Dự kỳ họp có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện chương trình kỳ họp, chiều hôm nay và đầu giờ sáng ngày mai, HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện chức năng giám sát của HĐND. Đây là hoạt động luôn được cử tri và Nhân dân quan tâm. Thực hiện tốt việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thể hiện rõ nét vai trò, vị thế, trách nhiệm của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Đây là lần thứ tư HĐND tỉnh khóa XVIII thực hiện chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Việc lựa chọn nội dung chất vấn và người được chất vấn là những nội dung được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm, liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của Nhân dân và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Sau khi phân tích, đánh giá, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn 2 thành viên UBND tỉnh là Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo.
Thành phần cùng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn là đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan và Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh.
Để phiên chất vấn được thực hiện đúng thời gian, hiệu quả, chất lượng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị người chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện một số nguyên tắc đó là: Người trả lời chất vấn có 10 phút báo cáo nội dung trả lời chất vấn, sau đó các đại biểu sẽ hỏi và người được chất vấn trả lời các câu hỏi của đại biểu. Việc trả lời yêu cầu phải đi thẳng vào trọng tâm vấn đề mà đại biểu nêu lên làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế. Thời gian trả lời một lần không quá 10 phút. Chủ toạ kỳ họp sẽ mời mỗi đợt từ 2 đến 3 đại biểu HĐND tỉnh nêu câu hỏi chất vấn. Trong đó, câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm, đúng nội dung chất vấn. Thời gian nêu câu hỏi không quá 1 phút/1 lần/1 đại biểu.
Bên cạnh trả lời của người được chất vấn, chủ tọa sẽ yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia làm rõ một số nội dung có liên quan, sau đó mời đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực có ý kiến; thời gian không quá 5 phút/1 người.
Nếu người chất vấn và người được chất vấn quá thời gian yêu cầu nêu trên hoặc không đúng trọng tâm vấn đề chủ tọa sẽ nhắc để bảo đảm yêu cầu và thời gian của phiên chất vấn.
Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, sẽ có đường dây nóng theo số điện thoại hiện trên màn hình để cử tri nêu ý kiến với người được chất vấn.
Sau khi kết thúc phiên chất vấn, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết chung về chất vấn và trả lời chất vấn.
Tiếp sau phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan với nội dung: Hiện nay, nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Hiện nay, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện rất chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án; kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Sau khi các đại biểu chất vấn, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã trả lời chất vấn. Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho rằng báo cáo và phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh đúng trọng tâm câu hỏi, làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của các ngành, các cấp và đề ra giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.
Về tình trạng nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.
Chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; việc thực hiện các dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp chậm tiến độ sử dụng đất.
Đầu tư hệ thống quản lý thông tin đất đai hiện đại, để theo dõi thông tin về các dự án đầu tư, trong đó có tiến độ đầu tư, tiến độ sử dụng đất của các dự án...
Về tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh còn chậm, còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai để người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, ý thức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ địa chính, quản lý đất đai các cấp. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về tình trạng chậm tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và các năm tiếp theo của địa phương, đơn vị. Chú trọng việc lập, phê duyệt đề cương nhiệm vụ và tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn. Trong khi chỉ tiêu sử dụng một số loại đất, đặc biệt là đất lúa được phân bổ có nhiều khó khăn, bất cập, cần xác định thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp bách, quan trọng, có tính chất thúc đẩy, đột phá để cân đối, xác định trình duyệt.
Tiếp đó, tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan về hiện nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả các cấp học, đặc biệt là thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước, còn chênh lệch nhiều giữa các vùng miền. Tỉnh Thanh Hóa cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ tập trung giảng dạy ngoại ngữ ở môn Tiếng Anh, chưa phát triển dạy và học ở một số bộ môn ngoại ngữ khác.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa có 74 xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến không còn được hưởng một số chính sách về an sinh xã hội. Nhiều giáo viên, học sinh không còn được hưởng chính sách của các xã đặc biệt khó khăn. Đề nghị cho biết thực trạng và giải pháp đã thực hiện để huy động sức mạnh toàn dân, huy động trong công tác xã hội hóa để giúp đỡ giáo viên và đặc biệt là học sinh tại các xã này có điều kiện để tham gia học tập. Trong thời gian tới ngành giáo dục có kiến nghị gì đối với Trung ương và với tỉnh để có giải pháp hỗ trợ giáo viên và học sinh tại 74 xã nêu trên.
Ngày mai (12-7), Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh tiếp tục chất vấn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan với các nội dung chất vấn nêu trên. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh quan tâm; đồng thời, trình bày một số giải pháp trọng tâm về điều hành trong 6 tháng cuối năm 2023; HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Theo nhóm PV/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-thanh-hoa-khoa-xviii-chat-van-va-tra-loi-chat-van/190425.htm