Người dân cần đề cao cảnh giác trước các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Ảnh chụp từ internet.
Dân chủ cơ sở là hình thức Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng đối với những vấn đề về tổ chức và hoạt động của một thiết chế ở cơ sở.
Năm 2022, ngay sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liền ra sức xuyên tạc tìm cách phủ nhận, hạ thấp giá trị của luật. Trên các trang báo, trang thông tin từ nước ngoài, như: BBC Tiếng Việt, RFA... đã có một số bài viết “đánh tráo khái niệm" nhằm gây hoang mang dư luận, làm cho người dân tin rằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của nước ta chỉ là “bình mới, rượu cũ” và mang tính hình thức... Mục đích cuối cùng của các thế lực thù địch là làm cho người dân hoang mang, nghi ngờ; cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam; kích động người dân tham gia “yêu sách”, yêu cầu Đảng, Chính phủ chấp nhận tồn tại các nhóm chính trị, các chính đảng khác nhau để đa dạng hóa đường lối cho Nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới bảo đảm cho một nền dân chủ. Đây là thủ đoạn nham hiểm và không mới, nhưng trên không gian mạng vẫn có không ít cộng đồng mạng do thiếu nhận thức và hiểu biết đã có những biểu hiện và hành động cổ vũ, tin vào những “miếng bánh vẽ” của các phần tử phản động, thù địch.
Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành và thực hiện trên thực tế là rất thiết thực, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ XHCN ở nước ta. Đồng thời, là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Với mục tiêu, quan điểm và những quy định mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào phủ nhận, xuyên tạc, hạ thấp giá trị của luật này.
Thực tế những gì đang diễn ra tại nước ta đã và đang khẳng định bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội ngày càng được mở rộng hơn, nhất là dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân được bảo vệ.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, dân chủ ở cơ sở cũng còn tồn tại những hạn chế, yếu kém như: “Có nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến của Nhân dân chưa thực sự được lắng nghe; quyền làm chủ của Nhân dân còn bị vi phạm. Vẫn còn tình trạng lợi dụng dân chủ, gây mất an ninh trật tự, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Lợi dụng những hạn chế trên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động đã và đang tiếp tục tập trung bài xích, xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng thông qua hình ảnh cắt ghép, thông tin bịa đặt nhằm gây hoang mang dư luận...
Ngày 1-7-2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bắt đầu có hiệu lực. Để luật sớm được thực thi trong thực tiễn, theo đúng tinh thần pháp luật vì con người, bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, trong đó có các quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện luật. Đồng thời, tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở; chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phát huy dân chủ ở cơ sở gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, chống vi phạm pháp luật; ngăn chặn những hành vi gây rối, phá hoại cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Về phía mỗi người dân, cần nhận thức đúng về các quyền dân chủ và khi thực thi các quyền dân chủ cần phải hiểu rằng: “Dân chủ luôn đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, chống vi phạm pháp luật; dân chủ luôn gắn với pháp chế, trật tự xã hội, tuân phủ pháp luật”. Có như vậy, các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới thực sự là “lá chắn thép” để bảo vệ các quyền dân chủ cho Nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm cho Nhân dân được thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của mình; đồng thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm dân chủ từ bất kỳ lực lượng, tổ chức, cá nhân nào.
Theo Lê Phượng/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/phap-luat/canh-giac-truoc-thu-doan-xuyen-tac-ha-thap-gia-tri-cua-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so/190479.htm