Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2023): Cách mạng tháng Tám- cuộc cách mạng thần tốc trong lịch sử nhân loại (19/08/2023-11:47)
    Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong nhìn nhận của các sử gia, đây đã là một trong cuộc cách mạng thần tốc nhất trong lịch sử nhân loại.

 

Hội nghị lần thứ 8 và sự chuyển hướng chiến lược của cách mạng

Căn cứ vào sự thay đổi tình hình thế giới và trong nước, liên tiếp trong ba hội nghị: lần thứ Sáu (11-1939), lần thứ Bảy (11-1940), và đặc biệt là Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941), Đảng ta chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, theo đó đặt nhiệm vụ chống đế quốc và Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu “Cách mạng ruộng đất”. “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương”- Hội nghị lần thứ 8 khẳng định.

 

cach mang thang tam cuoc cach mang than toc trong lich su nhan loai hinh 1

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, tháng 5/1941. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

 

Hội nghị lần thứ 8 đã tiến hành phân tích một cách sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, và đưa ra xác định rõ: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào.  “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được...”- lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh.

Hội nghị đã ra Nghị quyết, trong đó chỉ rõ: cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp: dân tộc giải phóng. Hội nghị đã khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Đây chính là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện thời. Dự kiến hình thức khởi nghĩa là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa.

Cũng tại Hội nghị, theo sáng kiến của Bác, đã quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, trẻ già, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.

Hội nghị lần thứ 8 (khóa I) của Đảng, có thể coi là dấu mốc mang ý nghĩa bước ngoặt với cách mạng Việt Nam nói chung, cách mạng tháng 8 nói riêng.  "Chúng ta đều biết cuộc hội nghị này rất quan trọng. Nó đã phân tích tình hình Việt Nam và thế giới một cách sâu sắc... Chủ trương, chính sách mà Trung ương đề ra trong hội nghị lịch sử đó đã được toàn Đảng chấp hành nghiêm chỉnh và đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám-1945"-  Tổng Bí thư Trường Chinh nhìn nhận.

Chủ động, tích cực, nhanh chóng tập trung xây dựng lực lượng

Chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 tháng 5/1941 chỉ rõ. Nhìn thấu thực tế thời cuộc, Đảng ta xác định phải làm ngay, làm nhanh việc xây dựng lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Ngay thời điểm đó, Đảng đã xác định lực lượng chính trị quần chúng đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công của cách mạng tháng Tám. Nỗ lực tạo dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng ở khắp các địa phương trên cả nước; xây dựng khối liên minh công- nông thời kỳ 1930-1931, việc thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941… chính là những phương cách Đảng tạo dựng lực lượng chính trị cho mình. Trong đó, lịch sử cho thấy, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Hội nghị lần thứ 8, có ý nghĩa quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh đã ra đời. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập. Kể từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời, như khẳng định trong cuốn “Cách mạng tháng Tám của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương”, “toàn bộ phong trào chống phát xít Pháp - Nhật của nhân dân ta mang tên là Phong trào Việt Minh, cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí quật cường của dân tộc ta”. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút. Tháng 8/1944, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào "sắm vũ khí đuổi thù chung", phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa. Ngày 25/3/1945, Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước. Ngày 14/8/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đổi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân!... Thắng lợi nhất định sẽ về ta!"

 

cach mang thang tam cuoc cach mang than toc trong lich su nhan loai hinh 2

Mười chính sách lớn của Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), năm 1941. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

 

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, sự góp mặt của lực lượng chính trị quần chúng… chính là lý do mà cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 còn được gọi bằng một cái tên khác “là cuộc cách mạng của nhân dân”. Nói như nhà báo, Tiến sĩ Nhị Lê: “Đây là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chính đó là cội nguồn của cách mạng tháng Tám”.

 Để giành được chính quyền cách mạng, bên cạnh lực lượng quần chúng, Đảng luôn có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang và coi đây là lực lượng nòng cốt, là yếu tố mang tính quyết định trong sự thành công của cách mạng tháng Tám. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tổ du kích) làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương, cũng như Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt dấu ấn quan trọng mang tính quyết định là việc ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và phát triển quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

cach mang thang tam cuoc cach mang than toc trong lich su nhan loai hinh 3

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

 

Lực lượng này cộng với việc tạo dựng được hàng loạt căn cứ địa cách mạng liên hoàn nối liền Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Yên… thực sự đã là những nơi trọng yếu chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là những trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.

Không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một 

Tối 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, cũng đêm hôm đó Ban Thường vụ Trung ương họp phiên mở rộng, đưa ra nhận định: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.  Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4/1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân.

Tháng 7/1945, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đi đến hồi cuối, phát-xít Nhật bại trận mất tinh thần và giữa tháng 8/1945 đã đầu hàng Đồng Minh. Thời điểm này 16.000 quân Anh chưa vào miền Nam và 200.000 quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; còn chính quyền tay sai thì như rắn mất đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm bắt rất rõ về khả năng đầu hàng của quân Nhật cũng như tinh thần cách mạng sôi sục của quần chúng nhân dân, vì thế Người cho rằng phải chớp thời cơ “nghìn năm có một” này.  Người ra chỉ thị : ".. dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Đây cũng chính là thời điểm, Đảng, Bác Hồ hiểu rất rõ rằng khoảng thời gian hai mươi ngày, từ ngày 15-8-1945 (Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh) đến ngày 5-9-1945 (quân đồng minh kéo vào nước ta để giải giáp quân Nhật) là khoảng thời gian chín muồi nhất để tiến hành tổng khởi nghĩa, rằng . “cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội". 

Người khẩn trương chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14-8 đến 15-8) và Đại hội quốc dân (ngày 16-8 đến 17-8) tại Tân Trào, thành lập ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam - Chính phủ lâm thời sau khi cách mạng thắng lợi. Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào chủ trương phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Đại hội quốc dân Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng.

Cũng ngay sau đó, ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Một quyết định rất nhanh, rất nhạy bén nhưng cũng rất sáng suốt được Đảng và Bác Hồ đưa ra: Không câu nệ, tỉnh, huyện hay xã mà địa phương nào điều kiện chín muồi thì thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước.

Chủ trương quyết đoán là vậy nên chỉ chưa đầy nửa tháng, từ 13-25/8/1945, các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi mà không tổn thất lớn về lực lượng. 

 

cach mang thang tam cuoc cach mang than toc trong lich su nhan loai hinh 4

Chiều 16/8/1945, một đơn vị quân Giải phóng do các đồng chí: Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh trực tiếp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) tiến về đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

 

Chiều 16/8/1945, thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, một đội quân cách mạng do đích than đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng Thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn…là những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Làn sóng tổng khởi nghĩa lan truyền như vũ bão, lần lượt các tỉnh trong cả nước đứng lên giành chính quyền…

 

cach mang thang tam cuoc cach mang than toc trong lich su nhan loai hinh 5

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân trong khí thế sục sôi cách mạng đã biểu tình thị uy chiếm Bắc Bộ phủ. Ảnh: TTXVN

 

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân trong khí thế sục sôi cách mạng đã biểu tình thị uy chiếm Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân.

 

cach mang thang tam cuoc cach mang than toc trong lich su nhan loai hinh 6

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ảnh: TTXVN

 

Cuộc cách mạng tháng Tám trong mắt nhìn của các nhà quan sát, các sử gia, trở thành một trong cuộc cách mạng thần tốc nhất trong lịch sử nhân loại. “Cách mạng Tháng Tám 1945 đã tạo nên bài học cực kỳ quý báu về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân thành một như là quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh nhìn nhận.

Theo Hà Anh/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/cach-mang-thang-tam-cuoc-cach-mang-than-toc-trong-lich-su-nhan-loai-post261122.html

 

Các tin khác:
  • Quản lý chặt chẽ việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới (10/08/2023-8:14)
  • Công bố và trao Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ (08/08/2023-8:59)
  • Phương án sáp nhập các đơn vị hành chính tại TP HCM được lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác (08/08/2023-8:30)
  • Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Indonesia (08/08/2023-8:27)
  • Chính phủ khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài (02/08/2023-15:08)
  • Chấn chỉnh đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư (Bài 2): Khắc phục tình trạng phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp (31/07/2023-10:15)
  • Chấn chỉnh đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư (Bài 1): Thay đổi tác phong, lề lối làm việc (31/07/2023-10:13)
  • Chính phủ ban hành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 (31/07/2023-10:06)
  • Giá xăng trong nước ngày mai có thể tiếp tục tăng mạnh (31/07/2023-9:45)
  • Bão số 2 suy yếu dần, nắng nóng ở miền Bắc sắp kết thúc (28/07/2023-16:05)