. Do đó, thời điểm nghỉ hè, khi các em rời xa sự quản lý của nhà trường, thì trách nhiệm của phụ huynh càng lớn trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho con mình.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đuối nước là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tiến sĩ Kidong Park, từng là trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Mất một đứa con do đuối nước là một bi kịch mà một gia đình phải gánh chịu và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó”.
Tại Việt Nam, mặc dù số trẻ em bị đuối nước đã giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Hàng năm, Việt Nam vẫn có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Con số trên khiến Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước hàng đầu thế giới, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Việt Nam đã phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Cứ đến tháng 5 hằng năm, các bộ ngành liên quan và các địa phương đồng loạt phát động toàn dân tập luyện bơi. Các trường học cũng tích cực dạy kỹ năng bơi cho học sinh. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, trường nào cũng có điều kiện để dạy kỹ năng sinh tồn quan trọng này. Do đó, trách nhiệm hàng đầu vẫn thuộc về gia đình, cha mẹ - những người phải để mắt tới con mình trong kỳ nghỉ hè.
Nếu tai nạn đuối nước rình rập trẻ em nông thôn thì trẻ em thành phố lại gặp phải những tai nạn thương tích khác khi bị “nhốt” ở nhà trong lúc cha mẹ đi làm. Có thể kể các nguy cơ như bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, rơi ngã từ chung cư cao tầng… Đó là chưa nói tới những nguy cơ khác trong thế giới hiện đại như sa đà vào trò chơi điện tử, mạng xã hội rồi bị cuốn vào những nội dung không lành mạnh.
Có thể nói rằng dù trẻ em ở nông thôn hay thành thị, thì điểm chung khiến các em dễ gặp rủi ro, tai nạn trong hè là do người lớn chủ quan, thiếu thời gian dành cho con, thiếu sự quản lý và quan tâm đúng mức. Điều này cũng dễ hiểu khi mà con nghỉ hè nhưng bố mẹ không nghỉ làm, vẫn phải lao vào vòng xoáy công việc.
Cái khó đó khiến không ít cha mẹ buộc phải biến kỳ nghỉ hè thành “học kỳ 3” khi cho con học văn hóa hoặc tham gia các khóa học đủ thể loại để có người trông con trong thời gian hè. Nhưng như vậy, để đổi lấy an toàn cho trẻ, người lớn đã tước đoạt những ngày hè đúng nghĩa mà lẽ ra trẻ em phải được nghỉ ngơi, được khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ thay vì chỉ học kiến thức.
Thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, cha mẹ thiếu thời gian cho con… là những vấn đề luẩn quẩn chưa thể giải quyết triệt để mỗi khi học sinh kết thúc năm học. Có lẽ còn rất lâu nữa mới có thể phát triển đủ điều kiện về mọi mặt để hài hòa nhu cầu của trẻ em và người lớn trong dịp hè. Do đó, không ai khác, chính mỗi bậc cha mẹ cần thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, tình yêu thương để dành cho con một mùa hè an toàn và không lãng phí, để mỗi kỳ nghỉ hè là niềm vui với trẻ, là cơ hội để cha mẹ gắn kết hơn với con, chứ không phải là một nỗi lo đến hẹn lại lên.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com