Đánh giá hiệu quả đặt hàng nhà nước bằng tiêu chí về độ lan tỏa của tác phẩm phát thanh truyền hình (13/06/2023-14:55)
Theo thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: "Việc đặt hàng nhà nước tới đây sẽ có thêm yếu tố về đánh giá hiệu quả đặt hàng bằng tiêu chí, có cả tiêu chí về độ lan tỏa của tác phẩm báo chí. Các đơn vị cần chú ý đến việc sử dụng bộ công cụ đo để đánh giá".
Các đại biểu tham dự “Hội thảo về công tác quản lý trong hoạt động phát thanh, truyền hình”.
Cần có đơn giá mang tính đặc thù của lĩnh vực phát thanh truyền hình
Năm 2022, lĩnh vực Phát thanh truyền hình (PTTH) cả nước có tổng tài sản 31.000 tỷ đồng, nhân lực hoạt động hơn 15.800 người, tổng doanh thu trên 15.000 tỷ đồng. Hiện cả nước có 78 kênh phát thanh, phát sóng hơn 78.000 phút/ngày; 192 kênh truyền hình, phát sóng hơn 236.000 phút/ngày. Mặc dù truyền hình vẫn là phương tiện truyền thông có tần suất sử dụng cao (chỉ sau internet), nhưng người dùng đang dịch chuyển thói quen xem nội dung từ TV sang Online, đặc biệt đối với người dưới 35 tuổi.
Do vậy, xu thế quảng cáo truyền hình cũng cần thay đổi, các đơn vị cần chuyển ưu tiên từ kênh truyền thống sang kênh kỹ thuật số, nâng cao trải nghiệm người dùng; hợp tác sản xuất nội dung quy mô tầm cỡ với nội dung mới lạ, nguyên bản; phân phối rộng rãi đa kênh, đa nền tảng, đa màn hình và đa dạng hóa nguồn thu…
Tuy nhiên thực tế hoạt động của các Đài PTTH cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản xuất chương trình, cơ chế đặt hàng khi tự chủ tài chính...
Các đài địa phương cũng kiến nghị về việc hỗ trợ từ sử dụng phần mềm ứng dụng CNTT đơn lẻ chuyển thành sử dụng phần mềm ứng dụng dùng chung về cơ sở dữ liệu, về công cụ trực tuyến. Hỗ trợ về phát triển nội dung số để tính chất nội dung phù hợp xu thế nghe xem trên nền tảng số, kỹ năng sản xuất phải thích ứng với đặc điểm của thế hệ khán thính giả là công chúng số. Triển khai các biện pháp quản lý để làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực đến từ các vi phạm về quảng cáo trực tuyến, về thông tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài….
Giám đốc Đài PT&TH tỉnh Quảng Trị nhà báo Võ Nguyên Thủy cho biết, trước khi áp dụng đơn giá vừa qua được tỉnh phê duyệt thì các chương trình của Đài có mức đơn giá tốt hơn. Nhưng tới đây nếu áp dụng theo đơn giá mới bao gồm kể cả lương sẽ áp mức giá là 5 triệu 200 nghìn cho một sản phẩm truyền hình dài khoảng 10 phút. Hiện các huyện, cơ quan sở, ban ngành của tỉnh sẽ bám vào đơn giá này để yêu cầu Đài ký thực hiện đặt hàng, với mức đơn giá như vậy chúng tôi phải chấp nhận buộc dừng lại không thể sản xuất được nữa. Điều này gây khó khăn trong quá trình hoạt động.
Giám đốc Đài PT&TH tỉnh Quảng Trị cho rằng: "Trong quy định khi làm đơn giá là sẽ tính ngày công cho những tác phẩm phát thanh truyền hình, nhưng lại tính theo mức giá giống như nhiều ngành nghề thông thường khác mà không tính đặc thù của ngành nghề này sẽ là rất khó. Trong khi đó, có nhiều đề tài phóng viên truyền hình khai rất vất vả, mất nhiều công sức, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng… Việc chốt đơn giả thấp bằng những ngành nghề khác sẽ gây khó khăn cho các đài địa phương. Tôi mong muốn Bộ TT&TT có những cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo duy trì được hoạt động nghề nghiệp cũng như nhiệm vụ chính trị ở các Đài địa phương".
Chi trả thanh toán phải gắn với hiệu quả của chương trình mạng lại
Ở góc nhìn khác về đặt hàng, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, chúng tôi đã có 10 năm làm ở hội đồng thẩm định giá đối với các chương trình phát thanh truyền hình, vì thế câu hỏi đặt ra làm sao để có những địch mức sao cho phù hợp? Trước đây tính định mức cố định theo đơn giá có sẵn, nhưng bây giờ khi đặt hàng, nhà nước cần đưa thêm điều kiện nữa vào tác phẩm báo chí, đó là độ lan tỏa, độ truyền tải, có thể đo bằng Rating (chỉ số lượng khán giả bình quân trên 1 phút của một phương tiện truyền thông). Và không chỉ Rating trên truyền hình mà còn cả Rating trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhà nước có thể đặt hàng theo dạng tác phẩm truyền hình này truyền tải đến cho người dân với Rating ở mức tối thiểu là bao nhiêu. Có thể xây dựng Rating loại 1, loại 2, loại 3. Nếu Rating loại 1 thì định mức cần phải đẩy lên và tượng tự loại 2, loại 3 cần có định mức thấp hơn. Đây là cơ sở để tiến hành nghiệm thu. Và đây cũng là động lực để các đài tạo ra những tác phẩm phát thanh truyền hình hấp dẫn đặc sắc hơn, có độ lan tỏa hơn.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo đề xuất, các Đài PTTH cần đẩy mạnh tính địa phương trong nội dung, xây dựng thương hiệu và thế mạnh riêng. “Chúng ta không thể làm mỗi phát thanh, truyền hình, chúng ta cần làm truyền thông đa phương tiện, không chỉ làm mỗi phát thanh truyền hình. Tức là phải mở rộng sản xuất ra, trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức các sự kiện, làm rất nhiều thứ để làm sao có được nguồn kinh phí, hoàn thành nhiệm vụ là tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước và cho địa phương”.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, các đài địa phương cần cố gắng để tham mưu, cùng kiến nghị để thay đổi cách nghiệm thu sản phẩm đặt hàng nhà nước trong lĩnh vực báo chí. Đặt hành nhà nước cần phải tiến đến việc nghiệm thu, tính chi trả thanh toán phải gắn với hiệu quả của chương trình mạng lại. Chúng ta đang hiểu lầm là định mức kinh tế kỹ thuật là yếu tố duy nhất cấu thành giá của sản phẩm. Chúng ta còn một phần rất lớn nữa là chi phí thực tế.… Những Đài địa phương chưa triển khai nên học hỏi ở những địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng đơn giá này.
Tuy nhiên việc đặt hàng của nhà nước trong lĩnh vực phát thanh truyền hình nói riêng chắc chắn tới đây sẽ có thêm yếu tố về đánh giá hiệu quả đặt hàng nhà nước bằng nhiều tiêu chí cụ thể. Trong đó có cả tiêu chí về độ lan tỏa của tác phẩm báo chí. Các đơn vị cần chú ý đến việc sử dụng bộ công cụ đo để đánh giá.
“Trong tháng 6, việc quan trọng là trình sửa đổi danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Trong đó, sẽ bổ sung hàng loạt đầu việc, mục chi chưa có, chi phí truyền dẫn trên mọi hạ tầng, từ truyền thống tới hạ tầng mạng. Không có điều này sẽ không chuyển đổi số báo chí được và chúng tôi sẽ bảo vệ việc này”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com