Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
NOI THEO LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CỦA CÁC NHÀ BÁO LÀ LIỆT SĨ QUÊ THANH HÓA (21/06/2023-15:05)
    NLBTH- Giới báo chí cả nước và ở tỉnh ta đang tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Và, tháng 7 đã đến gần với kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, tháng 9 cũng cận kề với Kỷ niệm Ngày tết Độc lập 2-9... Các sự kiện lịch sử này đều gắn liền với quá trình phấn đấu lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn gian khổ, tinh thần chiến đấu , hy sinh dũng cảm của các thế hệ người làm báo Việt Nam nói chung và của các thế hệ người làm báo tỉnh Thanh Hóa chúng ta nói riêng, bao gồm các nhà báo liệt sĩ, tất cả vì mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc , vì tự do, hạnh phúc của nhân dân!

Nhà báo Thôi Hữu (1919 -1950) thời kỳ làm Báo Vệ Quốc Quân. Ảnh tư liệu. 

Theo thống kê trong cuốn “CHÂN DUNG CÁC NHÀ BÁO LIỆT SĨ” do Hội Nhà báo Việt Nam tái xuất bản mới đây, chỉ tính đến năm 1979, cả nước có hơn 400 nhà báo đã hy sinh trên các chiến trường ác liệt chống thực dân, đế quốc xâm lược và khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia…, đem đến những bản tin, bài phóng sự, bức ảnh nóng hổi, mang tính thời sự và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta. Kể từ khi Đảng ta và báo chí cách mạng còn hoạt động bí mật, đến kháng chiến chống thực dân Pháp với thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, rồi kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30-4-1975.

Qua nghiên cứu cuốn “CHÂN DUNG CÁC NHÀ BÁO LIỆT SĨ” nói trên, trong số 400 nhà báo liệt sĩ trên cả nước, riêng ở Thanh Hóa đã có 34 nhà báo hi sinh! Tôi vẫn nhớ, trong những năm đang công tác, với ý thức trách nhiệm của mình, tôi cùng một số phóng viên báo Thanh Hóa và cán bộ văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, bố trí đi gặp gỡ trực tiếp một số thân nhân, gia đình nhà báo liệt sĩ ở cơ sở. Thực tế thì con số các nhà báo liệt sĩ ở tỉnh ta còn cao hơn 34 trường hợp đã được thống kê, do một số đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, hoặc do các đơn vị cũ của các nhà báo đó đã giải thể, không còn địa chỉ chính xác để tra cứu ...!

Có dịp tìm hiểu thêm quá trình hoạt động, trưởng thành, lý tưởng cách mạng cao đẹp của các nhà báo liệt sĩ cũng như hoàn cảnh gia đình của họ, chúng tôi hết sức khâm phục, cảm động  và cảm thấy càng phải tri ân các nhà báo liệt sĩ quê Thanh. Có thể nói, đó là những anh hùng, tấm gương mãi mãi sáng ngời với tất cả chúng ta, chứ không riêng gì các đồng nghiệp báo chí!

Trước tiên,  phải kể đến 2 nhà báo lớn là liệt sĩ tiêu biểu, đồng thời là 2 nhà hoạt động cách mạng xuất sắc ở tỉnh ta, là nhà báo Thôi Hữu và nhà báo Trần Mai Ninh.

Thôi Hữu, tên thật là Nguyễn Đắc Giới ( bút danh Tân Sắc ), sinh năm 1914, quê huyện Hoằng Hóa, vào Đảng cộng sản Đông Dương 1943; thuộc biên chế báo Sự Thật, rồi báo Vệ Quốc quân; hy sinh ngày 16-12-1950 tại Việt Bắc trong lúc làm nhiệm vụ. Thời bấy giờ, Thôi Hữu, Tố Hữu là lớp nhà báo, nhà văn tiêu biểu của cách mạng tháng tám. Đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ về câu chuyện tình bạn, tình đồng chí giữa 2 nhà báo lớn này, vào cuối năm 1943, khi Tố Hữu nhắc đến Thôi Hữu rằng: “ Nhớ mày, nhớ mãi mày, người đồng chí thủy chung. Nhớ mãi tiếng cười khanh khách của mày trong một buổi chiều buồn ở Thành phố Huế đau thương, bị chiếm đóng, những ngày đen tối nhất” (trích Hồi ký của đồng chí Tố Hữu xuất bản năm 1981).

Còn với nhà báo cách mạng Trần Mai Ninh, thì hẳn đông đảo các nhà báo ở Thanh Hóa chúng ta đều biết đến sự nghiệp báo chí của con người nổi tiếng này, bởi tên Anh đã và đang được chọn mang tên “Giải báo chí Trần Mai Ninh” của tỉnh (theo Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất, thành lập Hội nhà báo tỉnh Thanh Hóa, tháng 6-1993 và được UBND tỉnh bảo trợ).

Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh (bút danh Tô Chí, Mạc Đỗ, Hồng Diên), sinh 1917, tại Thành phố Thanh Hóa, tham gia hoạt động báo chí 1937, hy sinh năm 1948 trong khi làm công tác tuyên truyền cách mạng tại vùng cực Nam Trung bộ. Ông từng tham gia viết bài, in báo, vẽ minh họa trên tờ Tự Do-tờ báo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa năm 1940, cùng đồng chí Đặng Châu Tuệ - một lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ tỉnh bấy giờ.

Tên tuổi của hai nhà báo Thôi Hữu và Trần Mai Ninh đã được đặt tên cho một trường học và một đường phố của Thành phố Thanh Hóa.

Ngoài ra, chúng tôi còn biết cụ thể thêm về thân thế, sự nghiệp, hoàn cảnh gia đình của các nhà báo liệt sĩ khác ở tỉnh ta. Dưới đây, xin kể vắn tắt một số trường hợp, đó là: 

Nhà báo liệt sĩ Nguyễn Đình Báu, sinh năm 1929, quê phường Nguyên Bình (Thị xã Nghi Sơn hiện nay); tham gia hoạt động cách mạng 1953, hoạt động báo chí từ 1966, thuộc Thông tấn xã Giải Phóng, phân xã Trị Thiên- Huế; hi sinh tháng 6-1968 trong trận chống còn của Mỹ- ngụy, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt! Đau đớn hơn, con trai anh là Nguyễn Đình Long vừa học xong lớp 12, tiếp chân bố vào miền Nam chiến đấu và hi sinh năm 1972, tại mặt trận Quảng Trị anh hùng(!).

Một trường hợp nữa là  Nhà báo liệt sĩ Phạm Quang Dụ. Anh sinh 1952, quê xã Định Tân, Yên Định, phóng viên báo Quân Giải phóng Trung trung bộ (Quân khu 5). Đang là sinh viên báo chí, trường Tuyên huấn T.W, tháng 2-1972, anh xung phong nhập ngũ, làm phóng viên mặt trận, tham gia chiến dịch Quảng Trị với quân hàm chuẩn úy, sau được điều động về mặt trận Quân khu 5 và hy sinh ngày 7-1-1975 tại Bình Định! Tháng 6-1997, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Phạm Quang Dụ và có trao quà của báo Thanh Hóa, Hội Nhà báo tỉnh và Hội Nhà báo Việt Nam cho gia đình. Đến nay, tôi vẫn nhớ hình ảnh của hai ông bà thân sinh liệt sĩ. Cả hai cụ lưng đã còng, mắt đã mờ và như nhòe lệ, tay run run nhận quà của đoàn. Sau khi thắp nén nhang tại bàn thờ liệt sĩ, chúng tôi xúc động nói lời động viên, an ủi 2 cụ. Và còn nhiều trường hợp nữa, song trong phạm vi bài viết, chúng tôi không có điều kiện kể tiếp…

 

Tác giả của bài viết này, trong những năm miền Bắc đang quyết liệt chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ và dồn sức chi viện miền Nam ruột thịt chống Mỹ xâm lược; bản thân đang làm báo ở Hà Nội,từng được điều động đi làm phóng viên mặt trận tại Quảng Trị cùng một số phóng viên báo Lao động, Tiền phong… một thời gian. Sau khi ta giành thắng lợi trong cuộc “đấu pháo” tại khu vực Cồn Tiên - Dốc Miếu, bên bờ nam cầu Hiền Lương (vĩ tuyến 17), chúng tôi có cơ hội vượt sông Bến Hải về phía Tây để tiếp cận đường mòn Hồ Chí Minh. Tại đây chúng tôi được chứng kiến những sư đoàn chủ lực từ miền Bắc đang hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam. Trong chốc lát, tôi được tận mắt nhìn thấy các “anh lính” cổ đeo máy ảnh, tay cầm súng- đó là các nhà báo được phân công theo các binh đoàn để làm nhiệm vụ của mình! Trong đầu tôi thoáng xuất hiện niềm vui đối với các đồng nghiệp ấy, bởi cơ hội này đối với giới báo chí nói chung không phải ai cũng có được! Tuy nhiên, khi đất nước đã thống nhất và hòa bình, tôi băn khoăn nghĩ ngợi “không rõ trong số các nhà báo ra trận đó” hôm nay ai còn, ai mất (?!). Bởi, chiến tranh mà! Và, tôi thực sự nghĩ “chúng ta còn nợ các anh nhiều lắm, dù chúng ta đã có cố gắng nhiều”!

 

Nhà báo Lương Vĩnh Lạng

Nguyên TBT Báo Thanh Hóa

Nguyên Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh

 

 

 

 

Các tin khác:
  • Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2022: Nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, công phu (20/06/2023-19:32)
  • Người làm báo xứ Thanh thích ứng với chuyển đổi số (20/06/2023-19:29)
  • Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí: Sự tổng hòa của các yếu tố (20/06/2023-19:01)
  • Báo chí xứ Thanh định vị bản sắc trong dòng chảy chuyển đổi số (20/06/2023-18:58)
  • "Đi, yêu và viết" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Một món quà quý với người làm báo (19/06/2023-11:45)
  • Đánh giá hiệu quả đặt hàng nhà nước bằng tiêu chí về độ lan tỏa của tác phẩm phát thanh truyền hình (13/06/2023-14:55)
  • 40 năm 'đi, yêu và viết' của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (12/06/2023-11:01)
  • Ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí (07/06/2023-7:12)
  • Ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí (05/06/2023-12:28)
  • Giải Báo chí “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” nhận tác phẩm đến hết ngày 30/6/2023 (31/05/2023-10:48)