Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Người làm báo xứ Thanh thích ứng với chuyển đổi số (20/06/2023-19:29)
    Chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động báo chí đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí phải xây dựng một đội ngũ người làm báo tinh thông về nghề nghiệp, có khả năng đưa ra xã hội những nội dung tốt và cũng phải sử dụng thành thạo công nghệ. Trước yêu cầu, đòi hỏi khắt khe ấy, người làm báo xứ Thanh đã từng bước đổi mới tư duy và hành động, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, thích ứng với CĐS.

 Kỹ thuật viên, cộng tác viên Báo Thanh Hóa dựng Bản tin 18h tại studio. Ảnh: H.L

Mỗi ngày, studio của Báo Thanh Hóa luôn rộn ràng bởi không khí làm việc khẩn trương, sôi nổi của các kỹ thuật viên, biên tập viên, MC nhằm mang đến cho khán/thính giả những bản tin cập nhật đầy đủ, khách quan, góc nhìn đa chiều, bình luận chuyên sâu về các vấn đề mới – nóng của đời sống xã hội, chương trình đối thoại trực tuyến hấp dẫn, cung cấp thông tin bổ ích, thiết thực từ phía khách mời, podcast (tản văn, truyện ngắn, điểm tin nổi bật 6 giờ sáng) hấp dẫn, chạm đến cảm xúc bạn đọc... Phòng studio đang là nơi sản xuất phần lớn các nội dung số “hot” nhất hiện nay của Báo Thanh Hóa.

Studio của Báo Thanh Hóa hội tụ nhiều gương mặt trẻ, từ thế hệ 7X đến các em gen Z. Họ là những người được đào tạo bài bản, có sức trẻ - năng động - nhạy bén với các xu hướng, trào lưu, đổi mới công nghệ... Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của công việc, chuyển đổi mạnh mẽ, liên tục của khoa học – công nghệ trong bối cảnh hiện nay, mỗi người làm báo phải luôn có ý thức trau dồi, rèn luyện kỹ năng, không ngừng nỗ lực học hỏi để hoàn thiện, phát triển bản thân.

Là người tham gia vào các nhiệm vụ của studio từ những ngày đầu, anh Lê Quang Trung, kỹ thuật viên Phòng Thư ký tòa soạn (Báo Thanh Hóa) hiểu hơn ai hết: CĐS trong cơ quan báo chí không đơn thuần là việc liên quan đến trang thiết bị, công nghệ... mà hơn hết, đó là câu chuyện của tư duy, của nhân lực. Vì lẽ đó, trong suốt quá trình làm việc, anh Trung luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để tự hoàn thiện mình. Anh Trung cho biết: Trước đây, khi Báo Thanh Hóa đang vận hành theo mô hình truyền thống, công việc chính của tôi là phụ trách kỹ thuật, các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin... Khi được điều động tham gia các phần việc tại studio, có nhiều điều rất mới mẻ, không tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Chính điều đó đã thúc đẩy tôi phải thực sự nỗ lực, cố gắng, không ngừng học hỏi để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo.

Được biết, hiện tại, ngoài việc phu trách kỹ thuật, dựng bản tin, anh Trung tham gia xây dựng, vận hành, phát triển các nền tảng số của Báo Thanh Hóa như: Youtube, Fanpage trên Facebook, Tiktok... Anh Trung chia sẻ: “Công nghệ không bao giờ đứng im để chờ đợi chúng ta mà thay đổi, phát triển nhanh chóng. Vì thế, trước hết, để thích ứng được với điều đó, mỗi người phải tự mình nỗ lực, phải có sự yêu thích, đam mê rồi mày mò tìm hiểu, chăm chỉ thực hành. Ngoài những lớp tập huấn, bồi dưỡng, cách nhanh nhất để hoàn thiện mình là học hỏi từ anh em đồng nghiệp. Đừng ngại hỏi, kể là học hỏi từ “đàn em” của mình. Bởi lẽ, các bạn trẻ bây giờ được đào tạo bài bản, có tư duy CĐS, tiếp cận nhanh với các xu hướng, công nghệ...”.

Trong bối cảnh CĐS mạnh mẽ ở Báo Thanh Hóa, không chỉ các kỹ thuật viên, biên tập viên tại studio mà mỗi cán bộ, phóng viên đều nêu cao tinh thần học hỏi, nỗ lực thích ứng, thay đổi mình theo hướng đa-zi-năng, đa phương tiện. Mỗi phóng viên không chỉ tác nghiệp theo phương thức truyền thống mà đồng thời là người trực tiếp quay phim tại sự kiện, hiện trường, sau đó chuyển file về cho ekip dựng bản tin 18h hoặc trực tiếp quay, dựng, đọc, dẫn hiện trường... để sản xuất các ấn phẩm video độc lập. Điều đó không chỉ góp phần đa dạng các sản phẩm số, đưa thông tin đến gần hơn, nhanh hơn, đa dạng hơn tới độc giả mà cũng phần nào tạo cơ hội cho phóng viên thử sức, rèn luyện mình, tăng thu nhập.

Người làm báo xứ Thanh thích ứng với chuyển đổi sốKiểm tra định kỳ hệ thống mạng LAN tại Đài PT&TH Thanh Hóa. Ảnh: H.L

Phòng Biên tập thông tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) Thanh Hóa có 30 cán bộ, nhân viên, trong đó tổ thông tin - điện tử đảm nhận nhiệm vụ quản lý, phát triển các nền tảng số của đài như: Website, ứng dụng Truyền hình Thanh Hóa trên App Store, Youtube, Fanpage, Tiktok, Zalo... Ngoài ra, kênh phát thanh truyền hình của đài được đưa lên nhiều ứng dụng OTT lớn như: VieON, FPT Play, VTVcap, VTVGo, VTC... Trong đó, 2 nền tảng Youtube và Fanpage là “chủ lực”, thu hút đông đảo lượt người xem, theo dõi. Đến khoảng giữa tháng 6-2023, kênh Youtube của Đài PT&TH Thanh Hóa đạt 350.000 người đăng ký; Fanpage TTV - Đài PT&TH Thanh Hóa đạt 221.000 người theo dõi. Kênh Tiktok mới đưa vào khai thác từ năm 2022 nhưng đã có khoảng 300.000 lượt theo dõi, đối tượng hướng đến chủ yếu là giới trẻ. Kênh Youtube của đài do phòng quản lý, vận hành đã đạt nút bạc (thành tích dành cho kênh chính thức có từ 100.000 người đăng ký theo dõi kênh trở lên); trang Fanpage TTV - Đài PT&TH Thanh Hóa đã có dấu tick xanh...

Những con số là minh chứng sinh động cho kết quả từ những nỗ lực, phấn đấu của Đài PT&TH Thanh Hóa. Những năm qua, trong bối cảnh CĐS diễn ra mạnh mẽ, mỗi cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Đài PT&TH Thanh Hóa nói chung không ngừng đổi mới cả trong tư duy và hành động. Biên tập viên Phạm Văn Hùng, Tổ Thông tin – Điện tử cho biết: “Với phương châm CĐS hay là chết, trong những năm qua, lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động, từ việc nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng đến cơ chế, chính sách linh hoạt, khích lệ, động viên. Chẳng có gì thiết thực, bền vững hơn là nêu cao ý thức tự học bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của công việc và sự phát triển của bản thân”.

Không chỉ có đội ngũ người làm báo tại các cơ quan báo chí “chủ lực” của tỉnh như: Báo Thanh Hóa, Đài PT&TH Thanh Hóa mà phóng viên thường trú từ các cơ quan báo chí Trung ương cũng đã nhanh chóng nhập cuộc, thích ứng với CĐS, nhất là ở các cơ quan báo chí lớn. Do đặc thù các văn phòng đại diện ít người, mỗi phóng viên phải bao quát địa bàn rộng, yêu cầu về cập nhật các thông tin mới – nóng – độc quyền, chỉ tiêu về lượt like, lượt share... bắt buộc các phóng viên thường trú phải nhanh chóng bắt nhịp, tích cực CĐS nếu không muốn bị đào thải. Nhất là ở các tờ báo lớn, có tốc độ CĐS mạnh mẽ thì đòi hỏi đó ở mỗi phóng viên càng cao. Nhận thức được điều đó, những năm qua, lực lượng phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, đầu tư, đổi mới phương thức tác nghiệp, đa dạng các hình thức đưa tin, bài...

Theo Hoàng Linh/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/thoi-su/nguoi-lam-bao-xu-thanh-thich-ung-voi-chuyen-doi-so/188796.htm

 

Các tin khác:
  • Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí: Sự tổng hòa của các yếu tố (20/06/2023-19:01)
  • Báo chí xứ Thanh định vị bản sắc trong dòng chảy chuyển đổi số (20/06/2023-18:58)
  • "Đi, yêu và viết" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Một món quà quý với người làm báo (19/06/2023-11:45)
  • Đánh giá hiệu quả đặt hàng nhà nước bằng tiêu chí về độ lan tỏa của tác phẩm phát thanh truyền hình (13/06/2023-14:55)
  • 40 năm 'đi, yêu và viết' của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (12/06/2023-11:01)
  • Ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí (07/06/2023-7:12)
  • Ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí (05/06/2023-12:28)
  • Giải Báo chí “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” nhận tác phẩm đến hết ngày 30/6/2023 (31/05/2023-10:48)
  • Ghi nhận phản ánh "đất tặc" một phóng viên bị gọi điện đe dọa giết cả nhà (27/05/2023-19:21)
  • Để các cơ quan báo chí tuyên truyền hiệu quả công tác xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng (26/05/2023-10:02)