Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên phát biểu tại lễ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023) và trao Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2022. Ảnh: Phong Sắc
Phóng viên (PV): Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, báo chí Cách mạng đồng hành cùng đất nước, dân tộc; là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên mảnh đất xứ Thanh "địa linh nhân kiệt", lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, kinh tế - xã hội những năm gần đây sôi động, có nhiều nét đột phá. Vậy, trong thành tích chung ấy, báo chí có vai trò, đóng góp như thế nào, thưa đồng chí?
Có thể khẳng định, những thành tựu và kết quả khá toàn diện mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trên các lĩnh vực trong thời gian qua bên cạnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong và ngoài tỉnh. “Với tinh thần “Hiểu Thanh Hóa, vì Thanh Hóa ”, các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên đã nỗ lực và trách nhiệm trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, toàn diện về tình hình trong tỉnh, trong nước và thế giới giúp cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân kịp thời nắm bắt và ủng hộ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh ta hiện có gần 600 người công tác ở các cơ quan báo chí của tỉnh và các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú báo chí Trung ương và tỉnh thành bạn. Với trách nhiệm, sự tâm huyết nghề nghiệp đã phát huy vai trò tiên phong, tích cực tuyên truyền đưa nghị quyết các cấp của Đảng lan tỏa thấm sâu vào cuộc sống; góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và quyết tâm chính trị của các ngành, các cấp, của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thi đua thực hiện để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Báo chí đã đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, với phương châm “Hướng về cơ sở”, phản ánh đậm nét, kịp thời, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Nội dung trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện, đấu tranh cao, nhất là đối với các vấn đề tồn tại, khuyết điểm, bức xúc ở các địa phương, đơn vị, giúp cơ quan chức năng của tỉnh nắm bắt và xử lý kịp thời, góp phần ổn định dư luận xã hội.
Trước các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, trong các thời khắc đầy khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, cùng với hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm báo đã không quản ngày đêm, bám sát hiện trường, dũng cảm đi vào tâm dịch, tâm bão để kịp thời chuyển tải những thông tin thời sự nóng hổi, chân thật về các sự kiện. Nhiều bài báo xúc động, đầy tình người, làm lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng, mang lại niềm tin, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Đơn cử như, các nhà báo đã không quản hiểm nguy, dấn thân vào vùng “lũ quét” để nghi nhận những hình ảnh chân thực, thông tin chính xác nhất về những đau thương mà trận lũ gây ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) để cả nước cùng chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng lũ. Hay trong đại dịch COVID-19, đội ngũ những người làm báo đã trở thành đội quân kiên cường, không màng hiểm nguy, không ngại gian khó, luôn luôn là những người đưa tin nhanh nhất, chính xác nhất mọi diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, truyền tải thông điệp và những quyết sách ứng phó đại dịch của Chính phủ, của tỉnh đến người dân sớm nhất, đầy đủ nhất. Để từ đó, Nhân dân luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng lòng quyết tâm, sát cánh cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cơ quan truyền thông cũng đã tích cực đi sâu vào đời sống xã hội, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, các mô hình kinh tế hiệu quả, những cách làm mới đột phá, năng động, hiệu quả để nhân rộng.
Bên cạnh việc tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, các cơ quan báo chí còn có những bài điều tra, phản ánh những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều vụ việc được các báo, đài vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực quan trọng, như tình trạng quy hoạch treo, hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép, vi phạm quy định về đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, hoạt động bảo kê, tín dụng đen... Sau mỗi vụ việc báo nêu, tỉnh đã chỉ đạo nắm bắt tình hình, đồng thời có những giải pháp đẩy lùi tiêu cực, kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.
Ngoài hoạt động chuyên môn, nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm xã hội, sáng kiến tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tích cực kêu gọi nguồn lực ủng hộ, tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”… chung tay cùng tỉnh góp phần đảm bảo cuộc sống của Nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023) và trao Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2022. Ảnh: Phong Sắc
PV: Thưa đồng chí, trước sự thay đổi mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giữa lúc tỉnh Thanh Hoá đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong bối cảnh, tình hình mới, những khó khăn, thách thức nào mà hoạt động báo chí phải đối mặt, đương đầu?
Từ những đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí nêu trên, tỉnh Thanh Hóa luôn trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao sự đồng hành và những đóng góp tích cực của các nhà báo, cơ quan báo chí đối với quá trình phát triển của tỉnh nhà. Tỉnh cũng luôn dành sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt đến hoạt động báo chí, như: Tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để các nhà báo tác nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí trong đời sống xã hội; xử lý nghiêm những hành vi cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật; bố trí quỹ đất phù hợp để các cơ quan báo chí thường trú xây dựng văn phòng, ổn định lâu dài, gắn bó mật thiết với tỉnh Thanh Hóa; ký kết chương trình hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí để tuyên truyền về tỉnh; chủ động cung cấp thông tin, trả lời báo chí thông qua họp báo, giao ban báo chí định kỳ. Nhất là khi có sự kiện quan trọng, vấn đề phức tạp, nổi cộm, bất ngờ, tỉnh đều tổ chức họp báo để cung cấp, định hướng thông tin kịp thời để báo chí thông tin, phản ánh khách quan, chính xác góp phần định hướng dư luận, ổn định tình hình...
Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động báo chí gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự “bùng nổ” của internet và mạng xã hội, sự phát triển nhanh của công nghệ số đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ người làm báo, nhất là lực lượng làm báo ở địa phương. Không chỉ áp lực về đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, mà phương thức, hình thức tác nghiệp cũng yêu cầu cao hơn. Thông tin phải vừa nhanh, chính xác, vừa cần hấp dẫn nhưng phải đảm bảo hành lang pháp lý. Một vấn đề quan trọng và cũng là mối quan tâm của nhiều cơ quan báo chí hiện nay chính là tự chủ về tài chính, là phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đã xuất hiện một số phóng viên, cơ quan báo chí Trung ương có biểu hiện “chạy” theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít, câu view, tạo sự tò mò, thu hút người đọc; tình trạng đăng bài thiếu kiểm chứng, thông tin lấp lửng, thiếu tính định hướng, thậm chí còn có tin bài có nội dung sai sự thật; nội dung phản ánh chưa phù hợp với tôn chỉ, mục đích, nhất là ở một số tạp chí điện tử. Một số văn phòng đại diện có số lượng phóng viên, cộng tác viên nhiều, nhưng ít quan tâm thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, mà còn nặng về phản ánh các vấn đề, sự việc tiêu cực. Còn tình trạng cấp giấy giới thiệu sai quy định; một số phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo, tạp chí điện tử từ Hà Nội về tỉnh gửi nội dung yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích của báo, tạp chí, gây khó khăn cho cơ sở. Nhiều phóng viên thường trú, văn phòng đại diện chưa tích cực tham gia hưởng ứng Giải báo chí về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) do Ban Tổ chức giải cấp tỉnh phát động.
Đối với các cơ quan báo chí địa phương vẫn còn ít bài viết về tổng kết kinh nghiệm, thực tiễn, bài viết mang tính phản biện xã hội, phân tích sâu về sự việc, vụ việc để tạo ra hiệu ứng xã hội. Tính thuyết phục của một số chương trình, tin, bài chính luận chưa cao, còn khô cứng, thiếu sáng tạo và phong phú, hấp dẫn... Hình thức thể hiện, bố cục, nội dung của một số chương trình truyền hình, chuyên mục của báo còn chậm đổi mới, chưa hấp dẫn người xem. Chưa có nhiều “cây viết” sắc sảo; chưa thu hút được nhiều cộng tác viên và các chuyên gia tham gia viết bài. Một số thông tin, sự kiện có thời điểm chưa cập nhật, phản ánh kịp thời; còn ít bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hoặc có nhưng còn thiếu sắc bén…
Vì vậy, trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, cùng với báo chí cả nước, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trong tỉnh cần nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần tích cực cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Các phóng viên cơ quan báo chí tác nghiệp tại lễ cắt băng khánh thành đoạn đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Minh Hiếu
PV: Theo đồng chí, trong thời gian tới các cơ quan báo chí cần tập trung vào những vấn đề gì để tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của mình?
Những năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã và đang rất nỗ lực tranh thủ thời cơ, thuận lợi khắc phục khó khăn, thách thức đổi mới, sáng tạo trong hành động, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho hoạt động đầu tư; phấn đấu tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững. Vì vậy, tỉnh luôn mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành, phát huy mạnh mẽ vai trò “mỗi nhà báo là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, góp phần đắc lực xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Để đáp ứng yêu cầu đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục bám sát định hướng, tôn chỉ mục đích để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về các vấn đề, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, xuất bản; khai thác ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất tin bài, truyền tải phát sóng, phát triển cơ quan báo chí theo mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng; coi mạng xã hội như một đối tượng để cạnh tranh thông tin, nhưng đồng thời lại phải chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tích cực, định hướng dư luận trên mạng xã hội và trên môi trường internet nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt, sự lan tỏa những thông tin tích cực. Cơ quan báo chí và nhà báo cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chủ động phát hiện, đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, xuyên tạc chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.
Người đứng đầu cơ quan báo chí của tỉnh, trưởng các văn phòng đại diện, các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình đối với hoạt động của cán bộ, phóng viên báo chí ở đơn vị mình. Tăng cường quản lý hoạt động của phóng viên hợp đồng, cộng tác viên, xiết chặt kỷ luật trong quá trình tác nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí. Chủ động, sáng tạo, mở rộng phương thức tạo nguồn thu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thu nhập cho phóng viên, biên tập viên, người lao động.
Các phóng viên, nhà báo cần tiếp tục tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng, nâng cao đạo đức người làm báo và tiếp cận ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp xu thế phát triển của báo chí và nhu cầu của công chúng, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thanh Hóa năng động sáng tạo, khẳng định vị thế của Thanh Hóa đối với cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và những lời chúc tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí và những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Chúc các nhà báo, phóng viên luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của báo chí trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và tỉnh Thanh Hóa. Chúc các đồng chí luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, tâm sáng với nghề để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nền báo chí cách mạng Việt Nam; góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Tô Dung (thực hiện)/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/bao-chi-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tinh/188716.htm