Một giờ ngoại khóa của cô, trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Phong
Nhìn lại năm học 2022-2023 với sự nỗ lực quyết tâm vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các em học sinh (HS), sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục đạt được những kết quả đáng tự hào. Đội ngũ nhà giáo ngày càng nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo. Trong năm học, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT chủ động tham mưu UBND cấp huyện rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ nhằm từng bước khắc phục thừa thiếu cục bộ. Ngoài ra, ngành đã tổ chức thực hiện có chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo đúng Kế hoạch của Bộ GD&ĐT và được Bộ GD&ĐT đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý.
Cùng với đó, được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tiếp tục được cụ thể hóa; những bất cập, hạn chế từng bước được khắc phục; mạng lưới trường, lớp được rà soát, quy hoạch khang trang. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 25.737/28.567 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 90,09%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã có 1.691/1.988 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85,06%. Trong đó: mầm non có 574/678 trường, đạt tỷ lệ 84,66%; tiểu học 544/595 trường, đạt tỷ lệ 91,43%; THCS 522/615 trường, đạt tỷ lệ 84,88%; THPT 51/100 trường, đạt tỷ lệ 51%. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Cũng trong năm học, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 được các đơn vị, cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức nghiêm túc đúng theo hướng dẫn của ngành và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì ổn định. Ở bậc học mầm non, số trẻ đến trường đạt tỷ lệ 69,9%, tăng 2,7% so với năm học trước. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; HS hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,5%; HS xếp loại đạt trở lên về phẩm chất chiếm trên 99%, HS xếp loại đạt về năng lực chiếm trên 99%. Ở bậc THCS, tỷ lệ HS đạt hạnh kiểm/rèn luyện loại tốt chiếm 88,27%; tỷ lệ xếp loại học lực/học tập loại giỏi/tốt đạt 17,58%. Ở cấp THPT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thanh Hóa xếp thứ 21 trong tốp các tỉnh có điểm thi cao nhất, là tỉnh có điểm 10 nhiều thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và có 1 HS thủ khoa khối B00. Đối với giáo dục mũi nhọn, toàn ngành tiếp tục “gặt hái” thành công trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia các môn văn hóa THPT và các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Trong đó, kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa có 78 thí sinh tham gia, kết quả đạt 61 giải, đạt tỷ lệ 78,21%, xếp thứ 6 toàn quốc. Với thành tích này, Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh có tổng số HS đoạt giải cao nhất toàn quốc (từ 50 giải trở lên). Đối với kỳ thi Olympic quốc tế môn Vật lý lần thứ 53 diễn ra tại Nhật Bản, HS Thanh Hóa cũng đoạt 1 HCB...
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Cùng với thành tích trên, công tác chỉ đạo thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục có nhiều đổi mới; công tác chỉ đạo, điều hành cũng được tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm đang được đặt ra trong giáo dục hiện nay. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục trở thành điểm sáng của giáo dục cả nước... Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tiễn cũng như trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành giáo dục Thanh Hóa vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế đó là: Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các trường công lập và ngoài công lập. Chất lượng dạy văn hóa, dạy nghề ở một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chưa bền vững; chất lượng dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng được so với yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông chưa được giải quyết dứt điểm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số đơn vị trường học còn khó khăn, thiếu thốn. Tình trạng dạy thêm, học thêm, thu chi ngoài ngân sách, liên kết đào tạo sai quy định vẫn còn diễn ra...
Tiếng trống khai trường năm học mới 2023-2024 đã điểm, ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn lại những hạn chế, yếu kém để đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT của tỉnh nhà. Để từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, tại hội nghị tổng kết năm học của ngành diễn ra vào trung tuần tháng 8-2023, nhiều giải pháp đã được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng gợi ý và đề nghị ngành giáo dục triển khai thực hiện trong năm học 2023-2024 như: Tập trung làm tốt công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, toàn ngành giáo dục tiếp tục quan tâm thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Toàn ngành giáo dục cần tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của HS; triển khai ứng dụng công nghệ số trong dạy và học. Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh...
Hy vọng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, HS toàn ngành, trong năm học 2023-2024 ngành giáo dục Thanh Hóa sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện thắng lợi chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, góp phần phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Theo Bài và ảnh: Lê Phong/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/giao-duc/doi-moi-theo-chieu-sau-khong-ngung-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao/194272.htm